Đáng chú ý nhất là việc nhiều nước đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu nông sản và điều này lại càng thắt chặt hơn nữa nguồn cung đang khan hiếm trên thị trường toàn cầu.
Khoảng 30 quốc gia hạn chế xuất khẩu lương thực
Bà Sabrin Chowdhury, người đứng đầu mảng hàng hóa tại Công ty xếp hạng tín dụng Fitch Solutions cho biết, khoảng 30 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu.
Mới đây nhất, Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả leo thang. Khối lượng thịt gà xuất khẩu của Malaysia là 3,6 triệu tấn/tháng. Động thái trên khiến Singapore quan ngại vì nước này phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia. Theo số liệu chính thức, khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore trong năm 2021 là từ Malaysia.
Trước đó, giới chức Ấn Độ cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Động thái này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân của đất nước, trong bối cảnh sản lượng lúa mì giảm và giá toàn cầu tăng cao. Điều này khiến nhiều nông dân trong nước chuyển sang bán cho thương lái thay vì cho chính phủ, khiến chính phủ lo ngại về nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ lúa mì của đất nước.
Hồi tháng 3, Chính phủ Ukraine đã cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch và nhiều mặt hàng chủ lực khác. Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine lúc đó là ông Roman Leshchenko cho biết, lệnh cấm xuất khẩu là cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu của người dân về các mặt hàng thực phẩm quan trọng. Việc ngừng xuất khẩu của Ukraine khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục vì nước này được coi là vựa lương thực của thế giới.
Cũng trong tháng 3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô cho đến ngày 31/8, đồng thời cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và bắp sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu cho đến ngày 30/6. Moscow nói rằng lệnh cấm được thực hiện nhằm “bảo vệ thị trường thực phẩm nội địa trước những hạn chế từ bên ngoài”, theo hãng tin Reuters.
Ngoài Nga và Ukraine, những nước như Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia đều đã cấm xuất khẩu lúa mì. Argentina sẽ thiết lập cơ chế kiểm soát giá lúa mì trong nước và kiềm chế lạm phát lương thực. Hungary cấm tất cả hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Serbia hạn chế xuất khẩu lúa mì, bắp, bột mì và dầu ăn. Bulgaria tăng dự trữ ngũ cốc và có thể hạn chế xuất khẩu.
Không chỉ lúa mì bị hạn chế xuất khẩu, nhiều nước còn áp lệnh cấm những mặt hàng lương thực và thực phẩm khác, khiến áp lực lạm phát toàn cầu càng tăng thêm. Trong số đó có những sản phẩm như dầu hạt hướng dương, dầu cọ và cả phân bón - mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp...
Hiện các quốc gia đang hạn chế xuất khẩu lương thực để đối phó với tình trạng tăng giá do căng thẳng ở Nga - Ukraine trầm trọng hơn. Có thể nhận thấy một điều rõ ràng rằng, nếu tất cả các nước đều áp đặt các hạn chế xuất khẩu hoặc đóng cửa thị trường thì điều đó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực hiện tại.
Chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất
Việc các nước cấm xuất khẩu lương thực có thể là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng về một nạn đói trên diện rộng.
Bà Sabrin Chowdhury, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của Fitch Solutions, chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008. “Chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ tiếp tục trong 2022 và tăng dần trong những tháng tới. Điều này làm tăng thêm rủi ro về an ninh lương thực với nhóm dễ tổn thương nhất”, bà nói.
Hạn chế xuất khẩu không chỉ là tin xấu đối với các nước nhập khẩu. Tiến sĩ David Adamson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tài nguyên và Thực phẩm toàn cầu tại Đại học Adelaide cho biết, họ cũng trừng phạt nông dân ở các quốc gia sản xuất bằng cách ngăn họ tận dụng giá quốc tế cao. Ông nói: "Chủ nghĩa bảo hộ là điều tồi tệ nhất đối với an ninh lương thực vì nó ngăn cản thị trường hoạt động để giải quyết ổn thỏa".
Trước tình trạng này, Liên Hợp quốc (LHQ) đã hối thúc các quốc gia xem xét lại quyết định của mình. LHQ lập luận rằng việc giúp nông sản được tự do buôn bán sẽ đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và ổn định giá cả.
Lo ngại hệ lụy tiêu cực với an ninh lương thực toàn cầu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield bày tỏ hy vọng “Ấn Độ sẽ xem xét lại” quyết định cấm xuất khẩu lúa mì vì chúng “sẽ khiến tình trạng thiếu lương thực toàn cầu hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn”, theo tờ Hindustan Times. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tuần này ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự. Tuy nhiên, Reuters ngày 26/5 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết Ấn Độ hiện chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm.
Mới đây, tại cuộc họp của LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới David Beasley thúc giục Nga tạo điều kiện để Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Với việc các cảng Odessa, Chornomorsk và những cảng khác đang bị Nga kiểm soát, nguồn cung chỉ có thể di chuyển trên các tuyến đường bộ tắc nghẽn kém hiệu quả hơn nhiều. Ông Guterres cũng kêu gọi các nước tạo điều kiện để thực phẩm và phân bón của Nga “được tiếp cận đầy đủ và không hạn chế vào các thị trường thế giới”.
Trong khi đó, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kêu gọi các nước không ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu các thực phẩm cơ bản, giữa bối cảnh xung đột tại Ukraine đang làm trầm trọng tình hình lương thực thế giới.
“Chúng tôi đang kêu gọi các nước thành viên không cấm xuất khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực. Chúng tôi không muốn tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến giá cả tăng vọt”, Hãng tin AFP dẫn lời bà Okonjo-Iweala nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, ngày 25/5, giờ địa phương.