Năm 2024: Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay

(PLVN) -Xác định thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, công tác thi hành án thu hồi tài sản đã đạt được những kết quả quan trọng và có sự chuyển biến tích cực.

Thu trên 22 ngàn tỷ đồng

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, các Kết luận phiên họp của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; Bộ Tư pháp đã trao đổi, phối hợp với VKSNDTC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn các cơ quan THADS, các cơ quan chức năng có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành từng vụ việc cụ thể.

Năm 2024, toàn hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã tổ chức thi hành xong 9211 việc, đạt tỉ lệ trên 84% (tăng hơn 17%) so với cùng kỳ năm 2023; đã tổ chức thi hành được trên 22 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 57% tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024 cũng là năm kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được tích cực, Bộ Tư pháp cho biết, công tác thi hành án thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian gần đây và đặc biệt trong thời gian tới đây đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức, do phát sinh các vụ án tham nhũng, kinh tế với giá trị phải xử lý lớn, khối lượng đương sự đông. Vụ Tân Hoàng Minh: giá trị phải thi hành hơn 8.600 tỷ đồng, số lượng người bị hại là 6.800 người; vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 có giá trị phải thi hành trên 700.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 có giá trị phải thi hành trên 30.000 tỷ đồng, số lượng người bị hại trên 43.000 người...

Khối lượng công việc đặc biệt lớn

Đơn cử, theo quy định của Luật THADS hiện hành, cơ quan THADS phải thông báo bằng hình thức trực tiếp tất cả các quyết định, văn bản có liên quan đến việc thi hành án cho các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trường hợp không thực hiện được thông báo trực tiếp sẽ phải thực hiện bằng hình thức niêm yết công khai; việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu. Hiện nay, Bộ Tư pháp cho biết, trong các vụ việc có số lượng người bị hại đông (vụ Tân Hoàng Minh khoảng 6.000 bị hại; vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm khoảng 43.000 bị hại…), việc thực hiện thông báo theo quy định của pháp luật THADS hiện hành sẽ phát sinh khối lượng công việc đặc biệt lớn cho cơ quan THADS (từ in ấn, photo văn bản, đóng dấu, đóng phong bì, ghi địa chỉ chuyển phát hành....), gây tốn kém chi phí và không thể thực hiện đúng thời hạn Luật định (03 ngày làm việc kể từ khi phát hành văn bản); quá trình thi hành án bị kéo dài.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật THADS trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu tiền, cơ quan THADS phải thực hiện thanh toán tiền thi hành án. Với các vụ việc có số lượng tài sản phải xử lý đặc biệt lớn, số lượng người được thi hành án đặc biệt đông (đơn cử vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm, cơ quan THADS phải xử lý khoảng 1.500 tài sản là bất động sản và chi trả cho trên 43.000 người bị hại), nếu thực hiện theo quy định hiện hành thì cơ quan THADS phải thực hiện thanh toán tiền thi hành án nhiều nghìn lần, và mỗi lần thanh toán sẽ phải tác nghiệp hồ sơ thanh toán cho trên 43.000 bị hại.

Với khối lượng công việc đồ sộ, tăng đột biến do phát sinh các vụ việc có số lượng tài sản phải xử lý và số lượng đương sự đặc biệt lớn (vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm số tài sản là bất động sản phải xử lý theo các bản án sơ thẩm 02 giai đoạn đã lên đến 1.500 bất động sản, chưa kể đến nhiều tỷ cổ phần, nhiều động sản khác; số lượng người bị hại lên đến 43.000), trong bối cảnh nguồn lực về con người cũng như kinh phí hiện có của hệ thống THADS sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các cơ quan THADS trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc.

Tập trung nguồn lực

Để tổ chức thi hành các vụ việc án hình sự tham nhũng, kinh tế có số lượng tài sản phải xử lý và đương sự lớn Tổng cục THADS yêu cầu các cơ quan THADS phải chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ngay từ giai đoạn điều ra, truy tố, xét xử để rà soát, phân loại tiền, tài sản, vật chứng trong vụ án; Cơ quan THADS phải đánh giá, dự báo được tình hình, khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải, trên cơ sở đó dự liệu và chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, ra quyết định và tổ chức thi hành các bản án trong các vụ án lớn như: vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm, vụ FLC, chùm vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, tập đoàn Phúc Sơn,...

Có các giải pháp để tập trung nguồn lực cả về con người và vật chất để bảo đảm thi hành có hiệu quả các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ thuộc danh sách án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện; thực hiện rà soát chặt chẽ quy trình thủ tục THADS, hồ sơ pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá.

Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành Lãnh đạo Cục cần phải sát sao chỉ đạo, định kỳ kiểm tra tiến độ, kết quả tổ chức thi hành án của các Chấp hành viên. Đối với những địa phương có vụ án tham nhũng, kinh tế lớn cần phối hợp với các cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý vụ việc. Chấp hành viên cần tăng cường xác minh, kiểm tra thực trạng tài sản, thực hiện các trình tự, thủ tục xử lý tài sản đúng quy định của Luật THADS.

Chủ động có cơ chế kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Tranh thủ kịp thời và tối đa sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế và sự phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp trong các mặt công tác THADS, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ. Đặc biệt là phối hợp với VKSND trên địa bàn để chủ động kiểm sát hồ sơ các vụ việc đưa tài sản ra bán đấu giá, hạn chế tối đa việc phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Năm 2025, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng

Bộ Tư pháp đề nghị VKSNDTC chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường kiểm sát quá trình tổ chức thi hành án nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, trong đó tất cả các tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá phải được VKSND kiểm sát trực tiếp và có kết luận kiểm sát, nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra các vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc này; tăng cường thực hiện, hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, bảo đảm kịp thời thu hồi tài sản phạm tội tẩu tán ở nước ngoài; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm sai phạm. Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Năm 2024, tổng số việc phải thi hành là 1.023.131 việc, có điều kiện thi hành là 741.240 việc. Đã thi hành xong 621.568 việc (tăng 45.901 việc so với năm 2023), đạt tỷ lệ 83,86%.

Tổng số tiền phải thi hành là trên 500 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228 nghìn tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023), đạt tỷ lệ 51,46%.

Đáng chú ý, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng…

Đọc thêm