"Lướt sóng" kiếm lời, hàng trăm khách hàng bỏ cọc sau đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước cơn sốt đất tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Bắc Giang, các khách hàng đã “xuống tiền” để đặt cọc các khu đất trong phiên đấu giá. Tuy nhiên, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính thì nhiều người đã bỏ cọc.
Khi thị trường sôi động, các nhà đầu tư sẵn sàng đặt cọc các khu đất được đấu giá
Khi thị trường sôi động, các nhà đầu tư sẵn sàng đặt cọc các khu đất được đấu giá

Thực tế cho thấy, trong nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) tại các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm nay có không ít khách hàng trả giá cao. Tuy nhiên, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính thì nhiều người đã bỏ cọc. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách của tỉnh.

Điển hình như tại huyện Lạng Giang, từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức đấu giá 612 lô đất ở với tổng giá trúng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Đến nay có 59 lô đất trúng đấu giá thuộc các xã: Quang Thịnh, Đại Lâm, Mỹ Hà, An Hà và thị trấn Vôi. Điều đáng nói, khi đến hạn cuối nộp tiền SDĐ nhưng khách hàng đã không thực hiện đúng nghĩa vụ, khiến Chi cục Thuế thất thu hàng chục tỷ đồng.

59 lô đất có tổng giá trúng hơn 119 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với giá khởi điểm” - Bà Đặng Thị Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam thông tin.

Tương tự tại huyện Hiệp Hòa từ đầu năm đến nay cũng có tất cả 355 lô đất ở trúng đấu giá, trong đó có 57 lô bị khách hàng bỏ cọc với số tiền cọc gần 6,8 tỷ đồng.

Còn tại huyện Việt Yên cũng ghi nhận 755 lô đất trúng đấu giá, trong đó có 104 lô bị bỏ cọc với số tiền cọc hơn 22 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Việt Yên - Hiệp Hòa khẳng định: “Các lô đất nêu trên phần lớn có giá trúng rất cao so với mức giá khởi điểm”.

Nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng”

Nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng”

Theo các nhà đầu tư bất động sản, khi thị trường sôi động, các nhà đầu tư chỉ cần bỏ một số vốn nhỏ khoảng 100 - 300 triệu đồng/lô để đặt cọc, nếu trúng và đúng thời điểm họ sẽ bán ngay và có thể lãi đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng khi thị trường chậm lại, nếu không “sang tay” được ngay họ đành bỏ số tiền vài trăm triệu đồng tiền cọc mỗi lô đất để tránh rủi ro.

Có thể thấy, thực trạng này diễn ra là do nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời hoặc để “thổi giá” những lô đất khu vực mình đã mua nhằm thu hút người có nhu cầu mua thật sự.

Tuy nhiên, thời gian gần đây các ngân hàng thương mại đã có động thái rà soát, thắt chặt việc cho vay đối với giao dịch bất động sản, điều này khiến người mua đất gặp khó khăn càng dẫn đến hiện tượng dễ bỏ cọc sau khi đấu giá.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, việc khách hàng tham gia đấu giá trả cao bất thường sau đó bỏ cọc không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách mà còn gây ra tình trạng “sốt” đất ảo, nhiễu loạn thị trường. Dẫn đến người dân có nhu cầu thực sự về đất ở khó tiếp cận được đất đấu giá.

Để chấn chỉnh tình trạng trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc, các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung thêm các quy định nhằm siết chặt hoạt động đấu giá; cấp có thẩm quyền tính toán tăng mức đặt cọc đối với tài sản đấu giá.

Ông Đặng Hữu Đang, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Lạng Giang cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ nâng mức tính giá đặt cọc cho các lô đất khi đưa ra đấu giá lên 20% so với tổng giá sàn, tăng 10% so với thời điểm trước đây. Nhiều địa phương khác như huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam cũng đang xem xét nâng mức đặt cọc các lô đất lên 15-25%”.

Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Bắc Giang phát triển chưa thực sự lành mạnh. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn việc đầu cơ, thổi giá khiến thị trường nhiễu loạn, giúp người dân có nhu cầu thực sự về đất có thể tiếp cận thị trường một cách công bằng./.

Đọc thêm