Các thuật ngữ “ký thay”, “ký thay mặt”, “ký thừa lệnh”, “ký thừa uỷ quyền” được hiểu như thế nào?
Tại Nghị định 110/2004/NĐ - CP về công tác văn thư (đã được sửa đổi theo Nghị định 09/2010/NĐ - CP) quy định như sau:
- “Ở cơ quan tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Cấp phó ký thay chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật".
- “Ở cơ quan, tổ chức làm việc chế độ tập thể: Đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức mà theo luật định hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, việc ký văn bản được quy định như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt (TM) tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức; Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo uỷ quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách”.
- Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho người đứng đầu một đơn vị trong cơ quan, tổ chức ký thừa uỷ quyền (TUQ) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được ký thừa uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa uỷ quyền theo thể thức và đóng dấu của cơ quan, tổ chức uỷ quyền".
Các phương tiện thông tin đại chúng thường hay đưa tin các quốc gia ký tắt các bản hiệp định, thoả thuận . Vậy “ký tắt” trong trường hợp này được hiểu như thế nào?
- “Ký tắt là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để xác nhận văn bản điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự định ký là văn bản cuối cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài” (Điều 2 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (2005)
Các hình thức ký thay, ký thay mặt, ký thừa lệnh, ký thừa uỷ quyền dưới góc độ luật dân sự có phải là hình thức đại diện theo uỷ quyền?
Đúng vậy. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Dân sự thì “đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người đại diện”. Cụ thể ở đây, với hình thức ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa uỷ quyền thì người đại diện là người ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa uỷ quyền và người được đại diện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Với hình thức ký thay mặt thì nguời đại diện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người được đại diện là tập thể.
Trong giao dịch dân sự, người đại diện có nghĩa vụ như thế nào?
Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện; Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình; Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện cần phải làm gì?.
“Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện” (Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Dân sự);
“Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch” (Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Dân sự).
Người được đại diện có bị ràng buộc về mặt pháp lý do hành vi của người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện?
“Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý”.