Khi nhiệt độ môi trường xung quanh và nhiệt độ cơ thể có sự chênh lệch lớn, cơ thể chúng ta chống lại bằng cách giảm truyền nhiệt (co mạch máu dưới da) và tăng sinh nhiệt. Muốn tăng sinh nhiệt thì phải tăng hoạt động của cơ bắp. Có 3 cách tăng hoạt động:
- Lao động chân tay để cơ bắp hoạt động nhiều.
- Run cơ. Đó là những cơn co cơ nhỏ, ngắn và nó cũng sản sinh nhiều nhiệt giúp cơ thể chống với môi trường lạnh giá. Run lập cập thậm chí các cơ quanh miệng cũng run làm cho hai hàm răng liên tiếp va vào nhau. Run, mọi người đều dễ dàng quan sát thấy.
- Co cơ âm thầm. Là một sự co cơ lặng lẽ không gây ra chuyển động, mọi người không nhìn thấy được - đó là “cóng”. Nhưng nếu lúc này nắn bắp cơ ta sẽ thấy nó rắn chắc hơn lúc bình thường, do đó cũng sản sinh ra nhiều nhiệt giúp cơ thể chống lạnh. Cóng là do tăng cường hệ thần kinh giao cảm và tăng bài tiết hormon một số tuyến nội tiết gây co cơ một cách âm thầm, thuật ngữ y học gọi là “tăng trương lực cơ”. Chính sự co cơ lặng lẽ này làm cho cử động của da mặt, của ngón tay, ngón chân khó khăn hơn, dân gian gọi là “cóng”.
Không để tay chân lạnh, cơ thể run rẩy
Vào những ngày lạnh rét, bạn cần mặc ấm với quần áo chống gió, cài chặt khuy áo, dây khóa, đừng quên đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai và vào ngay phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh.
Nếu bạn chuẩn bị đi ra ngoài, đừng bỏ qua hiện tượng run rẩy của cơ thể. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể mất nhiệt và là tín hiệu báo bạn cần nhanh chóng trở về nhà.
Bạn cần tránh tiếp xúc đột ngột với lạnh. Khi đi từ trong nhà ra ngoài, hãy mở cửa chậm để cơ thể thích nghi dần. Tuyệt đối không lao ngay ra ngoài vì dễ sốc nhiệt.
Ăn đủ chất, tăng cường đạm, các gia vị cay
Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố bạn cần chú ý. Nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây để nâng cao sức đề kháng. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… giúp giữ ấm rất tốt, giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa.
Ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng.
Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn
Tăng cường uống nước ấm, trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây trong những ngày mùa đông lạnh giá. Hãy nhớ, nước lạnh, đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn.
Trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức giấc, nên uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp và giữ thân nhiệt.
Không uống cà phê hay trà xanh
Mặc dù nhiều người nói rằng, uống cà phê hoặc trà xanh nóng khi nhiệt độ môi trường xuống thấp khiến họ cảm thấy ấm hơn, nhưng theo các chuyên gia, chất cafein trong những đồ uống này sẽ khiến bạn bị mất nhiệt cơ thể.
Theo các chuyên gia vật lý trị liệu, giải pháp tốt nhất là bạn nên chuyển qua dùng các đồ uống đã loại bỏ cafein hoặc trà thảo dược, những loại có đặc tính làm nóng ấm tự nhiên.
Ăn nhiều protein (đạm)
Chuyên gia dinh dưỡng, tiến sĩ Sarah Schenker cho biết, việc tiêu hóa protein (đạm) khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên đáng kể, so với quá trình tiêu hóa cácbon hyđrat hay chất béo. Theo bà Schenker, cơ thể phải làm việc vất vả hơn để hấp thụ các protein, nên sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn và tạo ra sức nóng, giúp giữ ấm cho chúng ta.
Chuyên gia này gợi ý, đối với bữa sáng, bạn có thể ăn cháo đặc kết hợp và uống sữa đậu, vì chúng giàu protein hơn sữa bò thông thường. Bạn có thể tăng thêm lượng protein hấp thụ bằng cách ăn thêm các loạt hạt và sữa chua.
Không đút tay vào túi
Khi bị lạnh, bản năng tự nhiên của người là bước đi với hai tay thọc sâu trong túi áo hoặc túi quần. Tuy nhiên, theo chuyên gia Tim Hutchful thuộc Hiệp hội chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương Anh, sẽ tốt hơn nếu bạn bỏ cả 2 tay ra khỏi túi và để chúng đung đưa tự do hai bên sườn. Ông Hutchful giải thích, bằng cách đung đưa tay, các cơ của chúng ta có cơ hội vận động mạnh, cải thiện lượng máu luân truyền tới khu vực sẽ sản sinh ra nhiệt cơ thể.
Không đội mũ len
Theo tiến sĩ Andrew Camilleri, bác sĩ phẫu thuật tai - mũi - họng thuộc Bệnh viện Đại học South Manchester, con người mất 30% lượng nhiệt cơ thể ở vùng đầu. Vì vậy, khi mua một chiếc mũ giữ ấm, bạn nên chọn loại có che cả tai. Ông Camilleri giải thích, vì tai rất mỏng nhưng lại có khu vực tiếp xúc rộng nên chúng làm mất nhiệt rất dễ dàng.
Lưu ý bạn nên thở bằng mũi, chứ không phải bằng miệng. Điều này là vì, các lỗ mũi và xoang lọc đã làm ấm không khí đi vào phổi, nên khi chúng ta thở ra sẽ cảm thấy thấy ấm áp. Khi thở qua miệng, cơ chế tương tự không xảy ra nên chúng ta không còn hiệu ứng làm ấm không khí. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh và ấm áp trong mùa đông với những bí quyết trên../.