Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế

(PLVN) - Tại cuộc họp báo chuyên đề công tác quản lý thuế (QLT) 5 tháng đầu năm 2019 tổ chức cuối tuần qua, đại diện Tổng cục thuế (TCT) khẳng định Luật QLT (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NNT...
Quang cảnh buổi họp báo

Thêm nhiều điều, thêm nhiều thuận lợi

Thực hiện Nghị quyết 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án Luật QLT (sửa đổi) được trình Quốc hội khoá XIV qua 2 kỳ họp: Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (sáng ngày 13/6/2019).

Luật QLT (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với kết quả biểu quyết là 442 đại biểu tán thành trên 453 đại biểu có mặt, chiếm tỷ lệ 91,32% trên tổng số 484 đại biểu.

Luật QLT (sửa đổi) được thông qua có 152 điều, nhiều hơn 32 điều so với Luật QLT hiện hành (có 120 điều), với hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.

Theo đại diện TCT, Luật QLT (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý cho QLT hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NNT; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan QLT cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong QLT. 

Trong đó, tại Điều 16 đã quy định quyền của NNT. Ngoài các quyền (10 quyền) quy định tại Luật QLT cũ thì hiện nay Luật QLT đã bổ sung 04 quyền cho NNT để đảm bảo các quyền trong giao dịch điện tử, quyền được nhận các văn bản liên quan nghĩa vụ thuế của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Ngoài ra, Luật QLT (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác QLT, trong đó có việc áp dụng  rộng rãi phổ biến QLT điện tử, đặc biệt là tạo cơ sở để QLT đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số... 

Luật QLT (sửa đổi) cũng sẽ đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục QLT hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác QLT để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.

Theo đại diện TCT, sau khi Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật QLT, TCT sẽ tổ chức buổi họp báo công bố chính thức về Dự án Luật QLT.

Các đề án khác đang triển khai theo tiến độ

Tại cuộc họp báo, TCT cho biết, hiện TCT đang triển khai theo tiến độ Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu Ngân sách nhà nước (TCT đã xây dựng đề án và gửi lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, Bộ, ngành, địa phương; tổ chức Hội thảo với chủ đề “QLT trong nền kinh tế số”).

Ngoài ra, TCT đang tiếp tục xây dựng các văn bản: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư  44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 về khung giá tính thuế Tài nguyên đối với nhóm, loại Tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau; Thông tư hướng dẫn quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế; Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 hướng dẫn về hóa đơn điện tử; Thông tư sửa đổi Thông tư 110/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán thuế nội địa; Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 95/2016/TT-BTC hướng dẫn về Đăng ký thuế; Thông tư thay thế các Thông tư hướng dẫn thuế TNDN hiện hành.

Một số công tác trọng tâm khác được TCT tích cực triển khai trong 5 tháng đầu năm như tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số và quy trình đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với NNT; Xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số và quy trình lựa chọn hồ sơ khai thuế; kiểm tra tại trụ sở cơ quan QLT. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro. Trao đổi, cung cấp thông tin với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Tổng cục Hải quan để tăng cường quản lý giám sát, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật…

Giảm hơn 100 Chi cục thuế trong 5 tháng đầu năm

Trong 5 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các Chi cục Thuế theo yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; theo đó đã trình Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hợp nhất các Chi cục Thuế thành Chi cục Thuế khu vực tại 25 địa phương nâng tổng số địa phương đã thực hiện lên 31/63. Tính đến thời điểm này, số Chi cục thuế trong cả nước đã giảm từ 711 Chi cục xuống còn 608 Chi cục (giảm 103 Chi cục). Theo kế hoạch, đến hết năm 2019 giảm còn 420 Chi cục. Bên cạnh đó, toàn ngành đã sắp xếp tổ chức bộ máy mới theo Quyết định 41/2018/QĐ-TTg và các Quyết định của Bộ Tài chính, TCT.

Đọc thêm