Do đó, tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hôm qua (10/3), Luật sư Lê Đăng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội kiến nghị cần có chế tài với cơ quan, tổ chức cản trở hoạt động báo chí chứ không nên chỉ hạn chế với nhà báo mà “nới lỏng” trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động báo chí như vậy.
Cần xử lý việc “né” cung cấp thông tin cho báo chí
Từ thực tiễn quản lý hoạt động quản lý báo chí, ông Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội nhận thấy việc thiếu quy định về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều cầm (Điều 9 Dự thảo) trong hoạt động báo chí sẽ khiến quy định không được thực hiện đầy đủ. Lấy ví dụ việc Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Tây lăng mạ, chửi bới khi phóng viên liên hệ bằng điện thoại, ông Nguyễn Mẫn Nhuệ - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Thủ Đô băn khoăn về “hành vi cản trở báo chí thì xử lý như thế nào?” khi chỉ có các quy định cấm báo chí mà chưa có quy định xử lý các hành vi đe dọa, cản trở, hành hung nhà báo.
Hiện có quy định về việc xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP nhưng nhà báo vẫn bị đe dọa, cản trở, hành hung trong quá trình tác nghiệp. “Rõ ràng là do chế tài chưa đủ sức răn đe và quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí chưa được nghiêm chỉnh chấp hành trong thực tế” - ông Khánh nhận xét.
Trước tình trạng “né” cung cấp thông tin cho báo chí cũng là một biểu hiện của hành vi cản trở báo chí, bà Bùi Thúy Mơ, Phó Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị việc phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí cần được quy định ngay trong Luật này để đảm bảo thực hiện.
Còn theo bà Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cần bổ sung vào Dự thảo Luật qui định xử lý hành chính các hành vi cản trở nhà báo vì nhiều trường hợp người phát ngôn né tránh trả lời báo chí, nhưng không xử lý được vì luật không đề cập. Trong khi đó, nhà báo chỉ được miễn trừ trách nhiệm nếu sử dụng thông tin từ cơ quan, tổ chức do người phát ngôn cung cấp; việc khai thác các nguồn tin khác trong trường hợp bị né cung cấp thông tin thì nhà báo phải tự chịu trách nhiệm.
Lo vì luật bỏ quản lý trang tin điện tử
Theo ông Chu Sơn Hà – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, chỉ quy định cấm là chưa đủ mà cần quan tâm đến cả trách nhiệm bồi thường của báo chí nếu đưa tin sai sự thật, làm tổn hại đến cá nhân, tổ chức. “Các cơ quan nhà nước bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, còn báo chí là đơn vị sự nghiệp khi đưa tin không đúng sự thật gây thiệt hại thì bồi thường theo luật nào, luật này đã thể hiện đủ chưa hay cần viện dẫn luật khác” – ông Hà nêu vấn đề.
Mặc dù một số ý kiến nhất trí quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí như Dự thảo Luật (thêm chức danh Tổng Giám đốc/Giám đốc cùng chức danh Tổng Biên tập/ Phó Tổng Biên tập hiện hành) nhưng ông Nhuệ lại bày tỏ quan điểm ủng hộ tên gọi, chức danh của cơ quan báo chí như quy định cũ, vì “những chức danh này rất đặc trưng của báo chí”.
Nhấn mạnh đến “hiệu ứng xã hội” rộng lớn của nhiều trang tin điện tử, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phân vân trước việc Dự thảo không cho loại hình thông tin này vào đối tượng điều chỉnh. “Trang tin điện tử nhiều khi hiệu ứng còn lớn hơn báo chí vì nhiều trang mua bản quyền cho tờ báo điện tử, phóng viên của trang điện tử nhưng xuất bản ở báo điện tử nên nhanh hơn, hiệu ứng lớn hơn, tại sao không coi là báo chí?” – ông Đức nêu. Theo ông, cần quản lý các trang tin điện tử trong Dự thảo Luật này, với những trang tin điện tử có tính chính trị xã hội thì phải có những điều cấm, chế tài.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng Điều 3 Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn để quản lý được nội dung thông tin, chứ không chỉ quản lý 4 loại hình báo chí để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay.