Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề bốc thuốc Nam, lương y Trần Phước Cầu (52 tuổi, trú tại 35 Hà Tông Quyền, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Tp Đà Nẵng) luôn tìm tòi, học hỏi để bào chế những bài thuốc mang lại hiệu quả cao nhất. Bản thân ông đã “thử nghiệm” bài thuốc chữa bệnh sỏi thận do mình bào chế và thành công, đem niềm vui đến những bệnh nhân sỏi thận.
Ông Cầu bào chế bài thuốc chữa bệnh sỏi thận |
Theo ông Cầu, bài thuốc thông thường chữa bệnh sỏi thận bao gồm 6 vị, tuy nhiên ông đã nghiên cứu nhiều năm và bổ sung thêm 3 loại cây thuốc mà theo ông có tác dụng bổ trợ, giúp bài thuốc thêm hiệu quả. Sáu vị thuốc thông thường đó là: Thục địa (8 lượng), Chánh hòa (4 lượng), Sơn thù nhục (4 lượng), Đơn bì (3lượng), Trạch tả (3 lượng), Phục linh (3 lượng). Qua quá trình tự mày mò nghiên cứu, vị lương y này biến bài thuốc thông thường thêm công hiệu khi thêm 3 vị thuốc khác là: Quả dứa dại (4 lượng), kim tiền thảo (3 lượng), cỏ xước (2 lượng), mỗi lượng tương đương 40g. Vào cơ địa từng người mà số lượng thuốc có thể thay đổi, ví dụ dịch vị axít trong dạ dày nhiều thì chỉ dùng 4 lượng dứa dại.
Những cây thuốc này đều phải chế biến tỉ mỉ trước khi dùng. Đơn bì phải được tẩm rượu rồi mới sao thành thuốc, còn cây thạch tả phải tẩm muối rồi mới sao, cây dứa đem xắt nhỏ phơi khô rang vàng hạ thổ, kim tiền thảo hái lá phơi khô… Ngoài ra, xem xét mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân mà có cách pha chế thuốc khác nhau.
Bài thuốc này được điều chế dưới hai dạng là dạng thuốc sắc và dạng viên. Với dạng thuốc sắc, mỗi thang chia hai lượt: Lượt đầu cho thuốc vào nồi đổ nước ngập thuốc (khoảng 5 lít), đun sôi cạn đến khi còn lại khoảng 0,5 lít. Lượt hai vẫn dùng số thuốc trên nhưng lượng nước ít đi, khoảng 4 lít đun cạn còn 0,4 lít. Lấy số thuốc của hai lượt trên cho vào bình nước giữ ấm để uống trong 3 ngày. Thuốc dạng này thường mang lại hiệu quả nhanh hơn, bởi tính nguyên chất, hàm lượng thuốc cao.
Còn với thuốc điều chế theo dạng viên thì dựa vào bệnh mà bốc 10 hay 15 thang. Tuy nhiên không dùng hết số thuốc này để tán thành viên mà 2/3 số thang thuốc được đun nấu thành nước “cô” lại còn khoảng 1 lít nước. Số nước thuốc này sẽ được đổ vào 1/3 số thang thuốc còn lại cho ngấm, rồi lại phơi khô nghiền nhỏ thành bột, cuối cùng cho vào tán thành từng viên thuốc. Để có chất kết dính, cần cho thêm lượng nhỏ nước thuốc.
Thuốc viên cũng được chia thành hai dạng: Dạng viên cứng có thể để được 6 tháng dành cho những người trung niên, thanh niên. Bệnh nhân mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g. Còn dạng thuốc viên mềm thời gian sử dụng thuốc chỉ có 3 tháng, dành cho những người già, mỗi ngày uống khoảng 45g, chia làm 3 lần/ ngày. Cũng theo ông Cần, trong thời gian uống thuốc, người bệnh cần tăng cường uống nước, mỗi ngày khoảng 3 - 5 lít. Cần hạn chế ăn tôm, cua, ốc, mực, các đồ ăn sống…
Để đúc rút được ra bài thuốc như hiện nay, ông Cần đã lấy bản thân mình ra thử nghiệm. Trước đây ông cũng từng bị sỏi thận nặng và “những ngày đầu chịu bệnh tật hành hạ, tôi rất mệt mỏi, sau này nghĩ mình phải tìm ra bài thuốc để tự cứu lấy bản thân. Sau khi tự mày mò nghiên cứu rồi chế ra bài thuốc, năm ngày đầu uống không có triệu chứng gì lạ, đến ngày thứ 6 tôi thấy bụng đau buốt, sang ngày hôm sau thì đi tiểu ra sỏi” như lời ông thuật lại.
Thấy bài thuốc hiệu quả, về sau có vài người họ hàng cũng kêu bị sỏi thận, ông cho dùng bài thuốc này thì đều mang lại tác dụng tốt. Khái quát về công dụng bài thuốc, ông nói gắn gọn: Bổ thận tư âm, lợi tiểu, bài sỏi.
Thuốc chữa bệnh sỏi thận đã được cô lại thành viên |
Ông Cần sinh ra trong một gia đình ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nhà có bốn anh em thì tới 3 người theo nghiệp thuốc. Những tháng ngày tuổi thơ đọng lại với ông là sự “khốn khó”, nhà cách trường 25 km, phải dậy đi học từ 3h sáng, đến trường là 7h, học được 4 tiếng đồng hồ lại ôm vở đi về đến 15h chiều mới đến nơi.
Khó khăn là vậy nhưng có thời gian là ông lôi mấy cuốn sách dạy bấm huyệt của cha ra đọc, rồi “tập tành” thử nghiệm. Thấy con trai ham học, có chí nên người cha quyết định dạy lại nghề thuốc gia truyền. Hàng ngày, người cha bắt đầu bằng việc cho con làm quen với những vị thuốc, rồi giúp cha bốc thuốc.
Tuổi thơ vất vả, nghèo khó nhưng được người cha nghiêm khắc hết mực dạy dỗ chỉ bảo là những điều kiện để chàng trai trở thành một lương y luôn lấy cái tâm làm đầu.
Năm 1981, khi là giáo viên dạy môn thể chất, ngoài thời gian lên lớp ông Cầu theo cha bốc thuốc kê đơn. Yêu nghề thuốc, năm 1989 ông xin nghỉ nghề dạy học để chuyên tâm theo nghề cha, chuyên bấm huyệt, chữa bệnh bại liệt, đau nhức xương khớp. Hai năm sau, cơ quan chức năng Đà Nẵng tổ chức lớp học bổ túc cho các lương y, ông cũng xin tham gia.
Thậm chí để đọc được cuốn sách về y học, ông còn tự mình học chữ Hán: Chỉ với một cuốn từ điển, ông “nhốt mình” 3 năm không ra ngoài. Vốn kiến thức y học, nhất là y học cổ truyền cùng những bài thuốc dân gian vì thế được ông nắm chắc, giúp ích nhiều cho việc bốc thuốc và nghiên cứu bài thuốc mới.
Nay dù đã trên 50 tuổi nhưng vị lương y này vẫn luôn mày mò học hỏi. Ông vẫn còn nhớ những lời dặn của người cha: “Học thuốc là phải học chân truyền, tức là học những gì chân thật, đúng đắn, có sự sáng tạo, chứ không phải học bí quyết gia truyền là những bí quyết áp dụng bất di bất dịch mà không có sự sáng tạo”.
Nhiều vị thuốc quý muốn có được phải lên rừng tìm kiếm, có những chuyến đi xa hàng trăm km giữa rừng sâu. Sau này sức khỏe yếu đi, cộng với việc thuốc ngày càng hiếm, ông tìm giống cây mang về trồng, nay vườn thuốc đã có khoảng 150 giống cây.
Cũng theo ông Cầu, thuốc Nam là loại thuốc chữa bệnh hiệu quả, không gây tác dụng phụ như thuốc Tây, thậm chí nhiều loại cây có thể vừa làm thức ăn, vừa làm cây thuốc hiệu quả như: Rau đay có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, lá mơ lông có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, chữa bệnh đường tiêu hóa tốt… “Danh y Tuệ Tĩnh nói “Nam dược trị nam nhân”, có nghĩa là người Nam lấy thuốc Nam chữa bệnh”, ông nhắc lại.
Trịnh Ninh