LLDBĐV là một thành phần của quân đội
Luật LLDBĐV quy định về xây dựng, huy động LLDBĐV; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động LLDBĐV. Trước đó, trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã góp ý vào Dự thảo Luật.
Theo Luật, LLDBĐV là quân nhân dự bị đã đăng ký, quản lý để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân (QĐND).Về tên gọi Luật LLDBĐV, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc sửa thành Luật DBĐV hoặc Luật Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, vì LLDBĐV là con người, chưa bao gồm về phương tiện kỹ thuật.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Điều 66 Hiến pháp quy định, Nhà nước xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, LLDBĐV hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt cho nhiệm vụ quốc phòng.
Luật Quốc phòng cũng quy định, QĐND là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bao gồm lực lượng thường trực và LLDBĐV. Mặt khác, “Trong thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của LLDBĐV vào Dự thảo Luật. Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, LLDBĐV là một thành phần của quân đội, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của quân đội đã được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013.
Khoản 2 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định, QĐND có nhiệm vụ, chức năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo.
Về quy định thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ đối với sĩ quan dự bị, Điều 41 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan dự bị dài hơn hai năm so với sĩ quan tại ngũ ở mỗi cấp bậc quân hàm. Ví dụ từ Thượng úy lên Đại úy, sĩ quan tại ngũ là 3 năm, sĩ quan dự bị là 5 năm.
Bộ Quốc phòng chỉ tổ chức đơn vị DBĐV đến cấp trung đoàn, trong đó Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn là sĩ quan tại ngũ có cấp bậc quân hàm cao nhất: Thượng tá. Sĩ quan dự bị xác định xếp đến Phó Trung đoàn trưởng, quân hàm cao nhất là Trung tá. Vì vậy, Dự thảo Luật LLDBĐV quy định thống nhất với Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Đối với chế độ chính sách trong thực hiện Luật, quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị DBĐV, được xây dựng huấn luyện, diễn tập và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu từ thời bình để bổ sung cho quân đội khi cần thiết.
Việc quy định chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động LLDBĐV tương xứng, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng này, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chế độ chính sách cụ thể cho LLDBĐV Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
Trách nhiệm của các đơn vị có quân nhân dự bị
Nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm đến quy định về tỷ lệ duy trì đủ quân số, số lượng dự phòng từ 10% đến 15% của đơn vị DBĐV (Điều 15) vì quân nhân dự bị cơ bản là lực lượng lao động chính trong gia đình, làm việc xa nhà hoặc những lý do đặc biệt khác nên không đủ số lượng khi thực hiện huy động.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, việc huy động số lượng dự phòng đối với các đơn vị DBĐV giúp kịp thời sắp xếp, huy động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống.
Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị DBĐV trong thời bình (Điều 17) cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Các vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tại Báo cáo số 462/BC-UBTVQH14 ngày 19/10/2019 nên Dự thảo Luật không bị chỉnh sửa.
Để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, động viên quân nhân dự bị yên tâm đi làm nhiệm vụ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, Điều 40 Dự thảo Luật đã được chỉnh lý cụ thể như sau: “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức: Cơ quan, tổ chức có quân nhân dự bị làm việc, học tập phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức phải tổng động viên, động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.
Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) góp ý, đây là điểm mới, hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Vì hiện nay, pháp luật chưa có quy định hoặc ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp nơi có quân nhân dự bị làm việc, trong đó có các công ty, doanh nghiệp trong nước và công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian qua, nhiều công ty, doanh nghiệp đã tạo điều kiện, song cũng có công ty, doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho quân nhân dự bị thực hiện nghĩa vụ khi có lệnh, do đó dẫn đến việc huy động quân nhân dự bị trong các đơn vị này để tập trung diễn tập, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu rất khó khăn...