Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Phát triển thiết chế Luật sư công sẽ có nhiều lợi thế

(PLVN) -Việt Nam cần thiết phải có thiết chế luật sư công hay không? Những ưu điểm, lợi thế khi phát triển thiết chế luật sư công là gì?... Xung quanh vấn đề này, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Nam Á (SEALAW).
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (ngồi ngoài cùng bên trái) tham gia bào chữa tại một phiên tòa. Ảnh: NVCC
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (ngồi ngoài cùng bên trái) tham gia bào chữa tại một phiên tòa. Ảnh: NVCC

- Thưa ông, thời gian qua, đội ngũ luật sư đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có quy định về luật sư công. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng từng có kiến nghị về sử dụng đội ngũ luật sư bảo vệ lợi ích công. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng Việt Nam nên có Luật sư công, vì các lý do sau: Hiện nay, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập quốc tế đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp gắn với tôn trọng, ghi nhận và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, nhất là các quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi, quyền khiếu nại, tố cáo, tiếp cận thông tin… của công dân.

Do đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tiếp tục hoàn thiện thể chế với nhiều đột phá nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa trách nhiệm Nhà Nước, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò tổ chức đoàn thể, quần chúng trong quản lý Nhà nước xã hội, tăng cường giám sát, phản biện xã hội; công tác tổ chức thực thi pháp luật được coi trọng gắn bó chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hỗ trợ giúp đỡ người dân tiếp cận và thực thi pháp luật cơ sở.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật.

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham gia các quan hệ xã hội với tư cách bình đẳng với công dân, tổ chức khác và khi phát sinh các bất đồng, mâu thuẫn thì nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý - Luật sư công - là một tất yếu khách quan. Đây là chưa kể đến các tranh chấp quốc tế mà Việt Nam là một bên của tranh chấp.

- Ông có thể nói rõ hơn về các nhóm việc của khu vực Nhà nước cần đến luật sư?

Trong quá trình xây dựng pháp luật và quản lý xã hội, chúng ta luôn đặt cao nguyên tắc “bình đẳng, thượng tôn pháp luật”. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham gia các quan hệ pháp luật với tư cách và quyền lợi nghĩa vụ ngang bằng chủ thể khác, đồng thời tuân thủ pháp luật, bao gồm tư cách tố tụng.

Như vậy, khi cơ quan Nhà nước thực hiện hay tham gia các quan hệ pháp luật sẽ cần sự hỗ trợ của luật sư, đặc biệt khi tham gia tố tụng. Cụ thể, luật sư sẽ tư vấn pháp luật cho các đơn vị công lập, cơ quan quản lý Nhà nước; bảo vệ, bào chữa trong tố tụng; đại diện thực hiện thủ tục hay tham gia tố tụng; trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng chính sách; phản biện, góp ý xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật….

Hiện nay chúng ta có luật sư, luật gia và các chuyên gia pháp lý.

Luật sư thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý cho toàn dân nhưng có thu phí, có tính đến lợi nhuận. Luật gia là tổ chức chính trị xã hội thực hiện các hoạt động cộng đồng, tuy nhiên vẫn nhắm tới hỗ trợ thành viên của Hội. Chuyên gia pháp lý khác thường chủ yếu thực hiện chức năng đào tạo, giảng dạy.

Song song với khối dịch vụ pháp lý của tư nhân thì chúng ta có hệ thống cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp. Hệ thống này được tổ chức từ Trung ương xuống địa phương và thực hiện nhiệm vụ chính là tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn cho đối tượng chính sách. Nhân sự trực tiếp thực hiện nghiệp vụ là trợ giúp viên pháp lý, trợ giúp viên được đào tạo, sát hạch tương đương luật sư.

- Như ông vừa đề cập, thiết chế luật sư công là rất cần thiết với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, vậy ông có thể chia sẻ một số ưu điểm, lợi thế khi phát triển thiết chế luật sư công?

Theo tôi, việc hình thành thiết chế luật sư công sẽ có nhiều lợi thế. Thứ nhất, xây dựng hệ thống luật sư công trên nền tảng của hệ thống Trợ giúp pháp lý Nhà nước hiện nay. Về số lượng và chất lượng nhân sự cơ bản đã đáp ứng tiêu chuẩn, bởi trợ giúp viên đã được đào tạo nghiệp vụ tương đương luật sư (Trung tâm Trợ giúp pháp lý hiện nay được tổ chức từ tỉnh xuống cơ sở). Trường hợp chính thức chuyển thành luật sư công, chúng ta chỉ cần mở rộng thẩm quyền, phạm vi hoạt động và đào tạo nâng cao là có thể thực hiện các công việc theo yêu cầu.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (thứ hai từ trái sang) tham gia bào chữa tại một phiên tòa. Ảnh: NVCC

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (thứ hai từ trái sang) tham gia bào chữa tại một phiên tòa. Ảnh: NVCC

Lợi thế thế hai là giảm chi phí thuê luật sư nếu chúng ta sử dụng luật sư công khi lực lượng này được xây dựng trên nền trợ giúp viên pháp lý sẵn có. Thứ ba, lực lượng này hoạt động chuyên trách và luôn đặt lợi ích Nhà nước lên trên và không bị ảnh hưởng, chi phối bởi lợi nhuận, thù lao. Đặc biệt là sự sẵn sàng và thường xuyên. Thứ tư, trong quá trình tác nghiệp, thông tin cơ quan quản lý Nhà nước cần bảo mật, đương nhiên lực lượng này sẽ có ưu thế hơn so với luật sư, luật gia.

Thứ năm, luật sư công thực hiện các chức năng phản biện xã hội, góp ý xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật sẽ có trách nhiệm hơn so với đối tượng khác. Thứ sáu, tiếp tục duy trì các hoạt động trợ giúp pháp lý thường xuyên của chính đội ngũ trợ giúp viên pháp lý hiện nay.

Trân trọng cám ơn luật sư!

Vân Anh (thực hiện)

Đọc thêm