Dù ở bất cứ cương vị nào, nhận nhiệm vụ gì, Luật sư Phan Anh cũng hết sức tận tâm, tận lực và tận tụy, đã đem hết trí tuệ của mình ra phụng sự đất nước và phục vụ nhân loại.
Một thanh niên trí thức yêu nước
Ông Phan Anh sinh ngày 16 tháng 12 năm 1911 (tức ngày 26 tháng 10 năm Tân Hợi) tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của Đình nguyên Phan Đình Phùng, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi (năm 1885). Ông Phan Anh xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, trọng học vấn. Thuở ấu thơ sống bên cha - cụ đồ Phan Điện, trải qua cuộc sống gian nan, được “nghiền ngẫm tiếng Việt, tiếng Trung, chuyên chú Văn hóa Phương Đông”. Vừa chớm lớn, được cha cho thoát ly, rèn tiếng Pháp, tiếp cận tri thức phương Tây.
Năm 1926, ông Phan Anh nhận được học bổng vào học Trường Bưởi Hà Nội. Thời gian này, ông đọc cuốn sách cấm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nhà Cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Năm 22 tuổi, ông đỗ ba bằng Tú tài: Tú tài Bản xứ, Tú tài Toán và Tú tài Triết học (của Pháp).
Vào học khoa Luật Trường Đại học Đông Dương, ông chuyên tâm học tập và tích cực hoạt động xã hội theo hướng phục vụ “dân tộc”. Ông tham gia Đảng Xã hội Pháp, là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương.
Năm 1937, tốt nghiệp Cử nhân Luật Trường Đại học Đông Dương (vị trí thứ 2) được nhận học bổng sang Pháp tiếp tục học tập. Ông chuyên tâm nghiên cứu Pháp luật đạt được kết quả ưu tú, đỗ ba bằng Tiến sĩ về Công pháp, Tư pháp và Lịch sử. Về nước, ông hành nghề luật sư tại Văn phòng Luật sư Bùi Tường Chiểu.
Luật sư Phan Anh ý thức được trách nhiệm của người trí thức với đồng bào, Ông chọn diễn đàn “Thanh Nghị” của giới trí thức cấp tiến để lập ngôn. Luật sư Phan Anh cùng Luật gia Vũ Đình Hòe, ông Vũ Văn Hiền và một số nhà trí thức yêu nước xuất bản tờ báo “Thanh Nghị” (1940 - 1945) nhằm đóng góp ý kiến của mình trước dân chúng. Luật sư là cây bút trụ cột, phụ trách nhiều chuyên mục của tờ báo “Thanh nghị”. Xã hội thời đó gọi nhóm Trí thức ra tờ báo “Thanh nghị” là “Nhóm Thanh Nghị”.
Song song với việc ra báo “Thanh Nghị”, viết bài cho hai tờ báo “Thanh Nghị” và “Khoa học”, Luật sư làm việc ở Tòa Thượng thẩm, thường xuyên bào chữa ở Tòa án Quân sự. Hầu như tuần nào Luật sư Phan Anh cũng có mặt ở Tòa án Quân sự để bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng - những người yêu nước, dũng cảm dấn thân vào cuộc đấu tranh chống áp bức, bị thực dân Pháp bắt và kết án.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Vua Bảo Đại mời một số vị trí thức nổi tiếng trong nước, như: Giáo sư Trần Trọng Kim, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Phan Anh… vào Huế, tham khảo ý kiến về việc Nhật “trao trả độc lập” cho Việt Nam và bàn bạc thành lập Nội các.
Việt Nam cần phải giữ “thế trung lập” giữa Nhật Bản và phe Đồng Minh. Chính phủ Trần Trọng Kim không thành lập Bộ Quốc phòng để thanh niên Việt Nam không phải vào quân đội tham gia các chiến trường. Thay vào đó Chính phủ thành lập Bộ Thanh niên và cử Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng. Luật sư Phan Anh đã mời Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên.
Được tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng phe Đồng Minh vô điều kiện, Chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức lên Nhà vua ngay trong ngày hôm sau.
Luật sư trở về Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các nhân sĩ trí thức tại Bắc Bộ phủ. Tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia, ông Bùi Công Trừng làm Phó Chủ tịch.
Ngày 6 tháng 1 năm 1946 bầu cử Quốc hội. Trước Phiên họp thứ nhất Quốc hội khoá I. Bác Hồ mời Luật sư Phan Anh đến Bắc Bộ phủ, Bác nói: “Chúng ta cần thành lập Chính phủ Liên hiệp nhằm đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động. Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần trao cho những người giữ vị trí trung lập. Bác đề cử chú nhận nhiệm vụ quan trọng này”.
Luật sư Phan Anh tham gia Chính phủ Liên hiệp với chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã ban hành các Sắc lệnh bổ nhiệm các vị Cục trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời đề nghị lên Chính phủ cho mở trường đào tạo sĩ quan chỉ huy quân đội.
Luật sư Phan Anh là một trong những Luật gia giúp Bác Hồ và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng Hiến pháp năm 1946.
Luật sư Phan Anh - một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn
Tháng 7 năm 1946, Luật sư Phan Anh được Bác Hồ giao trọng trách làm Tổng thuyết trình viên của Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Fontainebleau đàm phán với Chính phủ Pháp.
Tháng 9 năm 1946, Luật sư được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng “Tạm ước 14 tháng 9 giữa Việt Nam và Pháp”, theo dõi hai bên thực hiện Tạm ước.
Ngay sau ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến, Luật sư Phan Anh lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược với tư cách một người cán bộ. Cuộc họp Hội đồng Chính phủ Kháng chiến giáp ngày Tết Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Quyết định bổ nhiệm Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế thay cho ông Phạm Văn Đồng đang đi công tác dài ngày tại miền Nam Trung Bộ.
Luật sư Phan Anh. |
Năm 1949, Luật sư Phan Anh được Bác Hồ chọn tham gia thành viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao của Chính phủ kháng chiến.
Tháng 5 năm 1951, Bộ Kinh tế được phân thành hai bộ Nông nghiệp và Công Thương; Luật sư Phan Anh được cử làm Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Tháng 7 năm 1954, Luật sư Phan Anh tham gia Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tham dự Hội nghị Genève (Thụy Sỹ) bàn về việc đình chiến ở Đông Dương.
Tháng 9 năm 1955, Bộ Công Thương được phân thành hai Bộ Công nghiệp và Thương nghiệp. Luật sư Phan Anh được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp.
Năm 1955 Luật sư Phan Anh là một trong những Luật sư sáng lập Hội Luật gia Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam đi dự Hội nghị Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Luật sư Phan Anh được Hội nghị bầu vào Ban Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ quốc tế.
Tháng 4 năm 1958, Bộ Thương nghiệp được phân thành hai Bộ Ngoại thương và Nội thương. Luật sư Phan Anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.
Luật sư Phan Anh là Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa 2 đến khóa 8. Được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa 7.
Luật sư Phan Anh là thành viên Ban Vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập, Luật sư được bầu làm Ủy viên Thường trực. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân được sáp nhập thành Mặt trận Liên - Việt. Luật sư Phan Anh được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Liên - Việt. Ngày 10 tháng 9 năm 1955 Mặt trận Liên - Việt đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Phan Anh được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 11 năm 1988, tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Phan Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là cán bộ am hiểu pháp luật, Luật sư Phan Anh đã đóng góp nhiều vào việc xây dựng chế độ Cộng hòa - Dân chủ - Nhân dân trong lịch sử dân tộc. Với 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng, 30 năm là Đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.
Sau khi nước Việt Nam thống nhất (từ 1975 đến 1990), trong 15 năm, Luật sư Phan Anh giữ các trọng trách: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa VIII; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII; tham gia Ban Chấp hành Liên minh Quốc hội thế giới (UIP). Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình của Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới; Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế... Luật sư Phan Anh đã dùng lý luận sắc bén, chính nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các diễn đàn quốc tế. Bằng tài năng và nhiệt huyết, Luật sư Phan Anh đã đóng góp xứng đáng vào phong trào hòa bình của nhân loại tiến bộ, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.
Những hoạt động đóng góp của Luật sư Phan Anh đã được ghi nhận xứng đáng. Đó là tấm “Huy chương vàng Giôliô Quyri”; “Kỷ niệm chương Bảo vệ Hòa bình”; “Huy chương Vì những cống hiến cho sự nghiệp xây đắp tình Hữu nghị” do Hội đồng Hòa bình Thế giới trao tặng đã nói lên điều đó. Ngài Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Romesh Chandra đã đánh giá: “Luật sư Phan Anh là người chỉ dẫn, người thầy - một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng... Đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới… Xây dựng thế giới hòa bình đối thoại và hợp tác”.
Luật sư Phan Anh được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô trao tặng: “Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc”, “Kỷ niệm chương 100 năm Ngày sinh V.I. Lê Nin”, “Kỷ niệm chương 40 năm chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc vĩ đại”.
Luật sư Phan Anh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Lão thành cách mạng”, “Cán bộ tiền khởi nghĩa”. Được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương vàng Vận động Hoà bình thế giới, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá Luật sư Phan Anh bằng một cụm từ “Trọn vẹn”.
Luật sư Phan Anh tạ thế ngày 28 tháng 6 năm 1990 (tức ngày 6 tháng 5 năm Canh Ngọ) tại Hà Nội.