Luật Phòng chống tác hại rượu bia: 'Bàn tay sắt' ngăn chặn ma men gây họa cho xã hội

(PLVN) - Có lẽ ít có đạo luật nào mà có hành trình từ khi thai nghén đến lúc được thông qua trắc trở đến vậy. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra từ chốn nghị trường cho đến quán trà đá ven đường xung quanh những điều khoản của đạo luật này. Nhưng rốt cuộc thì quyền lợi và sự an toàn của cả cộng đồng vẫn lên ngôi. Chén rượu có thể vui lúc tiêu dao, giải sầu, nhưng không thể “mượn” hay “vì” chén rượu để gây họa cho xã hội. Điều đó luôn đúng!
Ép người khác uống rượu bia là tội ác.
Ép người khác uống rượu bia là tội ác.

Vì tính mạng và sức khỏe con người, luật phủ quyết luật

Hành trình bắt đầu từ năm 2011-2012 khi dự luật bắt đầu được Bộ Y tế thai nghén. Tháng 9/2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra mắt dự luật. Tháng 11/2018 dự luật trình Quốc hội lần đầu tiên. Tháng 4/2019 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu nói một số nội dung quan trọng đã bị rút khỏi dự thảo.

Từ ngày 20/5 đến 14/6/2019 quy định cấm bán rượu bia trên internet một lần nữa được đưa ra khỏi văn bản trình Quốc hội. Ngày 3/6/2019 Quốc hội bấm nút thăm dò ý kiến với kết quả giằng co sít sao. Ngày 14/6/2019 Luật Phòng chống tác hại rượu bia (PCTHRB) được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành 84,3%.

Ngày 1/1/2020 Luật PCTHRB bắt đầu có hiệu lực thi hành. Hành trình trắc trở này đã khẳng định một sự thật rằng, điều gì có ích cho xã hội, cho cộng đồng thì trước sau gì cũng sẽ được công nhận.

Luật PCTHRB gồm 7 chương 36 điều. Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm gồm: nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

Bên cạnh đó, luật nêu rõ những nơi không được uống rượu, bia, gồm 7 địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đển chất lượng lao động…

Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc giữ vững quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm nhất quán quan điểm quản lý toàn diện đối với rượu, bia; khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với rượu, bia.

Tuy nhiên, việc này có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ; từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia…

Nhưng khi nói đến Luật PCTHRB thì điều mà ai cũng nghĩ đến đầu tiên đó là điều khoản quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” bởi “số phận” long đong cũng như tính cấp thiết của nó.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhiều người sáng đi làm nhưng buổi chiều mãi mãi không thể trở về nhà, nhiều đứa trẻ trong phút chốc mồ côi cha mẹ… vì những tài xế say rượu. Do đó, nhiều người đã nói rằng, tiếng lòng của người dân về sự mong mỏi có quy định cấm uống rượu bia khi lái xe đã vang vọng đến phòng họp Diên Hồng của Nhà Quốc hội, để đa số đại biểu đặt tay lên nút bấm “đồng tình”.

Thật vậy, khi Quốc hội thông qua Luật PCTHRB thì bất ngờ hơn là điều khoản quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” đã được thông qua với số lượng phiếu rất cao.Trước đó, điều khoản được đưa ra biểu quyết riêng. Kết quả bất ngờ khi có đến 374/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 77,2%.

Chỉ có 54 đại biểu không tán thành và 18 đại biểu không biểu quyết. Trong khi chỉ mới cách đó 11 ngày, cũng biểu quyết về điều khoản này chỉ có 44,2% đại biểu đồng ý và 43,8% ý kiến không đồng ý đưa quy định vào luật.

Tại cuộc họp báo kết quả kỳ họp Quốc hội , trả lời câu hỏi của báo chí, Tổng thư ký Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết trên cơ sở cân nhắc ý kiến, đặc biệt là trước tình trạng tai nạn giao thông gia tăng thời gian qua nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa nội dung cấm sử dụng bia rượu khi lái xe vào luật để biểu quyết, dù trước đó đã bị rút ra khỏi dự thảo luật.

Xung quanh điều luật này cũng có nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu luật có “vênh” luật và khả năng thực thi sẽ hiệu quả đến đâu, tuy nhiên theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội ông Bùi Sỹ Lợi, về nội dung người lái xe sử dụng bia rượu dù ít hay nhiều cũng sẽ bị xử lý tại Luật PCHTRB vừa được thông qua sẽ “vênh” với nội dung tương tự tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì về nguyên tắc luật nào ra đời sau thì luật đó sẽ có hiệu lực cao nhất.

”Nội dung chế tài tài xế sử dụng bia rượu khi lái xe sẽ được áp dụng tại Luật PCTHRB sẽ phủ quyết điều khoản liên quan tại Luật Giao thông đường bộ. Khi sửa Luật Giao thông đường bộ, quy định này cũng sẽ được lược bỏ để đảm bảo đồng bộ” - ông Lợi nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về một số luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật PCTHRB do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức ngày 4/7 mới đây, ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành luật này là yêu cầu cấp thiểt để góp phần giảm gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Và để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, tới đây quy định của Luật Giao thông Đường bộ, Luật Thương mại sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Mỗi người đều có quyền tự chủ khi quyết định uống hay không

Đó là điều mà Luật PCTHRB hướng tới khi quy định việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là một trong 13 hành vi bị luật nghiêm cấm. 

Còn nhớ, trong cuộc họp tổ của phiên họp Quốc hội cuối năm 2018, đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng đã kiến nghị bổ sung vào dự luật “quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không”, và quy định cấm ép uống rượu bia đối với mọi lứa tuổi.

”Phạm vi dự thảo luật hiện nay chỉ quy định cấm ép người dưới 18 tuổi, cần mở rộng ra bởi thực tế có nhiều trường hợp người trên 18 tuổi bị ép uống, rơi vào tình thế buộc phải uống dù không thực sự muốn. Ví dụ sinh viên mới ra trường, đi làm bị anh chị trong cơ quan ép, không uống thì bị cho là không nhiệt tình. Cán bộ Đoàn thanh niên đi tiếp khách cũng bị các bậc cha chú bắt uống”, ông Thắng nói.

Ít người biết rằng, thực ra đây không phải là lần đầu tiên việc cấm ép người khác uống rượu bia được đưa vào luật, mà trước đó Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định và theo đó người uống gây thiệt hại, người ép phải bồi thường.

Cụ thể, Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.Từ quy định trên có thể thấy, hành vi cố ý ép người khác uống rượu, làm người đó mất khả năng nhận thức và gây ra thiệt hại thì người phải bồi thường chính là người ép người khác uống rượu.

Kết

Tới đây khi Luật PCTHRB có hiệu lực từ đầu năm 2020 có thể điều luật cấm tiệt bia rượu khi lái xe; cấm lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia và nhiều điều luật khác khó có thể đi ngay được vào cuộc sống, vì nó còn phụ thuộc vào năng lực thi hành của các cơ quan công vụ cũng như nhận thức của người dân. 

Hay nói như TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, Luật PCTHRB liên quan đến xung đột về lợi ích giữa vấn đề sức khỏe, xã hội với lợi ích về kinh tế. Đây cũng là khó khăn lớn đầu tiên từ quá trình xây dựng dự luật đến đưa luật vào thực tiễn.

“Tính khả thi của Luật PCTHRB trong điều kiện của Việt Nam chưa thể thực hiện ngay được. Những vấn đề chúng ta đưa ra phải từng bước khắc phục và vào cuộc kiên quyết để thực hiện tốt hơn với sự tham gia, phối hợp liên ngành để đưa luật vào thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ sẽ có một kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… thậm chí Hội Liên hiêp phụ nữ, Hội Nông dân cũng phải vào cuộc từ trung ương đến địa phương. Mỗi địa phương sẽ có một cách làm khác nhau tùy theo điều kiện mỗi cơ quan, địa phương cụ thể”, theo ông Quang.

Nhưng thiết nghĩ, ngay cả khi chưa được thực thi triệt để thì cũng không có lý do gì để từ chối chào mừng sự ra đời của những điều luật phù hợp với xu hướng của thế giới văn minh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người. 

Giới chuyên gia nhìn nhận tổng quan cho rằng ngay từ cái tên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới mọi người dân, nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai. Theo TS. Nguyễn Huy Quang khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, việc đầu tiên phải làm là xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trong đó, Bộ Y tế sẽ có dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề hạn chế tiếp cận rượu bia, tính sẵn có của rượu bia. Bộ Công Thương sẽ xây dựng nghị định về sản xuất, kinh doanh rượu bia cũng như các quy định chi tiết liên quan đến kiểm soát sản xuất rượu thủ công. Song song với quá trình này sẽ là các đợt truyền thông mạnh mẽ, kiên trì về luật này để các đối tượng chịu tác động của luật hiểu và thực hiện quy định.

Đọc thêm