Quan điểm của ông về nhận định làn sóng đầu tư FPI đang có dấu hiệu chuyển dịch sang Việt Nam?
- Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Về làn sóng dịch chuyển FDI trên thế giới, có thể nói không phải bây giờ mới xuất hiện vì trước đó đã có những quốc gia chủ trương khuyến khích doanh nghiệp chuyển vốn về nội địa để giải quyết vấn đề việc làm. Còn nếu chúng ta nhận định đây là một làn sóng, phải có sự so sánh.
Theo các số liệu thống kê, không phải đến khi có dịch bệnh, đầu tư nước ngoài thế giới mới giảm, mà trong 3 năm gần đây giảm liên tục. Giảm liên tục ở đây là sự thay đổi tư duy về đầu tư nước ngoài. Trước đây, đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ giảm khoảng 300 tỷ USD/năm, bây giờ giảm đi rất nhiều.
Chúng ta phải đặt vào bối cảnh so sánh như thế để thấy dòng vốn dịch chuyển là làn sóng. Dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư nước ngoài cao hơn trước đây rất nhiều, trước đây gần như dòng vốn dịch chuyển rất ít. Vấn đề là làn sóng đó có đến Việt Nam hay không? Việt Nam tận dụng làn sóng đó như thế nào? Tôi nghĩ làn sóng FDI mới là có nhưng có rất nhiều cản trở để làn sóng này có thể đến với chúng ta.
Việt Nam có những ưu thế nổi trội gì để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài?
- Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài:
Các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam, gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Về các yếu tố bên ngoài, phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch Covid-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.
Một số quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.
|
Những năm cuối thập niên 2000, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam dịch chuyển nhiều sang sản xuất và lĩnh vực công nghệ. |
Trong bối cảnh cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với các quốc gia khác để thu hút các doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần làm gì để có được sức hấp dẫn riêng?
- Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Chúng ta phải nhìn một cách rất thực tế, cho đến nay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều. Phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu. Xu hướng này thực tế chưa có cải thiện.
Trong khi đó, chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với kỳ vọng những đầu tư này là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Vậy các nhà đầu tư mong muốn gì? Tôi cho rằng các nhà đầu tư muốn chính sách, luật pháp của chúng ta ổn định. Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền “gầm bàn”, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục trước mắt.
Đối với cách tiếp cận chính sách, mặt bằng chung là như vậy, nhưng đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau. Chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư.
Tôi cho rằng chúng ta phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu. Phải thu hút được doanh nghiệp bên trong của chúng ta, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này. Nếu không thì chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được lợi thế này.
Trong cuộc đua thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế gì?
- Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Tôi cũng đã từng quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 10 năm. Tôi thấy cái mà nguồn nhân lực Việt Nam yếu là tính kỷ luật và làm việc theo khuôn mẫu nhưng ngược lại, nhân lực Việt Nam làm việc rất linh hoạt. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, tất cả mọi thứ đều rất nhanh, tôi cho rằng đó là một điểm mạnh tiềm năng của nhân lực Việt Nam.
Vừa rồi, Samsung có đánh giá, sau khi được đào tạo cơ bản, những công nhân kĩ thuật Việt Nam sau một thời gian 3 tháng, 6 tháng đã bắt kịp tương đối sát với các công nhân từ Hàn Quốc. Trong khi đó, lương của công nhân Hàn Quốc cao gấp từ 2-3 lần. Bằng chứng nữa là đã có 2 kỹ sư của Việt Nam tham gia vào chế tạo camera cho Samsung. Đấy là điển hình về công nghệ. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta định hướng đúng thì nguồn nhân lực Việt Nam sẽ khởi sắc và phát triển.
Chúng ta muốn tránh tụt hậu về thu hút đầu tư nước ngoài, tôi nghĩ có 2 vấn đề: Thứ nhất là chính sách và thể chế thì gần đây chúng ta đã có rất nhiều cố gắng thay đổi làm tốt. Trước đây, mình cứ kêu ca nhiều là chính sách đưa ra là chuẩn, là đúng, là phù hợp nhưng thực thi thì khó. Gần đây, tôi thấy có những điểm khởi sắc, hết sức đáng mừng về sự cụ thể hóa quyết tâm thu hút vốn FDI chất lượng cao của Chính phủ.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, có một điều đáng ngại hơn từ phía doanh nghiệp, đó là phần nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, tầm nhìn của họ chỉ ở mức ngắn hạn. Do vậy, các doanh nghiệp phải vật lộn với cuộc sống và lo cho đời sống của cán bộ, công nhân. Một điểm yếu nữa là hiện nay chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cung cấp nguyên vật liệu và bán thành phẩm. Nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề đó thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cơ bản và chớp được thời cơ để phát triển.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu trong liên kết để cùng tận dụng cơ hội. Việt Nam hội nhập rất rộng và khá sâu. Chúng ta có rất nhiều FTA (Hiệp định Thương mại tự do) nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được.
Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải nâng cao được cái tâm thế và tư thế của mình, phải quyết tâm, phải có tầm nhìn. Và muốn nâng được tư thế của mình lên để bắt tay sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta phải nâng trình độ doanh nghiệp và phải liên kết các doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, cái chúng ta làm chưa tốt lắm là các doanh nghiệp lớn, các con chim đầu đàn hiện nay cũng rất mạnh mẽ, tại sao các tập đàn lớn không dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia vào chuỗi liên kết. Tôi nghĩ đó là một hướng mà chúng ta cần phải khuyến khích, cần phải có chính sách để làm sao làm được.
Các doanh nghiệp Việt Nam còn vướng nhiều vấn đề, trong đó tôi nghĩ cái đầu tiên là phải làm sao xây dựng được một nguồn nhân lực cốt lõi cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có thành công hay không thì nhân lực cốt lõi là quan trọng nhất.