Lưu lượng nước về các hồ thủy điện đang giảm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cập nhật từ Tập đoàn điện lực Việt Nam cho thấy, sáng 11/9, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đều có xu hướng giảm tại tất cả các hồ, đặc biệt những hồ được dự báo có nguy cơ gây ra tình huống xấu nhất. 
Xả nước tại hồ thủy điện Thác Bà
Xả nước tại hồ thủy điện Thác Bà

Thông tin cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vào 10h hôm nay, 11/9, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện miền Bắc như Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà có xu hướng giảm nhẹ.

Cụ thể, lưu lượng nước đến hồ Sơn La là 3.531m3/s, tổng lượng xả qua nhà máy là 2.570m3/s. Lưu lượng đến Hồ Hòa Bình là 1.726m3/s, tổng lượng xả qua nhà máy là 2.237m3/s.

Tại hồ Thác Bà, lưu lượng nước đến hồ lúc 10h là 2.955 m3/s, thấp hơn nhiều so với thời điểm gần 5.000m3/s đêm qua và rạng sáng nay. Tổng lưu lượng xả qua công trình 3224 m3/s.

Hiện, hồ Hòa Bình dừng xả đáy, hồ Tuyên Quang còn 5 cửa xả (đóng 3 cửa so với cao điểm xả 8 cửa.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà cho biết, mức nước hồ đã chính thức giảm 1 cm vào lúc 10h (lúc 9h 11/9/2024 mức nước hồ là 59,84 cm).

"Hiện tại đang có tín hiệu rất tốt về lưu lượng lũ về hồ Thác Bà đã giảm mạnh. Lưu lượng xả ra đã lớn hơn lưu lượng về hồ. Tạm thời mức nước hồ sẽ giảm chậm. Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 trên thượng nguồn đã giảm đáng kể. Công trình, nhà máy, và hồ chứa thủy điện Thác Bà vẫn đang vận hành rất an toàn, tuy nhiên vẫn không được chủ quan", ông Cường nói.

Trước đó, chiều 10/9, Bộ Công Thương đã có cuộc kiểm tra công tác vận hành xả lũ một số công trình thủy điện trong điều kiện cơn bão số 3 vừa đi qua và lũ lụt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh phía Bắc, trong đó có các hồ Thác Bà, Tuyên Quang và Hòa Bình.

Tại cuộc kiểm tra, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà, cho biết, 11h ngày 9/9, mực nước hồ Thác Bà đạt cao trình 58,11 m, lưu lượng nước về hồ khoảng 2.583 m3/s. Để vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định, công ty đã tiếp tục tăng thêm lưu lượng xả lũ qua công trình thủy điện vào hồi 13h ngày 9/9. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du khoảng 2.610 m3/s, tương ứng với mở toàn bộ các cửa xả tràn và 2 cửa lấy nước vào tuabin đã mở hết.

Ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Vào 15h ngày 11/9, Đoàn kiểm tra công tác vận hành xả lũ một số công trình thủy điện đã đi kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Hiện đập chính xả tối đa qua 3 cửa xả với lưu lượng 3.000 m3/s. Đập phụ số 4 cao độ 62,5m, dài khoảng 50m, rộng 4,5m, thân đập đất.

Phó Cục trưởng Thuận đã đề nghị Công ty Thủy điện Thác Bà thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện để đảm bảo an toàn các công trình thuỷ điện, đặc biệt vùng hạ du khi xả lũ, tiếp theo các Công điện hoả tốc của Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng tại các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về việc tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành các công trình thủy điện.

“Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ”, ông Trịnh Văn Thuận nói.

Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng, Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệnh vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).

Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu; kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về các khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Đọc thêm