Tất tả đi tìm, thân chủ giờ đã thành “khổ chủ” mới hay chính anh ruột của luật sư phải bán nhà mất đất; cha mẹ vợ của luật sư này cũng bị lừa, phải “cõng” thay số nợ hàng tỉ đồng.Vị luật sư mất tăm mất dạng, đến ngôi nhà hương hỏa và bàn thờ tổ tiên cũng đã dọn sạch, không để lại tung tích gì.
Sự việc bắt đầu khi ông Nguyễn Văn Ven (ngụ ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, Long An) có vụ kiện tranh chấp một mảnh đất tọa lạc tại xã Thạnh Lợi kéo dài đã 10 năm. Cấp sơ thẩm tuyên ông thắng kiện. Cấp phúc thẩm lại tuyên thua.
Ông Ven đành nhờ cậy Luật sư Lê Huy Bình (SN 1976, quê Mộc Hóa, Long An) lo các thủ tục giám đốc thẩm. Vị luật sư yêu cầu thân chủ cung cấp bản chính hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với lý do: “Ra Tòa Tối cao phải nộp hai “sổ đỏ” thì người ta mới tin đất này là của mình”.
Bỗng dưng… mắc nợ
Cả đời chẳng biết gì về “luật lá”, ông Ven cũng chỉ biết tin tưởng luật sư mình nhờ cậy. Ông giao hai “sổ đỏ” đứng tên của hai con trai mình, tổng diện tích là gần 3,4ha, thuộc hai phần đất đang tranh chấp. Giao ra hai “sổ đỏ” bản gốc, vậy mà ông Ven chỉ nhận lại được biên nhận của Văn phòng Luật sư Bình, thậm chí biên nhận còn không đóng dấu.
Một thời gian sau, Tòa Dân sự TANDTC mở phiên giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ vụ án yêu cầu TAND huyện Bến Lức điều tra lại.
Nhận được quyết định, chưa hiểu mình sẽ thắng hay thua, ông Ven vẫn tìm luật sư Bình, đề nghị trả lại hai “sổ đỏ”. Vị luật sư viện cớ thoái thác, chưa chịu trả. Bởi vụ kiện chưa xong, nghĩ rằng mình còn cần luật sư nên ông Ven cũng không đòi gắt.
Đến cuối năm 2013, ông Ven mới ngã ngửa người trước một sự kiện từ trên trời rơi xuống. Một người đàn ông đến gặp, cho ông xem giấy mượn tiền. Theo đó, một trong hai “sổ đỏ” của ông đã bị mang đi cầm cố, mượn số tiền là 200 triệu đồng.
Trong giấy, đứng tên mượn tiền là một người lạ hoắc, tuy nhiên có chữ ký xác nhận và đóng dấu của Văn phòng Luật sư Bình. Còn có cả hai dấu lăn tay mà ông Ven không biết của ai. Sau khi cho xem giấy, người đàn ông yêu cầu ông Ven phải trả 200 triệu đồng để lấy lại “sổ đỏ”.
Tá hỏa, ông Ven tìm đến văn phòng Luật sư Bình, ngỡ ngàng thấy văn phòng đã tháo biển hiệu. Liên lạc với Đoàn Luật sư TP.HCM, ông được cho hay Bình đã xin chuyển về Đoàn Luật sư Long An.
Hộc tốc chạy đến Đoàn Luật sư Long An, ông Ven thất vọng khi biết đoàn luật sư này chưa hề tiếp nhận đơn nào có tên Lê Huy Bình. Lúc này, vài luật sư khác tìm đến, cho biết Bình đã nhờ họ đến tiếp tục tư vấn pháp lý cho vụ kiện của gia đình ông Ven. Theo họ, Bình đã bán nhà, đi đâu mất không ai tìm được.
Người thân cũng thành nạn nhân
Không chỉ ông Ven mà chính người nhà cũng trở thành nạn nhân của vị luật sư này. Anh trai cả của Bình là ông Lê Tiến Lực cho biết,hơn hai năm trước đã cho em vay hơn một tỷ đồng trả nợ thua game Võ Lâm truyền kỳ. Và đó không phải là lần duy nhất. Hai anh em vẫn hay giúp đỡ tiền bạc qua lại cho nhau.
Theo người anh, ông đã từng phải bán nhà hàng của mình lấy 250 triệu giúp em trả nợ. Một lần cho em mượn hai xe Honda đi cầm cố, rồi ông phải tự bỏ tiền ra chuộc về để có phương tiện đi lại. Lần gần nhất, có việc cần 30 triệu đồng, ông nhờ Bình mang “sổ đỏ” một miếng đất của ông ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đi cầm, đến khi có tiền chuộc lại, ông mới biết em mình đã lấy thêm vào “sổ đỏ” 120 triệu đồng.
Tất cả những lần bị “chơi xấu” nói trên, vì phận làm anh, ông ngậm đắng nuốt cay không một lời trách móc, lẳng lặng đi vay tiền trang trải cho em. Đến khi số tiền vay này cả gốc lẫn lãi lên đến hơn 1 tỉ đồng, ông lại nghe tin Bình rao bán nhà.
Ông Lực cho biết, khi cha ông mất, mẹ ông quyết định bán nhà được 10 tỉ đồng, di chúc chia các anh em khác 4 tỉ, riêng Bình được chia 6 tỉ đồng, với điều kiện phải mua một căn nhà khác làm nơi thờ phụng tổ tiên. Đến căn nhà hương hỏa cũng bị mang bán, người anh không nhịn được nữa.
Ông tìm gặp bằng được Bình, hỏi: “Mày vỡ nợ phải không? Nếu bán nhà thì đưa anh một ít trả nợ người ta”. Đến nước như vậy, Bình vẫn không đưa cho anh đồng nào. Ít lâu sau, Bình biến mất, nhà cửa dọn sạch sẽ, bàn thờ tổ tiên cũng không còn.
Em trai lặn mất tăm, ông Lực vẫn chưa hết khổ. Một số chủ nợ tìm Bình không được, bèn đến nhà của ông Lực “khủng bố tinh thần” bằng cách ném đủ các thứ chất thải vào nhà. Sợ hãi, ông Lực phải bán gấp 1,9ha đất ruộng của mình ở Long An, trả 400 triệu đồng tiền nợ đã đứng ra bão lãnh cho Bình vay.
Chưa hết, ông Lực còn phải bán vòng vàng cưới của vợ chồng mình, thêm bốn chiếc xe Honda được khoảng 100 triệu đồng, trả góp bảy tháng tiền nợ ngân hàng. Đây là số tiền trả góp của khoản vay 500 triệu đồng mà ông đã dùng chính căn nhà đang ở, thế chấp để vay nợ giúp Bình.
“Nhà còn hai chiếc xe để làm phương tiện đi lại, lãi tháng tới chắc phải bán thêm chiếc nữa. Tôi muốn giữ căn nhà nhưng không giữ nổi. Làm sao có đủ mỗi tháng hơn 14 triệu đồng, với cái quán cà phê ngày chỉ lèo tèo vài khách, lại trong hẻm này. Phải bán nhà, chắc vợ tôi cũng bỏ tôi luôn”, ông Lực rầu rĩ.
Kể từ ngày đứa em biến mất, ông Lực cho biết mình suy sụp tinh thần, gầy đi 17kg, lại thêm xuất hiện bệnh men gan cao, người nổi đầy mẩn đỏ, phải dùng thuốc điều trị. Bất lực, ông buông xuôi việc chuộc “sổ đỏ” miếng đất ở Đà Lạt, rao bán căn nhà đang ở.
Khi được hỏi có muốn kiện Bình ra tòa không, ông Lực nói: “Ai thấy cần kiện thì cứ kiện, tôi là anh ruột của nó, tôi không làm điều đó được. Nhưng tôi ráng trả xong phần nợ này, tình anh em cũng chấm dứt”.
Ông Lực cho biết thêm, gia đình bố mẹ vợ Bình đang phải “ôm” gần hai tỉ đồng tiền nợ do vợ chồng Bình mượn. Một luật sư, người hướng dẫn lúc Bình còn tập sự cùng than, Bình đã vay của ông số tiền rất lớn và ông không dám tiết lộ về số nợ này với người thân. Ngoài ra, Bình còn vay của tín dụng “xã hội đen” với mức lãi “cắt cổ” là 30%/ tháng.
Trở lại vụ việc người bị Bình lừa mang hai “sổ đỏ” đi cầm cố. Nghe tin ông Ven muốn kiện em mình ra tòa, người anh cả hoàn toàn ủng hộ. “Ai thấy làm được gì thì cứ làm đi. Cứ lôi cổ nó ra. Nó xuất hiện thì anh em ruột đánh nó trước, chứ không phải đợi tới xã hội đen đánh đâu”, ông Lực bức xúc nói./.
Có kiện được Luật sư Bình không?
Đối với hai “sổ đỏ” đã mất của gia đình ông Ven, các luật sư đang trợ giúp pháp lý cho ông Ven khuyên người đứng tên cầm cố “sổ đỏ” làm đơn kiện Luật sư Bình ra tòa án, nhờ giám định chữ ký. Từ đó mới có cơ sở yêu cầu tòa án hủy giấy mượn tiền giả mạo, buộc người cầm cố trả lại “sổ đỏ”. Tuy nhiên, “sổ đỏ” còn lại chưa ai rõ tung tích.
Các chủ nợ khác đang điêu đứng vì chẳng biết kiện đường nào. Cơ quan công an không thụ lý, yêu cầu chuyển sang tòa dân sự. Về dân sự, phía tòa án cũng không thể thụ lý, hoặc nếu có thụ lý thì cũng đình chỉ vụ án, vì bên kiện không thể cung cấp được địa chỉ nơi ở thật sự của vị luật sư này.