Lý giải “sức hút Việt Nam” đối với đầu tư nước ngoài

(PLVN) -  Gần đây, các công bố khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp nhiều quốc gia cho thấy, Việt Nam đang được lựa chọn là một trong những điểm đến hàng đầu cho đầu tư trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ mở rộng sản xuất trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Là điểm đến hấp dẫn của khu vực

Các báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) công bố hàng quý đều cho thấy, Việt Nam là quốc gia mà các doanh nghiệp châu Âu đều “nhắm” đến để giới thiệu rộng rãi với nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định mở rộng sản xuất. Ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng lựa chọn tiếp tục mở rộng sản xuất (đồng nghĩa với rót thêm vốn vào Việt Nam).

Báo cáo chỉ số môi trường kinh doanh quý III/2024 cho thấy, gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Báo cáo khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại ASEAN đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, bất chấp những thách thức kinh tế hậu đại dịch. Theo đó, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động trung bình tại Đông Nam Á là 46,3% thì tỷ lệ lựa chọn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam lên đến 56,1% trong vòng 1 - 2 năm tới. Đáng chú ý, so với năm 2023, kết quả này giảm 0,6 điểm phần trăm nhưng là mức cao nhất khu vực và vượt qua Lào - quốc gia dẫn đầu năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong khi trên thế giới các tỷ lệ này đều bị giảm. Điều này chứng tỏ sức hút của Việt Nam khá lớn, đặc biệt phải nhìn nhận việc thu hút này đến trong khi nguồn nhân công giá rẻ không còn là một lợi thế lớn của Việt Nam. Ngoài ra, còn một vấn đề phải đề cập đến là tỷ lệ giải ngân vốn FDI cũng tăng đáng kể.

Theo báo cáo mới đây của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi của sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phát triển và trở nên gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu với mức tăng trưởng xuất khẩu gấp 7 lần kể từ năm 2007. Hiện các tập đoàn đa quốc gia ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Điều này được lý giải là nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. Các chi phí khác, như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy, dầu diesel vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp cũng có lợi thế cạnh tranh về giá khi thường thấp hơn các nước trong khu vực.

Đáng chú ý, các chuyên gia HSBC nhấn mạnh, việc Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP). Đây chính là những hiệp định có nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam và chính là “điểm hút” rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hút những “ông lớn” đầu tư về công nghệ cao

Trước đây, Việt Nam được xem như một quốc gia chủ yếu thu hút FDI nhờ sức mạnh gia công. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, với sự định hướng và đổi mới từ Nhà nước, Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư công nghệ cao. Các chuyên gia của HSBC cũng nhận định, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp thâm nhập vào Việt Nam. Ví dụ, năm 2022, Samsung thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn. Trong khi đó, Apple cũng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.

Mới đây nhất, ngay đầu tháng 12, sự kiện công bố đầu tư của Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới NVIDIA đã cho thấy, Việt Nam đang có sức hút với nhiều “ông lớn” công nghệ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh. Cùng với đó là sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; Cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở.

Bộ trưởng Dũng cho biết, riêng về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Đọc thêm