Phúc đáp kịp thời đòi hỏi của cuộc sống
- Năm 2020, Bộ GTVT lần đầu tiên công bố Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, nhưng đến tháng 6/2024, Luật Đường bộ mới chính thức được thông qua. Việc xây dựng, hoàn thiện dự luật này dường như đang giữ kỷ lục về mặt thời gian so với việc xây dựng các luật chuyên ngành khác như Hàng không dân dụng, Hàng hải, Đường sắt, thưa ông?
Cùng với lịch sử 80 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, ngành Đường bộ luôn đóng vai trò là một trong những lĩnh vực vận tải chủ đạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đây là lĩnh vực rộng, phức tạp, liên quan và tác động tới nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội.
Vì thế, khi thực hiện Dự án Luật Đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện với tinh thần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời phải giải quyết kịp thời những yêu cầu của thực tiễn, với tầm nhìn xa, rộng hơn.
Các quy định mới cần huy động được các tiềm năng, nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể thấy, “tuổi thọ” của Luật Giao thông đường bộ 2008 khá dài, thể hiện được vai trò và sứ mệnh của mình trong xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là phải thể chế hóa được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, việc ra đời Luật đường bộ 2024 là tất yếu.
Thực tế quá trình xây dựng dự thảo và hoàn thiện luật này dài hơn khi xây dựng một số luật chuyên ngành khác trong lĩnh vực GTVT, do đường bộ chiếm thị phần chủ đạo trong tổng số 5 loại hình vận tải nên quá trình xây dựng phải đánh giá toàn diện, phải có thời gian để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, với tinh thần luật phải “soi chiếu”, điều chỉnh được nhiều mối quan hệ, đặc biệt phải dự liệu được những vấn đề có thể diễn ra trong tương lai thì nó mới giúp cho công tác quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng. Dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, đó là cách để gia tăng “tuổi thọ” cho một đạo luật khi ban hành.
“Không giao thương thì không thể giàu có. Nhưng muốn liên kết giao thương, buôn bán, thì phải mở mang hạ tầng đường sá giữa các vùng. Thế mới có câu là “đại lộ sinh đại phú”. Kỳ vọng Luật Đường bộ 2024 sẽ tạo động lực thực hiện được điều này!” - Cục trưởng Bùi Quang Thái.
Tôi cho rằng, Luật Đường bộ 2024, với một hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi, có thể ví như một “con đường cao tốc”, sẽ giúp giải quyết, phúc đáp đầy đủ và nhanh nhất những đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển hạ tầng phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
- Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định hoàn thiện “thể chế ”, phát triển “nguồn nhân lực”, xây dựng “kết cấu hạ tầng” là 3 đột phá chiến lược của phát triển. Luật Đường bộ 2024 đã cụ thể hóa chủ trương nói trên của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Luật Đường bộ 2024 đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng cơ chế đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; chú trọng xây dựng một số công trình trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Luật Đường bộ 2024 cũng đảm bảo sự kế thừa và tiếp tục các quy định còn phù hợp. Bên cạnh đó, đã sửa, bổ sung để khắc phục những hạn chế, bất cập của luật năm 2008. Ngoài ra, còn tái cơ cấu các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đường bộ.
Luật Đường bộ 2024 chuẩn bị có hiệu lực sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
|
Giao thông đi trước một bước, kết nối các vùng, khu, cụm công nghiệp tạo ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương. |
“Đại lộ sinh đại phú”...
- Rất nhiều kỳ vọng các quy định mới của Luật Đường bộ 2024 về đầu tư, phát triển đường cao tốc hay cơ chế huy động nguồn lực để xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng… sắp tới sẽ tạo ra một không gian mới cho sự phát triển, như đúc kết của người xưa là “đại lộ sinh đại phú”?
Luật Đường bộ 2024 đã xây dựng được cơ chế đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển các tuyến cao tốc, các công trình trọng điểm kết nối vùng, khu vực.
Với nguyên tắc phân loại đường bộ theo cấp quản lý, các chủ thể như Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với thẩm quyền quản lý các loại đường bộ.
Các quy định này sẽ gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong đầu tư, quản lý, vận hành khai thác, bảo trì; cho phép phân cấp, phân quyền thông qua việc quy định Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý, đầu tư, xây dựng, vận hành, bảo trì quốc lộ; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đối với hệ thống đường địa phương và một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ. Quy định đó gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách trương ương và địa phương trong Luật Ngân sách, tạo sự đồng bộ, thống nhất, giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn khi cần xác định chủ thể thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư đối với công trình đường bộ.
Theo đó, trên cơ sở khả năng cân đối nguồn lực, Thủ tướng sẽ giao UBND tỉnh quản lý, đầu tư nâng cấp một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh để phát huy tính chủ động trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối và tạo không gian phát triển của địa phương, thay vì ngồi chờ trung ương thực hiện đầu tư - là điểm mới.
Người xưa đã nói “phi thương thì bất phú”, không giao thương thì không thể giàu có lên được. Nhưng muốn liên kết giao thương, buôn bán, thì phải mở mang hạ tầng đường sá giữa các vùng, địa phương. Thế mới có câu là “đại lộ sinh đại phú”… Luật Đường bộ 2024 sẽ tạo động lực thực hiện được điều này!
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động cao điểm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 |
- Ông có thể cho biết vai trò của Luật Đường bộ 2024 đối với việc hiện thực hóa mục tiêu trước mắt là 3.000km đường cao tốc hoàn thành vào năm 2025, và đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc?
Điểm mới là trong Luật Đường bộ 2024 là đã dành riêng một chương quy định về đường cao tốc. Các nội dung liên quan đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đã được quy định đầy đủ. Đồng thời đã sửa đổi một số chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), qua đó tháo gỡ các vướng mắc trong huy động nguồn lực phát triển đường cao tốc. Với quy định mới, việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước để cải tạo, mở rộng các cao tốc sẽ thuận lợi hơn.
Cụ thể, thông qua hình thức BOT, nhà đầu tư có thể tham gia các dự án này, và có thể thu phí trực tiếp để hoàn vốn thay vì hình thức hoàn vốn gián tiếp như quy định trước đây.
Sắp tới, một số đoạn tuyến như cao tốc TP.HCM - Trung Lương… sẽ được xem xét nâng cấp, mở rộng theo cơ chế này để giải quyết vấn đề ùn tắc, quá tải trên tuyến.
|
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được đầu tư mở rộng lên 8 làn xe theo hình thức PPP, tăng năng lực vận tải giữa "đầu tàu" kinh tế phía Nam với ĐBSCL. |
Giao thông xanh, đồng hành cam kết Net Zero
- Xu thế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ của thế giới đang theo hướng xanh hóa, bền vững và điều hành bằng hệ thống thông minh. Luật Đường bộ mới giải quyết vấn đề này như thế nào trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết Net Zero vào 2050?
Với mục tiêu phát triển xanh và bền vững, Luật Đường bộ 2024 đã quy định việc tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; phát triển giao thông thông minh; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện môi trường…
Để giảm phát thải trong giao thông đường bộ thì một trong những giải pháp hữu hiệu là khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện. Luật đường bộ 2024 cũng có quy định cụ thể về việc các trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện này. Như thế, tới đây việc phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ không chỉ khuyến khích xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường mà các phương tiện lưu thông trên đó cũng khuyến khích, tạo điều kiện sử dụng năng lượng xanh.
|
Để phát triển giao thông xanh, các trạm dừng nghỉ trên cao tốc sẽ phải bố trí các trụ sạc điện cho phương tiện cơ giới đường bộ. |
- Việc hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ 2024 sẽ được thực hiện như thế nào khi tháng 10/2024, một số quy định của luật đã bắt đầu có hiệu lực và đầu 2025 toàn bộ luật này có hiệu lực, thưa ông?
Để Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và các nội dung có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ sau:
Khẩn trương tập trung triển khai rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết luật, theo đó Bộ GTVT sẽ chủ trì xây dựng 4 nghị định và 6 thông tư để đảm bảo việc triển khai thi hành luật này.
Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Đường bộ 2024 để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Đường bộ 2024, với đa dạng hình thức như: tổ chức hội thảo, hội nghị, biên soạn tài liệu… để luật này sớm đi vào cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!
3 năm gần bằng 20 năm
Đến nay, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đã đạt 2.021km. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 858km - bằng hơn 2/3 tổng số km cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước. Từ nay đến hết năm 2025, ngành Giao thông phải hoàn thành ít nhất 1.000km đường cao tốc, mới đạt mục tiêu 3.000km mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.