Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Một số vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện

(PLVN) - Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) vừa chủ trì Hội nghị làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (Luật Sĩ quan). Hiện Luật Sĩ quan có nhiều bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm các quyền lợi của cán bộ, sĩ quan toàn quân.
Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Lam Hạnh)
Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Lam Hạnh)

Luật Sĩ quan được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (năm 1999), có hiệu lực thi hành từ 1/4/2000. Qua 2 lần tổng kết (2007 và 2013), BQP đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật 2 lần vào 2008 và 2014. Luật có 7 chương, 51 điều, được Quân ủy Trung ương, BQP, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện.

Một số vướng mắc

Quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND vững mạnh; làm nòng cốt xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật cũng gặp một số khó khăn. Từ mặt trái của cơ chế thị trường, sự so sánh về ngành nghề, việc làm, thu nhập và điều kiện sống giữa sĩ quan với người lao động trong điều kiện kinh tế -xã hội có sự phát triển đã tác động đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan và việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ quân đội.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Sĩ quan; tập trung các nội dung về chính sách tiền lương, đất ở, nhà ở, các chế độ chính sách của sĩ quan và thân nhân sĩ quan; quy định về chức vụ, chức danh tương đương; trần quân hàm với sĩ quan trợ lý cơ quan; các quy định, tiêu chí về thăng quân hàm trước thời hạn cấp Trung úy, Thượng úy; các quy định về sĩ quan dự bị; những bất cập về độ tuổi nghỉ hưu và giãn cách tuổi giữa các cấp bậc; những vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện; nghiên cứu đề xuất nội dung, giải pháp thực hiện luật thời gian tới.

Cụ thể, Thông tư 160/2017/TT-BQP mới chỉ quy định chức danh tương đương với cán bộ chủ trì cơ quan và một số đơn vị tương đương, chưa quy định chức danh tương đương với một số chức vụ cụ thể của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh; trợ lý cơ quan Bộ CHQS tỉnh yêu cầu nhiệm vụ cao hơn so với trợ lý cơ quan Ban CHQS cấp huyện, trung đoàn nhưng trần quân hàm cao nhất cơ bản là Thiếu tá.

Cán bộ sĩ quan cấp Thiếu tá, Trung tá khi nghỉ hưu ở tuổi 48 và 51 có thời gian đóng BHXH ngắn nên mức hưởng lương hưu thấp (không đủ điều kiện hưởng lương hưu mức 75%).

Việc đào tạo sĩ quan dự bị từ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngành y ngoài quân đội hiện nay còn ít; chưa có Thông tư, hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 31 Luật Sĩ quan.

Thông tư 153/2017/TT-BQP có quy định chế độ nghỉ phép đặc biệt, trong đó không có chế độ nghỉ khi vợ sinh con theo Luật BHXH...

Với lực lượng Phòng không - Không quân, cần có chính sách ưu đãi, vận dụng với các sĩ quan ở chuyên ngành hẹp như: Khí tượng, chủ nhiệm bay, chủ nhiệm an toàn bay, chủ nhiệm dẫn đường trung đoàn; thể dục thể thao, cơ yếu…

Với bộ đội biên phòng, bổ sung quân hàm, chức vụ với đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng và ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng vào Luật Sĩ quan để phù hợp vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của bộ đội biên phòng được quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới

Hoạt động của quân đội là ngành lao động đặc biệt. (Ảnh: Lam Hạnh)

Hoạt động của quân đội là ngành lao động đặc biệt. (Ảnh: Lam Hạnh)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang ghi nhận, biểu dương cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị tốt các văn bản, báo cáo tổng kết Luật Sĩ quan.

Đại tướng Giang nhấn mạnh hoạt động của quân đội là ngành lao động đặc biệt, công tác chính sách phải bảo đảm công bằng với mọi cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong toàn quân.

Sau khi làm rõ một số vấn đề, thực trạng về chính sách, chế độ của sĩ quan trong quân đội hiện nay, Bộ trưởng BQP yêu cầu các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Sĩ quan và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để nâng cao hiệu quả thực hiện luật và giải quyết những vướng mắc, bất cập. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND giai đoạn 2021 - 2030; tổng hợp các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Đại tướng Giang yêu cầu cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các văn bản; làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức để Hội nghị tổng kết Luật Sĩ quan diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Đọc thêm