"Luật hóa" chương trình việc làm công

Lao động không có quan hệ lao động chiếm 65,4% trên tổng số lao động nhưng gần như đang “nằm ngoài vùng phủ sóng” của pháp luật nên phải chịu nhiều thiệt thòi là lý do để tại phiên thảo luận sáng qua, các ĐBQH bày tỏ tán thành việc ban hành Luật Việc làm với hy vọng có các biện pháp hữu hiệu thực hiện những chính sách ưu tiên để lao động việc làm khu vực phi chính thức sớm ổn định và bền vững.

Lao động không có quan hệ lao động chiếm 65,4% trên tổng số lao động nhưng gần như đang “nằm ngoài vùng phủ sóng” của pháp luật nên phải chịu nhiều thiệt thòi là lý do để tại phiên thảo luận sáng qua, các ĐBQH bày tỏ tán thành việc ban hành Luật Việc làm với hy vọng có các biện pháp hữu hiệu thực hiện những chính sách ưu tiên để lao động việc làm khu vực phi chính thức sớm ổn định và bền vững.

ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu ý kiến.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thúc đẩy chính sách việc làm

Dẫu lo ngại “thêm luật thêm quỹ”, song trong lĩnh vực việc làm, nhiều ĐBQH tán thành “phải hình thành quỹ BHTN và quỹ BHTN phải thật sự thúc đẩy chính sách việc làm”.

Theo quy định hiện hành, chính sách BHTN mới chỉ điều chỉnh người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 lao động trở lên, “do vậy việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc rất cần thiết và là một bước đột phá lớn".

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) khẳng định. Nhất trí ý kiến này, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị cân nhắc thêm và qui định rõ về mở rộng đối tượng được hưởng BHTN để “người lao động không phải thấp thỏm chờ đợi”.

Nhưng ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) lo ngại “không hiểu BHTN sẽ thế nào” khi mở rộng đối tượng được hưởng BHTN bởi  thực tế “vô cùng khó khăn, số người tham gia chưa nhiều” khi thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phân tích các qui định về BHTN của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành và dự thảo của luật này, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) nhận thấy, “cùng một lúc, cùng một đối tượng, cùng một người lao động phải đồng thời nộp hai loại bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm bắt buộc nên cho rằng “nếu bắt buộc đối tượng này phải nộp BHTN thì đến khi về hưu cũng phải được hưởng một phần trong BHTN này vì họ đã đóng cả cuộc đời; hoặc không cho hưởng thì không bắt buộc phải nộp quỹ BHTN”.

Thực tiễn 4 năm thực hiện chính sách BHTN, các quy định pháp luật hiện hành về BHTN mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho người lao động sau khi bị mất việc làm, giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa có một chính sách duy trì việc làm ngăn ngừa hay hạn chế thất nghiệp. Một số ĐBQH đề nghị chuyển BHTN thành bảo hiểm việc làm để “hỗ trợ cho người thất nghiệp và cả những người đang có việc làm, chủ động trong việc phòng ngừa thất nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết hậu quả thất nghiệp”.

Hỗ trợ việc làm cho lao động đang tìm việc

Với sức ép 1,6 triệu việc làm mới hàng năm và thị trường lao động Việt Nam là thị trường mới nổi nên cần thiết có sự can thiệp, hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước nên nhiều ĐBQH đánh giá cao chính sách mới là chương trình việc làm công. ĐB Nguyễn Thúy Hoàn cho rằng, “đây là một chính sách hỗ trợ việc làm mới được luật hóa, hướng tới các nhóm lao động không có quan hệ lao động và đang tìm việc làm”. Nhưng điều ĐB này quan tâm là “người lao động được hưởng chính sách ưu đãi gì trong chính sách này” nên đề nghị quy định rõ trách nhiệm của chủ quản lý chương trình hay mức hỗ trợ, nguồn hỗ trợ, thời gian hỗ trợ.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) kiến nghị nên nghiên cứu hỗ trợ, tạo việc làm đối với lao động chưa có tay nghề ở thành thị, lao động di dân theo quy hoạch và di dân tự do, lao động mất việc làm do rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, suy thoái kinh tế, các chính sách hỗ trợ gián tiếp như xúc tiến việc làm, mở rộng phối hợp hướng nghiệp để hệ thống chính sách toàn diện và ổn định hơn….

Tán thành cao 6 nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong dự thảo Luật, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, nhóm chính sách đối với lao động đã có việc làm nhưng mong muốn tìm việc làm có chất lượng, thu nhập tốt hơn, an sinh xã hội bảo đảm hơn so với việc làm hiện tại của họ là “rất quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nhưng dự thảo chưa đề cập nhiều”.

“Cần bổ sung các chính sách này hướng đến mục tiêu chuyển dịch từ việc làm phi chính thức, thiếu ổn định, chất lượng hạn chế chuyển sang việc làm có chất lượng và việc làm bền vững với thu nhập thỏa đáng, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội đảm bảo. Đó là chính sách hữu hiệu hướng tới mục tiêu việc làm bền vững”, ĐB tỉnh Vĩnh Phúc nhận định.

Huy Anh

Đọc thêm