Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, tạo cơ sở bảo đảm ninh trật tự, an toàn xã hội tại TP. HCM

(PLVN) -Trong các ngày 10 và 11-5, các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Khóa XV, đơn vị bầu cử số 2 TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri các phường Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cô Giang và Cầu Kho, Quận 1.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của ứng viên ĐBQH
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của ứng viên ĐBQH

Các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 2 của Thành phố gồm: ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự- hành chính, Bộ Tư Pháp; bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa kỹ thuật y sinh, ĐH Quốc tế, ĐH quốc gia TPHCM; ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố; Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an Thành phố; bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận uỷ quận 1.

Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) trình bày chương trình hành động
Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) trình bày chương trình hành động

Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, cử tri các phường cho rằng cả 5 ứng cử viên đều là những cán bộ được đào tạo bài bản, được rèn luyện ở nhiều vị trí công tác; các chương trình hành động được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và chất lượng. Cử tri cũng cho rằng cả năm ứng cử viên đều đã khẳng định và cam kết gắn bó gần gũi với TPHCM, thực hiện quyết liệt việc xây dựng đô thị thông minh, đồng thời làm tất cả để từng người dân TP cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, vì một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Dù có được làm ĐBQH hay không thì các ứng cử viên cũng cần cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ chức trách được giao hiện nay.  

Về các chương trình hành động của các ứng cử viên, cử tri 4 phường đã thảo luận và kiến nghị một số vấn đề tập trung vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tham nhũng, các vấn đề an sinh, xã hội và công tác xây dựng, ban hành luật…

Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí Lãnh đạo TPHCM và quận 1 tại buổi tiếp xúc cử tri.
Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí Lãnh đạo TPHCM và quận 1 tại buổi tiếp xúc cử tri.

Trước đề nghị của cử tri cho rằng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện nay còn quá thấp, không đủ sức răn đe, trong khi trên địa bàn TP.HCM thời gian qua xảy ra nhiều hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội chẳng hạn như tình trạng đua xe trái phép, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp cho biết: Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Luật này có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó đáng chú ý là quy định mức tiền phạt tối đa (đối với cá nhân) lĩnh vực quản lý nhà nước: giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; kinh doanh bất động sản. Riêng đối với lĩnh vực giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội, mức phạt tiền tối đa được tăng từ 40 triệu lên 75 triệu… 

Bên cạnh đó, đối với TPHCM là thành phố trực thuộc Trung ương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về phạt tiền. Theo đó, căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân Thành phố có quyền  quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực quy định tại Luật XLVPHC . .

Cũng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, đối với người có hành vi đua xe trái phép (căn cứ quy định của Luật XLVPHC về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính…) cũng thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định mức phạt tiền cao hơn trong một số lĩnh vực tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, phù hợp với thực tiễn, đủ sức răn đe, phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính, đồng thời, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật hình sư; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính… bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Đối với các vấn đề về giải pháp tạo môi trường đầu tư lành mạnh; chú trọng chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; đồng thời nâng cao năng suất lao động, hợp tác quốc tế - trong bối cảnh mà Việt Nam đã, đang và sẽ kí hàng loạt các Hiệp định thương mại với thế giới; nói không với tiêu cực trong thi cử, xóa bỏ vấn nạn “học giả bằng thật”, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em,… các ứng cử viên cũng đã trao đổi, báo cáo thêm với cử tri tại buổi tiếp xúc. 

Đọc thêm