Doanh nghiệp "kêu rầm trời" vì bị “tận thu”

(PLO) - Chưa bao giờ số doanh nghiệp tham gia đối thoại với ngành Thuế và Hải quan lại đông đến như vậy. Cả hội trường Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh không còn một chỗ trống. Nhiều người đành phải ngậm ngùi đi về vì hết chỗ, đồng nghĩa với bao tâm tư, suy nghĩ dự định suốt thời gian qua cũng đành gác lại chờ một dịp nào đó.
Doanh nghiệp "kêu rầm trời" vì bị “tận thu”
Trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, nhiều người cho rằng tại sao doanh nghiệp không lo làm ăn mà lại tới dự đông như thế. Tuy nhiên, nhiều người lại phản bác lại, có khó khăn, khổ sở thì người ta mới tới để kiến nghị, nêu khúc mắc để mong lãnh đạo tháo gỡ cho họ con đường làm ăn thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh ảm đạm như hiện nay.
Hụt thu 21.000 tỷ đồng vì 66% doanh nghiệp làm ăn không có lãi
Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp đã được nghe đại diện Bộ Tài chính báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế đất nước trong 10 tháng đầu năm. Theo dự báo của Bộ Tài chính thì tình trạng hoạt động không khả quan của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Tổng thu ngân sách tính đến tháng 10 chỉ đạt 70,1% dự toán năm, trong đó 2 nguồn thu quan trọng là thu nội địa chỉ đạt 68,5% dự toán năm, còn nguồn thu xuất nhập khẩu chỉ đạt 65,2% dự toán năm.
Dự báo nguồn thu ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 21 ngàn tỷ đồng. Sở dĩ như vậy là vì hiện có khoảng 66% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và không có lãi. Thu ngân sách ở một số lĩnh vực sụt giảm nghiêm trọng, trong đó số thu từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước âm hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái; thu từ các ngân hàng thương mại còn sụt giảm tới 14% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng rất may, bù vào đó là một số lĩnh vực nguồn thu ngân sách đã tăng lên, như thu ngân sách từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 18%,  doanh nghiệp FDI tăng hơn 30%...
Xin cho doanh nghiệp được… thở
Tại phần đối thoại, hàng chục doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc lẫn phiền hà của ngành, lĩnh vực của mình trong quá trình hoạt động, nhất là các thủ tục về hải quan, thuế. Nhiều đại biểu cho rằng không phải tận thu là tốt, mà vấn đề đặt ra là khoan thư sức dân, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì tất yếu họ sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách.
Đại diện Công ty Sữa Vinamilk cho biết, năm 2012 Công ty này đã nộp tới 2,9 ngàn tỷ đồng cho ngân sách, riêng 10 tháng đầu năm cũng đã đóng góp gần 3 ngàn tỷ đồng cho ngân sách.
Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp thắc mắc là tại sao lại không được hoàn thuế GTGT khi doanh nghiệp đầu tư một nhà máy sữa bột tại Bình Dương với số vốn gần 2 ngàn tỷ đồng. Đến nay nhà máy này đã đi vào hoạt động từ lâu, doanh nghiệp cũng đã làm thủ tục, kê khai đầy đủ để xin hoàn thuế và đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời, cũng như hoàn thuế cho phần này.
Cũng liên quan tới việc hoàn thuế GTGT, đại diện Công ty Minh Luân chuyên về nhập khẩu các loại máy móc nông nghiệp đặt vấn đề: “Tại sao cùng 2 cơ quan của Bộ Tài chính nhưng lại có 2 cách làm trái ngược nhau. Cụ thể, khi chúng tôi nhập các loại máy kéo cũ từ Nhật về  để tân trang lại rồi xuất khẩu đi các nước khác thì Cục Giám sát Quản lý của Bộ Tài chính cho rằng đây là hàng tạm nhập tái xuất nên sẽ được hoàn thuế. Tuy nhiên, khi tới Hải quan lại cho rằng đây không phải là hàng tạm nhập tái xuất nên không được hoàn thuế… khiến chúng tôi rối như tơ vò, không biết đâu mà lần”.
Nhiều cải cách về hải quan, nhưng cần hoàn thiện hơn
Về lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện thủ tục hải quan điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đường truyền của phần mềm này rất yếu. Theo tính toán của đại diện các khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh thì có những tờ khai của doanh nghiệp Nhật Bản lên tới 45 triệu dòng, vậy mà tối đa hiện này đường truyền hải quan điện tử của ta chỉ truyền được khoảng 30 ngàn dòng. Như vậy, muốn khai bằng hải quan điện tử thì doanh nghiệp đó phải mất hơn 2 năm.
Ông Dương Minh Tâm - đại diện Công ty TNHH Huy Nam ở Kiên Giang cho rằng: Mục đích hải quan điện tử là rất tốt, nhưng nếu dừng lại ở tình trạng hiện nay thì vô hình trung đã làm khó và tốn kém cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa… Do vậy, cần tạo sự thông thoáng hơn, linh hoạt hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Thay mặt Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Tài chính đã lắng nghe, tiếp thu và giải đáp thẳng thắn nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn chưa được phía cơ quan này trả lời rõ, thậm chí vẫn còn nước đôi, nói cho có và một số vấn đề phải để xem xét theo lộ trình… khiến nhiều doanh nghiệp thấy vướng… vẫn hoàn vướng.

Đọc thêm