Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á) đã khẳng định như vậy khi phân tích về tính pháp lý cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi phê duyệt và triển khai đề án cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn thủ đô.
- PV: Ngoài vai trò của các cơ quan thẩm định, phê duyệt và ban hành đề án cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn Hà Nội, Luật sư có nhận xét gì về trách nhiệm của tổ chức trực tiếp triển khai việc chặt hạ cây?
Theo nguồn tin từ một số cơ quan báo chí thì Sở Xây dựng TP. Hà Nội “giao” Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình, Công ty Cổ phần môi trường cây xanh đô thị - VPT, Công ty cổ phần Bình Minh Thăng Long Hà Nội, Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành thực hiện thay thế các cây xanh. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết việc “giao” này theo hình thức gì? có phải là đấu thầu hay là khoán việc….?
Trong trường hợp này dư luận đang quan tâm đến việc thực thi công việc có đúng, đủ theo yêu cầu của đề án đã được phê duyệt hay không? có việc thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước không?
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật |
- PV: Vậy ông có thể phân tích một số hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra và hình thức xử lý trách nhiệm trong việc xây dựng cũng như thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh Hà Nội?
Xem xét toàn bộ quá trình xây dựng, thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh Hà Nội, chúng tôi đưa ra phán đoán có thể xảy ra một hoặc một số các hành vi vi phạm như sau: đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cây xanh tại Hà Nội không chính xác hoặc không đầy đủ, khách quan. Đơn vị lập đề án không dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng cây xanh hoặc đề án được lập không khoa học.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án không rà soát, thẩm định tính hiệu quả, chính xác, khoa học của đề án; ý thức trách nhiệm hoặc năng lực yếu kém của cán bộ khảo sát, đánh giá, lập và phê duyệt .
Bên cạnh đó, không thể không kể đến việc chặt hạ cây xanh ngoài phạm vi được phê duyệt, cấp phép. Tính “vụ lợi” của cá nhân, tổ chức được giao xây dựng, phê duyệt, thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh (có thể là tham ô, hối lộ, cố ý làm trái, chiếm đoạt tiền, tài sản -bao gồm cả gỗ).
- PV: Với những sai phạm trên, các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ phải chịu hình thức xử lý như thế nào, thưa ông?
Vì hành vi vi phạm và hồ sơ không cụ thể, chi tiết nên việc đánh giá của chúng tôi chỉ có thể là giả thiết. Theo suy luận, tuỳ theo lỗi, tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả pháp lý xảy ra mà cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét xử lý dưới nhiều hình thức.
Thứ nhất là kỷ luật cán bộ công chức, viên chức theo qui định Luật cán bộ, viên chức. Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nếu vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự. Thứ ba, buộc cá nhân (có thể bao gồm cả cán bộ, công chức), tổ chức vi phạm phải bồi thường, khắc phục hậu quả đối với thiệt hại thực tế xảy ra.
Hình thức xử lý mạnh nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có hành vi vi phạm khi thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được qui định trong Bộ luật hình sự.
Có thể kể đến một số tội phạm có liên quan đến hoạt động xây dựng, phê duyệt, thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh Hà Nội như Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội đưa hối lộ (Điều 289)…
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự cần dựa trên kết quả điều tra của cơ quan điều tra.
- PV: Theo dõi quá trình chặt hạ cây xanh vừa qua, ông có thể cho biết việc xây dựng, thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh Hà Nội có tuân thủ pháp luật, đặc biệt là Luật Thủ đô?
Qua thông tin từ báo chí chúng tôi không thấy đề cập đến việc chặt cây đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép theo quy định tại Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị. Như vậy, hành vi chặt hạ cây có thể là không phép và vi phạm Điều 7 Nghị định nói trên. Đồng thời, việc làm này cũng vi phạm khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô 2013 về hành vi “nghiêm cấm chặt phá rừng và cây xanh”.
Trân trọng cám ơn Luật sư!