Lưu giữ tinh hoa văn hóa qua chuyến đi về những “cổ trấn” ở ngoại ô Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cách Hà Nội chừng vài tiếng đồng hồ, không khó để tìm được những ngôi làng cổ, làng nghề lâu đời đang tọa lạc tại làng quê yên bình. Đây không chỉ là địa điểm tham quan hoàn hảo, còn là nơi để du khách góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.
Ở làng cổ Đường Lâm hiện nay, có khoảng 956 ngôi nhà vẫn còn giữ được các kiến trúc cổ với tường gạch đá ong.
Ở làng cổ Đường Lâm hiện nay, có khoảng 956 ngôi nhà vẫn còn giữ được các kiến trúc cổ với tường gạch đá ong.

Bảo tồn không gian văn hóa truyền thống

Bà Nguyễn Thị Bích (65 tuổi, sống tại làng cổ Đường Lâm) cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở đây từ thời các cụ, đã được hơn trăm năm nay”. Làng cổ Đường Lâm nằm tại huyện Sơn Tây – Hà Nội, là một ngôi làng nổi tiếng trải qua hàng nghìn năm lịch sử, được coi như “bảo tàng sống” lưu giữ những ngôi nhà được xây dựng từ 300 năm trước. Phần lớn, người dân trong làng đều đã sinh sống nhiều đời tại đây như bà Bích.

Bà giới thiệu nhà họ Giang – nơi có nhà thờ ông Thám Hoa Giang Văn Minh nằm trong một hẻm nhỏ, được xây theo kiến trúc cổ với cánh cửa gỗ đã có nhiều vết trầm do thời gian lưu lại. Thám hoa là người sống vào thời Lê Trung Hưng, ông có công khiến nhà Minh xóa lệ cống vàng của Đại Việt. Cụ Từ trông coi nhà thờ cho biết, nơi đây đã được xây dựng từ thời Tự Đức, tính đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Không chỉ ngôi nhà thờ ông Thám Hoa Giang Văn Minh, ở làng cổ Đường Lâm hiện nay, có khoảng 956 ngôi nhà vẫn còn giữ được các kiến trúc cổ với tường gạch đá ong. Đây là một quy mô lớn so với các làng cổ, làng nghề truyền thống khác. Kể từ khi được công nhận là di tích Quốc gia năm 2006, làng cổ Đường Lâm thu hút lượng khách du lịch đông đảo mỗi năm. Điều này giúp Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có những bước đi bài bản trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.

Các ngôi nhà cổ, các di tích thường xuyên được trùng tu, bảo dưỡng, tránh bị hư hỏng, song vẫn giữ nguyên được kiến trúc của những ngôi làng Bắc Bộ từ xưa. Ngoài ra, các dịch vụ du lịch được phát triển mạnh gắn liền việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Phần lớn các khách du lịch di chuyển bằng cách thuê xe điện, xe đạp để đi dạo quanh làng.

Không chỉ bảo tồn các kiến trúc cổ, nhiều làng cổ, làng nghề lâu đời còn cho xây dựng thêm các công trình mới để thu hút và quảng bá sản phẩm. Biến du lịch thành động lực phát triển và bảo tồn di sản văn hóa. Như làng gốm Bát Tràng, hiện tại trong xã Bát Tràng có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, trong đó có 23 ngôi nhà cổ, 16 nhà thờ họ. Bên cạnh những dấu ấn truyền thống, hiện nay làng đã có thêm Bảo tàng gốm Bát Tràng. Công trình xây dựng hướng đến nhu cầu tham quan, du lịch của mọi người, đặc biệt giới trẻ. Bảo tàng được xây với kiến trúc 7 tầng xoáy ốc khổng lồ, lấy ý tưởng từ bàn xoay gốm quen thuộc, không thể thiếu với người dân trong làng nghề.

Ngoài không gian độc đáo xen lẫn vẻ đẹp hiện đại và kiến trúc truyền thống. Bảo tàng gốm ở tầng 2 mang đến cho người xem một cái nhìn toàn diện về lịch sử làm gốm của làng Bát Tràng. Ngoài ra, ở các gian hàng, nhiều gia đình làm gốm lâu đời cũng mang sản phẩm đến bày bán, giúp đồ gốm của mỗi họ được biết đến rộng rãi hơn đối với mọi người.

Các gian hàng không những tạo công ăn việc làm cho người trẻ, còn giúp họ có hiểu biết về gốm để truyền tải với khách hàng. Mỹ Linh – làm tại cửa tiệm gốm ở tầng một chia sẻ kiến thức về gốm: “Mỗi gia đình sẽ nhập chung một loại men làm gốm, nhưng mỗi nhà sẽ có bí quyết khác nhau. Có hộ sẽ làm gốm men họa biến chảy, có nhà chuyên làm gốm điêu khắc hoa văn vàng 24 cara, có nhà làm gốm men xanh cung đình Huế,…”. Bên cạnh đó, còn những gian hàng bán đồ thuần nông nghiệp, trầm hương và gỗ. Khi được hỏi, những nhân viên làm tại đây cho biết: “Hiện tại, Bát Tràng đang có chỗ đứng vững vàng về đồ thủ công truyền thống, nên nhiều công ty chọn mở gian hàng ở đây để quảng bá sản phẩm”.

Lưu giữ nét đẹp tinh thần

Không chỉ ở làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng được nhiều người biết đến. Cùng với sự khởi sắc của du lịch văn hóa, rất nhiều làng cổ khác ở ngoại ô Hà Nội đang là điểm đến thu hút. Như làng cổ Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội), làng cổ Cựu (Phú Xuyên, Hà Nội), khách du lịch trong và ngoài nước đến đây, không chỉ bởi những kiến trúc cổ truyền thống mà còn để thưởng thức cuộc sống sinh hoạt dân dã tại các làng quê Bắc Bộ.

Làng cổ thu hút người đến bởi không gian sinh hoạt truyền thống. (Ảnh: Du khách ở nhà cụ Bá)

Làng cổ thu hút người đến bởi không gian sinh hoạt truyền thống. (Ảnh: Du khách ở nhà cụ Bá)

Đến với làng cổ Đường Lâm, không khó khi bắt gặp hình ảnh những “thảm” ngô vàng ruộm đang được phơi ngoài khoảng sân đầy nắng của mỗi gia đình. Người ở làng cổ niềm nở tiếp đón khách vãng lai, họ không e dè, ngại ngùng hay xa cách. Cuộc sống nơi đây chậm rãi, nhịp nhàng, giống như hơi thở của những cây đa, cây si đầu làng đung đưa trong gió suốt trăm năm qua.

Mỗi người khách vãng lai tới đây dễ dàng được đánh thức bên trong tình yêu với đức tính niềm nở, hiếu khách của dân tộc Việt Nam bao đời nay. Hay ký ức về cuộc sống sinh hoạt cộng đồng làng, xã. Khi người chủ nhà luôn vui vẻ tiếp đón, sẵn sàng mời khách lạ vào ngồi giữa khoảng sân lát gạch trắng uống trà, kể chuyện về thôn xóm.

Cụ Bá – người làng cổ Đường Lâm mỉm cười hồn hậu, mở rộng cửa đón vị khách lạ vào xem sân ngô đang được phơi nắng: “Ngô này phơi để cho gà ăn, làng Đường Lâm nổi tiếng với đặc sản gà mía, chè lam, kẹo dồi…”. Cụ đã bảy mươi tuổi, căn nhà chỉ có hai vợ chồng sống với nhau, con cái lên thành phố làm ăn hết. Cụ nuôi gà, nuôi bò, hai vợ chồng giữ thói quen sinh hoạt cũ, ngày dắt bò ra đồng cỏ, cho gà ăn từ sớm, trưa về thổi cơm trên bếp củi, chiều mang những bó hoa đi lễ.

Hay giữa trưa, khi lang thang trong làng gốm Bát Tràng, đi sâu vào những con ngõ, đằng sau vài ngôi nhà lấm tấm rêu phong, loang lổ vết ố màu đen theo thời gian. Không khó để ngửi thấy mùi cơm đun bằng bếp củi âm ấm, ngọt ngào vấn vít xung quanh con ngõ hẹp. Cô Nguyễn Ngọc Minh - một du khách đến làng gốm chia sẻ: “Tôi sinh ra ở vùng quê, lên Hà Nội sống và làm việc. Đã ba mươi năm trôi qua, nhiều điều đã quên mất. Nhưng, khi ngửi thấy mùi cơm nấu bằng củi, lại nhớ về ký ức với gia đình vào thời ngày xưa, lúc ấy, bố mẹ còn nghèo lắm…”.

Ngọc Mai - một sinh viên chọn làng cổ Đường Lâm đi tham quan cuối tuần cho biết: “Đã lâu lắm rồi tôi mới có một bữa ăn như vậy”. Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đi cùng với năm người bạn, đặt cơm tại nhà một bác đã có tuổi trong làng. Bữa cơm đơn giản với món ăn truyền thống, cả nhóm ngồi quây quần ăn trong sân dưới hiên nhà. Đối với Mai, điều này làm cô nhớ đến những bữa cơm ở quê với ông bà khi còn bé. Cô cho rằng: “Lưu giữ văn hóa không chỉ đơn thuần bảo tồn gìn giữ các giá trị vật chất mà là khắc ghi, truyền tải một cách tự nhiên vào tâm trí mỗi con người”.

Lan rộng tình yêu văn hóa bằng trải nghiệm

Không chỉ thu hút khách du lịch bằng những kiến trúc lâu đời hay những sản phẩm truyền thống. Hiện tại, các làng cổ, làng nghề còn tổ chức rất nhiều hình thức trải nghiệm, nhằm rút ngắn khoảng cách của mọi người với văn hóa truyền thống.

Chị Quỳnh - chủ một cửa hàng trải nghiệm vuốt gốm tại làng Bát Tràng cho biết, mỗi ngày chị đón trung bình từ 20 – 30 khách đến nặn gốm, tô tượng. Phần lớn du khách sẽ vào Bảo tàng Gốm Bát Tràng để tham quan, chụp ảnh và làm thực hành làm gốm tại đó. Tuy nhiên, nhiều người chọn vào trong làng để trải nghiệm không khí của làng gốm Bát Tràng, chợ Gốm. Tại đây, giá thành của các loại gốm sứ cũng rẻ hơn, đồng thời, trải nghiệm nặn gốm cũng có chi phí thấp hơn.

Công việc này không chỉ giúp cho người dân trong làng lan truyền những nét văn hóa dân tộc mà cho họ thêm nguồn thu nhập: “Cuối tuần sẽ đông hơn, trong tuần mọi người không đến nhiều!”, chị Quỳnh nói. Chị cũng cho biết, rất nhiều khách đến đây, thấy xưởng của chị khang trang, sạch sẽ, bà chủ niềm nở, thì giới thiệu bạn bè hoặc quay lại vào những dịp đi chơi khác: “Tôi không quảng cáo cho xưởng của mình, mọi người đến rồi thấy thích, sẽ quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè”. Theo chị Quỳnh, cùng mong muốn được trải nghiệm của khách du lịch, hiện nay, trong làng gốm Bát Tràng có khoảng trên dưới mười xưởng giống như của chị.

Ở làng cổ Đường Lâm, nổi tiếng với món tương nếp gia truyền đã có từ hàng trăm năm nay. Phần lớn các du khách đều ghé qua để thăm xưởng sản xuất tương gia đình này. Tại đây, khách hàng được tham quan một vài công đoạn làm tương của các chủ hộ. Tương sản xuất thủ công, tốn nhiều công sức chuẩn bị, nên thường có số lượng hạn chế, mỗi lần được tầm chục chum ủ trong thời gian nhất định.

Ông Hà Hữu Thể – chủ xưởng sản xuất tương chia sẻ: “Khách đến đây rất nhiều, có những ngày đến cả trăm khách mỗi ngày, không đếm được, cũng có khi không có ai”. Tương của ông người ăn nhớ mãi vị bùi béo, đậm đà, mùi mằn mặn thơm dịu của đậu tương hòa cùng nếp ta. Một đồn mười, mười đồn trăm, khách du lịch mỗi khi đến Đường Lâm lại ghé qua xưởng mua tương gia truyền của ông và trở thành một phần không thể thiếu trong chuyến đi.