Luật sư công: Giải pháp tối ưu từ việc tận dụng nguồn lực sẵn có

(PLVN) -Theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, trong bối cảnh nguồn lực hiện có của Việt Nam, giải pháp tận dụng đội ngũ hơn 20.000 luật sư hiện hành thông qua cơ chế trả công hoặc khuyến khích thiện nguyện không chỉ khả thi mà còn tiết kiệm và bền vững hơn, đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho mọi người dân.

Luật sư Trương Anh Tú khẳng định việc thành lập hệ thống Luật sư công nhằm hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng yếu thế là một ý tưởng nhân văn, nhưng đi kèm với đó là những thách thức lớn về tổ chức và ngân sách. Trong bối cảnh nguồn lực hiện có của Việt Nam, giải pháp tận dụng đội ngũ hơn 20.000 luật sư hiện hành thông qua cơ chế trả công hoặc khuyến khích thiện nguyện không chỉ khả thi mà còn tiết kiệm và bền vững hơn, đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho mọi người dân.

Phân tích rõ hơn, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng phương án này giúp tiết kiệm chi phí tổ chức và vận hành. Không cần xây dựng một hệ thống mới, Nhà nước chỉ cần thiết lập cơ chế trả công cho luật sư hiện tại dựa trên số vụ việc hoặc thời gian làm việc. Điều này không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà còn tận dụng được nguồn lực sẵn có, tránh tình trạng phình to bộ máy hành chính.

Hơn nữa, đội ngũ luật sư hiện hành đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực tế. Họ đã quen với cơ chế thị trường, luôn cần cạnh tranh để giữ uy tín nghề nghiệp. Việc trả công hoặc tạo điều kiện khuyến khích tham gia trợ giúp pháp lý sẽ duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý. Điều này đặc biệt quan trọng khi đội ngũ luật sư hiện nay đã phân bố tương đối rộng khắp cả nước, giúp dịch vụ pháp lý dễ dàng tiếp cận hơn với người dân, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn.

Một số giải pháp cụ thể có thể được cân nhắc như trả công theo vụ việc. Nhà nước có thể trả công cho các luật sư tham gia trợ giúp pháp lý dựa trên số lượng vụ việc, thời gian làm việc hoặc hiệu quả đạt được. Mô hình này tương tự như việc chỉ định luật sư trong các vụ án hình sự, đảm bảo tính linh hoạt và kiểm soát chi phí, đồng thời khuyến khích luật sư làm việc tận tâm. Bên cạnh đó, việc khuyến khích thiện nguyện thông qua các chính sách ưu đãi như miễn hoặc giảm thuế, công nhận điểm tín nhiệm nghề nghiệp hoặc hỗ trợ tài chính cũng là một cách để các tổ chức và cá nhân luật sư tích cực tham gia hơn.

Ngoài ra, mô hình hợp tác công – tư là một giải pháp đáng cân nhắc. Nhà nước có thể triển khai các gói dịch vụ pháp lý theo khu vực hoặc lĩnh vực cụ thể và cho phép các tổ chức luật sư độc lập tham gia đấu thầu. Điều này không chỉ đảm bảo tính cạnh tranh mà còn giúp lựa chọn những luật sư phù hợp nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, chế độ đãi ngộ tốt hơn, bao gồm hỗ trợ tài chính và cải thiện điều kiện làm việc, sẽ đảm bảo các luật sư tham gia yên tâm công tác lâu dài.

Kinh nghiệm từ các quốc gia như Anh, Mỹ hay Úc cho thấy mô hình trả công cho luật sư độc lập hoạt động rất hiệu quả. Các luật sư được Nhà nước chi trả thù lao khi thực hiện trợ giúp pháp lý, giúp giảm gánh nặng tổ chức và đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý cho những người yếu thế. Việt Nam, với đội ngũ hơn 20.000 luật sư hiện có, hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này, kết hợp với các chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Đọc thêm