GS.TS Nguyễn Lân Dũng tại cuộc tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” nhấn mạnh cần truy cứu trách nhiệm của những cá nhân sai phạm trong đề án chặt hạ 6700 cây xanh của Thủ đô.
Nhiều chuyên gia về xây dựng, sinh học, hội bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, xây dựng đô thị… có mặt tại buổi tọa đàm cũng đóng góp ý kiến về mặt chuyên môn cho vấn đề quy hoạch cây xanh đô thị nhìn từ sự kiện vừa xảy ra tại Hà Nội.
Điều đáng tiếc là buổi tọa đàm bắt đầu lúc 14h ngày 23/3/2015 “bỗng dưng mất điện”, nhưng vẫn tiếp tục với sự chứng kiến của đông đảo phóng viên.
HN vi phạm Luật Thủ đô và Nghị định 64/CP/2010
GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường phát biểu tại buổi tọa đàm bày tỏ sự bức xúc. Ông Đăng cho rằng chính quyền Hà Nội đang “tàn phá cây” chứ không phải cải tạo môi trường sống.
“Sai lầm nghiêm trọng của đề án này ngoài phá hỏng cảnh quan môi trường, để hậu quả về niềm tin Nhân dân với chính quyền. Sai lầm của đề án 6700 cây là không có cơ sở. Lãnh đạo Hà Nội nên xin lỗi dân, cần dừng đề án, sửa đề án, lên kế hoạch giải quyết nhanh hậu quả, xử lý những người có liên quan”, ông Đăng bày tỏ.
Ông Phạm Sĩ Liêm tại buổi tọa đàm "Từ đề án 6.700 nhìn lại Quy hoạch cây xanh Hà Nội" đã ví "chiến dịch" đốn hạ cây xanh vừa qua ở HN chẳng khác gì "thảm sát Mỹ Lai". |
Ông Đăng cho biết thêm, theo điều 14, chương III, Nghị định 64/CP, thì điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải là cây đổ, chết, nguy cơ đổ, bị bệnh, cây nằm trong dự án đã quy hoạch... thì chặt không xin phép. Việc chặt cây của TP nằm ngoài 3 loại cây được chặt, nếu chặt cây phải làm đơn xin phép, chặt phải chụp ảnh, lưu địa chỉ, lý do phải chặt. Điều đó phải được báo cáo, thẩm định... rồi mới được chặt cây.
“Ví như việc chặt hàng cây đường Nguyễn Trãi là vi phạm vì hoàn toàn không có một câu nào của chủ dự án đường sắt trên cao nói rằng phải chặt hàng cây đường Nguyễn Trãi, nhưng tại lại sao chặt hết đi? Tôi là người có mặt trong Hội đồng thẩm định về môi trường của Dự án nên tôi biết. Cách làm việc của lãnh đạo Hà Nội thì môi trường Hà Nội còn ô nhiễm, dân Hà Nội còn khổ, cây xanh không phát triển được”, ông Đăng bức xúc.
Về vấn đề Quy hoạch cây xanh đô thị, TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Cây xanh đô thị Hà Nội chưa đáp ứng chức năng và vai trò của cây xanh đô thị. Họ không quan tâm cảnh quan, đa dạng sinh học đô thị. Cây xanh đô thị không chỉ là cây, chim chóc, bướm, ve sầu…Cây xanh đô thị phải liền dải”.
“Tinh thần của cây xanh, nó là chất lượng cuộc sống. Con người và cây là bạn bè, chặt cây là giết người bạn của tôi, triệt hạ cây như vậy chẳng khác gì “thảm sát Mỹ Lai”. Cây xanh nó là chứng nhân lịch sử, chứng nhân thời gian. Ngoài ra cây xanh còn có tác dụng giáo dục, làm cho con người gần gũi với sự sống, tính nhân văn, giáo dục nhân cách sống của con người”, ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng: “Sự kiện này tạo nên bức xúc quá lớn của Nhân dân, tôi đã nghe những bài hát chế, bài thơ, cuốn phim… Nhiều người dân coi đây là “chiến dịch làm nhanh hơn cả lâm tặc” … Theo tôi phải truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất đề án này. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra vụ việc này”.
Cây trồng thay thế chỉ để dùng làm… giấy
Ông Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam đã đưa ra một thông tin quan trọng: “Tôi nghi ngờ đề án cải tạo cây xanh. Rất nhiều cây bị chết oan, tính kế thừa, phủ nhận gần như sạch trơn. Họ không xem xét hệ sinh thái ven hồ nên rất vội vàng, không tiếp xúc với các nhà khoa học. Đề án thay thế 6.700 cây xanh là “diệt cây chứ không phải trồng cây”."
Ông Hiệp còn đưa ra bằng chứng là ông lấy được cành cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh và khẳng định: “Cây mới trồng ở Nguyễn Chí Thanh không phải cây vàng tâm. Cây này là cây Mỡ, sống chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Gỗ cây Mỡ bình thường. Gỗ không tốt, dùng làm giấy, xốp. Đường kính cây trung bình 20 cm, bộ lá thưa.
Cây này khó sống ở đô thị và tỷ lệ chết rất cao. Hoa rụng rất bẩn, mùi xú ế, vi phạm môi trường đô thị. Kể cả việc trồng cây Vàng tâm, Mỡ đều không thích hợp trồng ở đô thị, vì môi trường sống không phù hợp”.
Những khách mời tại buổi tọa đàm chiều 23/3/2015. |
Ông Hiệp cũng cho rằng: “Đề án cải tạo cây xanh tốn tới gần 74 tỷ đồng, nhưng tôi đọc Đề án thấy không minh bạch, không có kinh phí thu hồi, lượng gỗ bán ra đi vào đâu? Tiền vào túi ai?”
Luật sư Trần Vũ Hải đã nói một câu rất hài hước: “Cảm ơn lãnh đạo Hà Nội cho ra đời Đề án này nên Nhân dân Hà Nôi bây giờ rất quan tâm cây xanh”. Ông Hải nhấn mạnh rằng: “Sở Xây dựng chặt cây mà không có giấy phép, chỉ có công văn. Họ không làm theo luật lệ nào. Tôi đồng ý thanh tra và có chuyên gia tham gia, giám sát”.
Chưa hết, LS Hải đề nghị: “Nếu thực sự đã TP đã chặt 2.000 cây thì cần làm rõ, xem xét xử lý vấn đề Hình sự như thế nào?”.