Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng: Người được vinh danh “Luật sư tranh tụng xuất sắc nhất châu Á” 2020

(PLVN) - “Khi người dân, doanh nghiệp gặp những vướng mắc pháp lý phải tìm đến luật sư, nghĩa là họ đang chưa tìm ra lối thoát, hoặc đang mông lung giữa ngã sáu, ngã bảy mà không biết lựa chọn lối nào... Luật sư chính là người giúp họ có lựa chọn đúng đắn nhất, khai mở cho họ một con đường tốt nhất, phù hợp hoặc ít rủi ro nhất”, Luật sư Lưu Tiến Dũng (thành viên Cty Luật TNHH YKVN) chia sẻ.
Ông Dũng được Tạp chí ALB bình chọn là 1 trong 15 LS tranh tụng xuất sắc nhất châu Á năm 2020.
Ông Dũng được Tạp chí ALB bình chọn là 1 trong 15 LS tranh tụng xuất sắc nhất châu Á năm 2020.

Sự thừa nhận quốc tế với luật sư Việt Nam

- Được biết ông là luật sư (LS) đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được Tạp chí Asia Legal Business (ALB) bình chọn là 1 trong 15 LS tranh tụng xuất sắc nhất châu Á vào đầu 2021. Cảm xúc của ông thế nào khi nghe công bố đó?

- Tôi hơi bất ngờ vì không nghĩ Việt Nam lại có trong danh sách chỉ có 15 LS được bình chọn trong cả khu vực châu Á. Tôi cũng rất vinh dự và tự hào bởi đó là sự thừa nhận quốc tế với việc hành nghề luật của chúng ta.

- Danh hiệu này được bình chọn dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?

- Họ dựa trên các vụ việc tiêu biểu của LS trong toàn bộ sự nghiệp hành nghề, các khách hàng tiêu biểu, đề cử và nhận xét từ khách hàng; nhận xét của đồng nghiệp; các vụ việc đã tham gia và đã có phán quyết; các giải thưởng và vinh danh tiêu biểu…

- Trong vụ VinaSun kiện Grab mà ông là trưởng nhóm LS của Grab, kết cục Grab vẫn bị tòa tuyên bồi thường thiệt hại cho VinaSun. Vậy tại sao năm 2019 Benchmark Litigation Asia – Pacific lựa chọn vụ việc đó là “Vụ việc tiêu biểu của năm” và ông được vinh danh “Luật sư của năm” khu vực châu Á?

- Đây là vụ kiện rất đặc biệt, chúng tôi đã theo đuổi ròng rã 24 tháng, trải qua 12 phiên tòa tranh luận về rất nhiều các vấn đề pháp lý, từ sự phân công quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp; đến các vấn đề quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, sự đổi mới của khoa học công nghệ, sự bảo thủ với mô hình kinh doanh truyền thống.

Thành công của vụ việc này theo tôi là ở chỗ các nhà hoạch định chính sách và pháp luật vẫn ủng hộ cái mới. Trước đây, Grab và một số DN tương tự kinh doanh dựa trên Đề án thí điểm vì chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh. Vậy mà trong lúc Tòa còn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này thì vào ngày 17/1/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, chính thức cho phép mô hình kinh doanh như của Grab không những chỉ ở 5 tỉnh thành thí điểm mà còn ở phạm vi toàn quốc. Các hoạt động kinh doanh có áp dụng công nghệ, ví dụ như ship hàng, quan trọng thế nào với cuộc sống, chúng ta đã thấy trong đợt dịch COVID-19 này.

Đam mê tìm hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực

- Được biết ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết nghiên cứu khoa học pháp lý có giá trị cao về mặt nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn. Ông có thể chia sẻ về những cuốn sách của mình?

Bên cạnh công việc chuyên môn trước đây và hành nghề LS hiện nay; thì viết lách, nghiên cứu là lĩnh vực tôi yêu thích, đam mê.

Tôi mê đọc, viết lách, nghiên cứu từ nhỏ. Tôi vốn xuất thân dân chuyên ngữ, ngoài đọc sách, truyện tiếng Việt, tôi còn đọc được sách, tài tiệu bằng tiếng nước ngoài. Trong 6 năm học luật tại ĐH Tổng hợp Kuban (Liên bang Nga), và sau này là 2 năm cao học tại ĐH Luật Iowa (Hoa Kỳ) theo học bổng Fulbright và học giả Draper Hills tại ĐH Stanford (Hoa Kỳ); là khoảng thời gian tôi đọc sách, nghiên cứu nhiều nhất. Những cuốn sách đã làm giàu vốn kiến thức chính trị, pháp luật, văn hóa và xã hội cho tôi. Người làm công tác pháp luật, kể cả LS, đòi hỏi sự hiểu biết sâu và rộng về nhiều lĩnh vực chứ không chỉ về pháp luật.

“Tôi luôn đề cao ý thức tuân thủ pháp luật và diễn giải pháp luật từ giá trị đạo đức, lẽ phải, lẽ công bằng của cuộc sống và với niềm tin rằng công lý sớm muộn rồi sẽ phải đến. Tôi luôn có ý thức và kiên nhẫn lan tỏa, thuyết phục điều đó với khách hàng của mình, đặc biệt là các đối tác nước ngoài để họ tin vào môi trường pháp lý và tư pháp của Việt Nam”.

Tâm đắc đầu tiên của tôi là ngay trong mấy năm đầu tiên đi làm, khi đó tôi công tác tại Ban Thư ký Chánh án TANDTC và anh Nguyễn Đức Giao khi đó là Thư ký của cố Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đồng dịch cuốn sách “Bình luận khoa học BLDS Nhật Bản” hơn 700 trang, được NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1995. Hồi đó chúng ta đang xây dựng Bộ luật Dân sự đầu tiên. Tôi rất vui vì đến giờ nhiều người vẫn tìm kiếm cuốn sách đó để đọc.

- Có nhận xét rằng ông rất quan tâm về công cuộc cải cách tư pháp (CCTP), thấy ông vẫn thỉnh thoảng tham gia ở một số diễn đàn về vấn đề này dù không thấy ông phát biểu nhiều.

- Tôi rất quan tâm về CCTP một cách lặng lẽ. CCTP quan trọng lắm, có thể nói là một trong những cải cách trụ cột cho một nền pháp quyền, cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công lý, quyền con người.

Chúng ta đã có những bước đi đáng ghi nhận trong công cuộc CCTP kể từ Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Cũng gần 30 năm rồi. Tôi nghĩ có lẽ tới đây cũng cần có một định hướng chiến lược cho 50 năm tiếp theo.

Độc lập tư pháp hay độc lập xét xử là cốt lõi của CCTP. Vị thế của tư pháp, của thẩm phán phải được nâng cao một cách đáng kể. Phải làm sao một ngày nào đó mà mơ ước và khát vọng cuối cùng của bất kỳ ai được đào tạo luật là được ngồi ghế quan tòa. Về lâu dài, nguồn thẩm phán phải rất mở mà chủ yếu từ những người có trải nghiệm hành nghề LS, pháp luật bên ngoài, chứ không phải từ thư ký tòa án.

Trong tư pháp hình sự, theo tôi, nguyên tắc suy đoán vô tội cần được chú trọng nhiều hơn nữa để tránh oan sai. Tranh tụng thực sự và sự tham gia xét xử của người dân, ví dụ thông qua một hình thức tương tự đoàn bồi thẩm với những vụ án nhất định để những người dân bình thường, được lựa chọn ngẫu nhiên, một lần, độc lập và khách quan, vô tư quyết định về vấn đề có hay không có hành vi phạm tội; có thể sẽ giảm đáng kể án oan sai.

Cùng với danh hiệu LS tranh tụng xuất sắc nhất châu Á năm 2020 do Tạp chí Asia Legal Business bình chọn, ông Dũng còn được Tạp chí Asia Business Law vinh danh trong bảng xếp hạng 100 LS hàng đầu của Việt Nam năm 2020; Chambers and Partners vinh danh là LS xếp hạng Nhất về giải quyết tranh chấp tại Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua và gần đây nhất là năm 2020…

Cùng với danh hiệu LS tranh tụng xuất sắc nhất châu Á năm 2020 do Tạp chí Asia Legal Business bình chọn, ông Dũng còn được Tạp chí Asia Business Law vinh danh trong bảng xếp hạng 100 LS hàng đầu của Việt Nam năm 2020; Chambers and Partners vinh danh là LS xếp hạng Nhất về giải quyết tranh chấp tại Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua và gần đây nhất là năm 2020…

Tranh tụng đã trở thành nguyên tắc hiến định. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc này chưa được triển khai đúng như bản chất của nó. Lấy một ví dụ, LS thẩm vấn đương sự hoặc người làm chứng nhưng không có chế tài để buộc họ phải trả lời và phải trả lời đúng sự thật.

Cần tiếp tục phát triển án lệ để bổ sung khoảng trống của pháp luật và tăng tính đoán định tư pháp mà Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình gần đây cũng đã đề cập trong một bài viết của mình.

“Nếu hòa giải được thì không nhất thiết phải ra tòa”

- Bên cạnh hành nghề LS, ông còn là một trong số trọng tài viên khá bận rộn của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Làm trọng tài viên có gì khác so với LS, thưa ông?

- Vì tôi hiểu sâu sắc rằng được nói, được lắng nghe, được tranh luận là tâm nguyện của đương sự và luật sư trước người “cầm cân nảy mực” nên khi ngồi hội đồng trọng tài tôi luôn dành cho họ tất cả các cơ hội để làm điều đó.

Tôi cố gắng giữ vai trò “thụ động” nhất có thể và chỉ điều phối họ chú trọng vào những vấn đề mấu chốt của vụ việc. Trong vai trò Trọng tài viên soạn thảo phán quyết, tôi cố gắng nêu hết các quan điểm của các bên và phân tích cặn kẽ việc chấp nhận hay không chấp nhận quan điểm nào và tại sao. Tôi nghĩ, như thế là mình đã làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình một cách công khai và minh bạch.

- Trở lại nghề luật, dường như ông quan niệm rằng một LS giỏi không phải là cứ phải luôn thắng kiện?

- Tôi cho rằng người LS giỏi chính là người luôn tìm ra chiến lược, giải pháp tốt nhất cho khách hàng của mình, nếu hòa giải được thì không nhất thiết phải ra tòa. Khi người dân, doanh nghiệp gặp những vướng mắc pháp lý phải tìm đến LS nghĩa là họ đang chưa tìm ra lối thoát, hoặc đang mông lung giữa ngã sáu, ngã bảy mà không biết lựa chọn lối nào... LS chính là người giúp họ có lựa chọn đúng đắn nhất, khai mở cho họ một con đường tốt nhất, phù hợp hoặc ít rủi ro nhất.

Nhưng tất cả vẫn phải dựa trên pháp luật, lẽ phải, lẽ công bằng và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

YKVN là một trong những hãng luật hàng đầu Việt Nam được công nhận trong các lĩnh vực về mua bán, sáp nhập DN, thị trường vốn, tài chính DN, tài trợ dự án, tài chính – ngân hàng, đầu tư nước ngoài, tranh tụng trọng tài (cả trong nước và quốc tế), thương mại quốc tế và thuế. Với thành tích nhiều lần được vinh danh “Cty luật Việt Nam của năm” do các tổ chức quốc tế uy tín bình chọn, xét về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, YKVN được đánh giá ngang tầm các hãng luật hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đọc thêm