Lương y chuyên trị bệnh phong thấp chia sẻ bài thuốc gia truyền

Sẵn sàng chia sẻ bài thuốc gia truyền chữa bệnh phong thấp, chỉ với mong muốn sẽ giúp được nhiều người khỏi bệnh, là tâm nguyện của lương y Nguyễn Văn Thiệp (SN 1944, ngụ phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sẵn sàng chia sẻ bài thuốc gia truyền chữa bệnh phong thấp, chỉ với mong muốn sẽ giúp được nhiều người khỏi bệnh, là tâm nguyện của lương y Nguyễn Văn Thiệp (SN 1944, ngụ phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Một số vị trong bài thuốc chữa bệnh phong thấp

Phương thuốc gia truyền

Theo lời lương y Thiệp, phong thấp là một trong những loại bệnh thường gặp ở nước ta. Bệnh danh của đông y là tý chứng: Tý nghĩa là bế, khí huyết bế tắc không lưu thông được mà sinh bệnh. Biểu hiện của bệnh thường thấy ở cơ, gân, xương, khớp với các triệu chứng như: Đau nhức, tê bì, buồn mỏi, thân thể nặng nề, đôi khi kèm phù nề, sưng tấy, mẩn ngứa, lở loét…

Nguyên nhân gây bệnh do ảnh hưởng bên ngoài, như các yếu tố độc hại của môi trường, mà đại diện là sáu loại khí: Phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm thấp), táo (khô), hỏa (nhiệt). Bình thường chúng cân đối hài hòa duy trì sự sống, nếu mất cân đối chúng trở thành tà khí gây bệnh.

Ngoài ra, nguyên nhân bên trong là do bảy yếu tố thất tình (cảm xúc thái quá) như: Vui, buồn, lo nghĩ, yêu thương, giận hờn, thương xót, kinh sợ; cũng gây tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến bệnh. “Bệnh phong thấp nếu để lâu có thể sẽ chuyển thành nhiệt hóa gây âm dương lưỡng hư, xuất hiện nhiều biểu hiện khác như: Thiếu máu, đau đầu, chóng mặt, huyết áp, tim mạch, mất ngủ…”, ông Thiệp cho biết thêm.

Theo lương y Thiệp, bệnh phong thấp là loại bệnh đặc thù của phương Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Tuy nhiên Việt Nam lại được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều loại cây, cỏ giúp trị bệnh này, đúng như lời dạy của bậc Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị nam nhân”, tức là thuốc Nam trị bệnh cho người Nam.

Bài thuốc chữa bệnh phong thấp có tác dụng chữa đau, sưng, tê bao gồm 14 vị như sau: Cây đau xương (15g), rễ cỏ xước (12g), rễ lá lốt (12g), cây tầm xuân (12g), rễ bưởi bung (12g), rễ tầm sọng (12g), cây dung dúc (12g), củ cốt khí (12g), củ ô dược (12g), củ vôi (12g), tất cả đem sao vàng. Còn thêm các vị khác như: Thiên niên kiện (6g), huyết giác (6g), ý dĩ (12g), tỳ giải (12g).

Ngoài ra, tùy vào triệu chứng của bệnh nhân mà có thể gia giảm bài thuốc. Đau nhiều ở đùi gối cho thêm: Đơn gối hạc (15g), phòng kỷ (12g), độc hoạt (12g). Nếu bệnh nhân có biểu hiện co giật thì cho thêm: Câu đằng (15g), ô dược (15g), thổ phục (15g). Ngứa nhiều thì cần thêm: Phòng phong (12g), kinh giới (15g), thương nhĩ tử (12g)… Tuy nhiên, “bí quyết” gia truyền của ông với bài thuốc trên là lấy một chén đậu đen (đỗ đen) sao vàng hạ thổ làm thang thuốc sắc lẫn với bài thuốc trên.

Những vị thuốc trên tạo thành thang thuốc hoàn chỉnh. Khi sắc, cho nước đổ ngập trên mặt thuốc khoảng 1cm (khoảng bốn bát ăn cơm), sắc làm 3 lần, mỗi lần từ bốn bát, đun cạn thành một bát. Đến khi được 3 bát thì đổ chung lại đun lên để chất lượng thuốc đều nhau. Ngày uống 3 lần: Sáng, chiều, tối, uống khi không no cũng không đói.

Lưu ý: Phải uống khi thuốc còn ấm, không nên để nguội. Ngoài ra để bài thuốc trên đạt hiệu quả cao hơn, người bệnh cần có những kiêng kị như: Tránh lội bùn, ngâm nước lạnh. Một số loại thực phẩm không nên dùng như: Thịt chó, thịt trâu, bò, tôm, cua, chuối tiêu, đu đủ, cà muối.

Bên cạnh uống thuốc, lương y Thiệp khuyên bệnh nhân nên dùng kết hợp phương pháp dùng thuốc xông và ngâm chân hàng ngày. Theo đó, bài thuốc bao gồm những vị thuốc đơn giản như: Cây, rễ lá lốt (50g); cây, rễ cúc tần (50g); cây, hoa kinh giới (50) và thiên niên kiện (20g). Cho số thuốc trên vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi khoảng 30 phút là được.

Trước tiên, người bệnh nên ngồi ở vị trí cao, rồi lấy chân hơ lên chỗ hơi thuốc để xông, không nên để gần quá sẽ dễ bị bỏng. Đến khi nước còn ấm, thì tận dụng nước này để ngâm chân. Lời khuyên của lương y là bệnh nhân nên xông vào buổi tối trước khi đi ngủ, ngoài ra khi ngâm xong lau khô chân bằng khăn và không rửa lại bằng nước lã. Điều này, theo ông Thiệp, “bởi ngâm xong, lỗ chân lông sẽ giãn ra, nếu rửa hoặc ngâm lại bằng nước lạnh vô tình sẽ làm cho khí lạnh “tấn công” người bệnh”.

Lương y Thiệp

Cơ duyên với nghề thuốc

Sinh ra trong gia đình 3 đời làm thuốc, ông Thiệp là anh cả trong gia đình có sáu anh em. Ngày ngày nhìn ông nội và bố miệt mài bốc thuốc chữa bệnh, từ năm 10 tuổi cậu bé đã biết tán, bào chế thuốc giúp gia đình. Ham học hỏi nên mỗi khi ông và bố bàn về một loại thuốc nào, cậu bé lại chăm chú lắng nghe.

“Hồi ấy, tuy còn nhỏ nhưng tôi rất thích những dụng cụ để bào chế thuốc. Bố tôi nhiều khi “không khiến” nhưng tôi vẫn giúp bố bào mỗi ngày 5kg thuốc. Thấy tôi đam mê, lại cần cù nên bố tôi đã truyền nghề, dạy cách bào chế, sao tẩm, hoàn tán thuốc một cách bài bản. Hàng ngày, tôi nghe ông và bố bắt mạch, kê đơn, thậm chí trong bữa ăn cũng bàn đến thuốc, vì vậy nghề thuốc đã ngấm vào máu của tôi lúc nào không hay”, ông Thiệp kể.

Sở hữu bài thuốc hay nhưng ông Thiệp quan niệm, để tay nghề thêm vững thì không cách nào khác là đam mê học hỏi thêm: “Mình đón nhận bài thuốc từ cha ông và biến thành của mình, ngoài ra phải đi học đi học để hiểu thêm về nghề y”. Những năm trước đây chưa có ngành đào tạo thuốc đông y bài bản như hiện nay, ông rẽ sang một hướng mới khi thi vào trường đại học giao thông, sau này trở thành kỹ sư đường sắt.

Tưởng chừng như con đường y học của ông đứt gánh. Nhưng khi được cử vào “tuyến lửa” Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh phục vụ công tác đảm bảo giao thông, ông Thiệp lại có dịp “trổ tài” khi chữa bệnh cho những người dân nơi đây. Rồi như một cơ duyên tiền định, khi trở về với niềm mong ước giữ nghề gia truyền, ông Thiệp tiếp tục theo đuổi con đường y học cổ truyền, vượt qua các kỳ thi tuyển của Hội Đông y Việt Nam.

Ngoài những bài thuốc gia truyền để lại, ông luôn tự trau dồi kiến thức y học thông qua sách báo. Bài thuốc chữa bệnh phong thấp trên ban đầu cần rất nhiều vị, nhưng qua quá trình chữa bệnh nhiều năm, ông đã tinh giảm và bổ sung những vị thuốc phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Thiệp, ngoài những đức tính cẩn thận, không ngại khổ, những thầy thuốc đông y cần có sự đồng cảm với người bệnh. Riêng bản thân ông luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân từng đến thăm. Bệnh nhân nào ông cũng giữ số điện thoại rồi thường xuyên liên lạc để biết bệnh tiến triển ra sao. “Bệnh nhân khi đến với thầy thuốc thường chịu sự dày vò của căn bệnh, nên niềm hạnh phúc của thầy thuốc là mong gặp lại những nụ cười thoát khỏi bệnh tật”, ông Thiệp chia sẻ.

Những triệu chứng đầu tiên của bệnh phong thấp là cảm thấy cứng ở các đầu khớp xương. Thường thì khớp xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng phần lớn bệnh ảnh hưởng tới các khớp xương tay, vai, đầu gối, xương chậu và đặt biệt nhất là trên xương sống.

Theo tây y, nguyên nhân chính đưa đến bệnh là lớp sụn ở khớp xương bị thoái hóa và ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương.

Lao động nặng về thể chất lúc còn trẻ, bị tai nạn như đụng xe, ngã té, bong gân hoặc thiếu dinh dưỡng cũng dễ đưa tới bệnh. Thường thì các loại thuốc tây trị đau chỉ làm người bệnh mất cảm giác đau khi uống vào, chứ không trị tận gốc của bệnh; chưa kể khi uống lâu dài các loại thuốc tây này, người ta có thể bị những phản ứng phụ như đau bao tử, hại gan...

Hà Bắc

Đọc thêm