Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau cả về quan điểm và việc đưa thành những điều luật cụ thể.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được hiểu thống nhất, quán triệt tinh thần chung về tư tưởng, quan điểm xây dựng Luật theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW sửa đổi Luật Thủ đô với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô và tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô.
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm tại dự thảo Luật đó là việc thành lập các quỹ: Quỹ di sản và phát triển văn hóa, Quỹ học bổng, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử. Có một số ý kiến đề nghị xem xét lại sự cần thiết, nhiệm vụ của các quỹ theo hướng giảm số lượng để đảm bảo phù hợp với định hướng của Trung ương (dự thảo Luật hiện chỉ còn 1 quỹ trên cơ sở hợp nhất 2 quỹ di sản và phát triển văn hóa và quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử, bỏ quỹ học bổng).
Về nội dung này, có ý kiến đã chỉ ra rằng trong lĩnh vực di sản, Hà Nội có 5922 di tích, 1793 di sản văn hóa phi vật thể. Những di sản cần được nghiên cứu, bảo quản, tu bổ, tôn tạo… Do vậy việc thành lập Quỹ là hết sức cần thiết, giúp huy động, tập trung được nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước đồng thời góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo tồn di sản và phát triển văn hóa cho cộng đồng, nhất là lứa tuổi học sinh.
Mặt khác, việc thành lập quỹ không phải chưa từng có tiền lệ: ngày 20/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Song, để Quỹ được duy trì lâu dài và hoạt động hiệu quả, cần có chính sách thu hút các nguồn lực để xã hội hóa.
Ngoài ra, đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau như quy định về ưu đãi thuế trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, an sinh xã hội, ưu đãi dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược; các quy định trong lĩnh vực y tế; việc cho phép các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài, Thành phố Hà Nội đề nghị trước mắt giữ các quy định này để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện, rõ hơn về phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện.