Luật hóa quy định về hợp đồng hôn nhân

Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Từ  góc nhìn Luật sư, quy định này của các đôi nam nữ nghe thì “trái khoáy” nhưng sẽ rất có hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình và phù hợp với khuynh hướng phát triển của thế giới hiện đại.

Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Từ  góc nhìn Luật sư, quy định này của các đôi nam nữ nghe thì “trái khoáy” nhưng sẽ rất có hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình và phù hợp với khuynh hướng phát triển của thế giới hiện đại.

Phiên tòa ly hôn. Ảnh minh họa
Phiên tòa ly hôn. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hôn nhân vốn là một quan hệ dân sự nên dù người ta có né tránh sử dụng từ “hợp đồng” trong quan hệ hôn nhân thì tất cả các cuộc hôn nhân đều không thoát khỏi những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, như nguyên tắc về sự tự nguyện, thỏa thuận. Nếu vi phạm những nguyên tắc này, không chỉ quan hệ hôn nhân của đôi nam nữ không thành mà những người “cưỡng ép hôn nhân” còn bị xử phạt hành chính.

Vì thế, dù không quy định về hợp đồng hôn nhân thì hôn nhân vẫn mang bản chất của hợp đồng, chỉ có điều hợp đồng này không được thiết lập bằng văn bản. Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay thì giấy đăng ký kết hôn cũng giống như bản chứng thực của cơ quan nhà nước đôi với một bản hợp đồng hôn nhân bằng miệng.

Do không có hợp đồng hôn nhân bằng văn bản nên và pháp luật không có quy định về hợp đồng trong quan hệ hôn nhân như một nguyên tắc bắt buộc đối với các cặp vợ chồng cũng để lại những hệ quả phức tạp trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và các quan hệ xã hội.

Để làm rõ hơn vai trò của hợp đồng hôn nhân, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt về vấn đề này:

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, quan hệ hôn nhân không phải là quan hệ dân sự nên không thể áp dụng quy định về hợp đồng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng quan điểm như trên là không đúng về mặt bản chất của quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật hôn nhân. Bản chất, quan hệ hôn nhân là một quan hệ dân sự rất điển hình. Do hiện nay, trong lý luận khoa học, chúng ta phân chia thành nhiều ngành luật khác nhau dẫn đến nhiều người đã lầm tưởng quan hệ hôn nhân không phải là quan hệ dân sự. Bản chất, quan hệ hôn nhân là quan hệ dân sự.

Do là quan hệ dân sự nên mối quan hệ giữa hai cá nhân trong quan hệ hôn nhân mang bản chất của hợp đồng dân sự, đó là sự tự nguyện và thỏa thuận cùng thực hiện các hành vi dân sự làm phát sinh quyền lợi, nghĩa vụ chung. Đương nhiên, cũng giống như các quan hệ dân sự khác, nó luôn chứa đựng, tiềm ẩn xung đột, mâu thuẫn về lợi ích và dẫn đến tranh chấp. Đó là các tranh chấp hợp đồng đúng với nghĩa của từ này.

Theo ông, quan hệ hôn nhân vốn là hợp đồng dân sự thì pháp luật có nên quy định các đương sự phải thiết lập hợp đồng trước khi đăng ký kết hôn hay không?

- Khi đăng ký kết hôn, thực chất đây là sự chứng thực cho một hợp đồng dân sự không thành văn (bằng miệng). Nếu cặp vợ chồng không có tài sản chung thì việc thiết lập hợp đồng không thành văn là đủ, nếu có tranh chấp việc giải quyết cũng rất dễ dàng mà không cần tới văn bản. Do đó, có thể nói hợp đồng không thành văn là phù hợp cho các cuộc hôn nhân không phát sinh tài sản chung.

Tuy nhiên, hiếm có cuộc hôn nhân nào mà các cặp vợ chồng lại không có tài sản chung hoặc hướng đến việc tạo lập tài sản chung. Do đó, khi có tranh chấp, nếu thiếu đi các thỏa thuận bằng văn bản thì việc giải quyết tranh chấp sẽ khó hơn.

Hiện nay, trong hầu hết các vụ tranh chấp hôn nhân và gia đình thì yếu tố phức tạp, khó giải quyết nhất chính là tranh chấp về tài sản. Trong hầu hết các vụ kiện hiện nay, việc thỏa thuận về tài sản có vướng mắc. Vì vậy, để ly hôn nhanh, đương sự thường không yêu cầu tòa án giải quyết tài sản mà để lại giải quyết sau. Nhưng, càng để lâu càng phức tạp. Do đó, tôi cho rằng, trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, nếu được lập thành văn bản thì mọi tranh chấp sẽ không phức tạp, không gây khó khăn cho đương sự và cả tòa án.

Như vậy, ông cho rằng pháp luật cần quy định về việc các cặp vợ chồng phải ký “hợp đồng”, quy định rõ về vấn đề tài sản trước khi kết hôn?

- Như tôi đã nói, hôn nhân vốn là hợp đồng. Hình thức của hợp đồng đối với việc gắn kết giữa nam và nữ thì không cần lập văn bản nhưng đối với tài sản thì các bên phải lập bằng văn bản, xác định rõ tài sản có trước hôn nhân, tài sản chung trong hôn nhân được xác lập như thế nào và tài sản riêng trong hôn nhân được hình thành ra sao… Với các thỏa thuận về tài sản được xác lập theo các nguyên tắc mà pháp luật quy định, khi tranh chấp xảy ra, tòa án chỉ căn cứ vào hợp đồng cũng đủ giải quyết tranh chấp mà không sợ vướng mắc gì.

Nhưng dưới góc độ văn hóa, việc quy định như trên liệu có xung đột với các giá trị văn hóa truyền thống hay không, thưa ông?

- Văn hóa là giá trị không phải là bất biến mà có thể thay đổi phù hợp với thời thế, cách ứng xử của mỗi cộng đồng trong một thời kỳ nhất định để tạo ra sự  hài hòa và đảm bảo lợi ích chung. Thực tế, quy định của pháp luật như trên chỉ giúp con người sống thực tâm và thẳng thắn với nhau hơn, giúp cho mọi người ứng xử tốt với nhau hơn. Như vậy, quy định này của pháp luật sẽ tạo ra sự ổn định xã hội hơn là né tránh và quy định mập mờ.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm