Lý giải xuất siêu liên tục cán đỉnh mới

(PLVN) - Liên tục trong các tháng 8 - 9/10/2020, thặng dư thương mại đạt các mốc kỷ lục mới. Đây là chuyện “ngược dòng” khá lạ trong tình hình kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Vậy xuất siêu đến từ nguyên nhân nào? 
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao những tháng cuối năm 2020.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao những tháng cuối năm 2020.

Chính phủ, doanh nghiệp đều nỗ lực 

Kết thúc 10 tháng năm 2020, xuất khẩu (XK) của Việt Nam ước đạt 229,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, xuất siêu ước đạt 18,7 tỷ USD. Trả lời PLVN về lý do Việt Nam liên tục đạt các mốc kỷ lục xuất siêu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK - Bộ Công Thương) cho rằng, xuất siêu cao đến từ XK tăng trưởng khá, trong khi nhập khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Hải phân tích, XK các nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp có mức tăng tốt và đóng góp cao vào tăng trưởng chung của XK như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu gia tăng về các sản phẩm máy tính cá nhân phục vụ làm việc tại nhà; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 21 tỷ USD, tăng trưởng nổi bật (42%) trong 10 tháng đầu năm do XK các sản phẩm điện tử dân dụng vẫn tiếp tục tăng mạnh. 

Ngoài ra, nhóm sản phẩm đồ nội thất từ chất liệu khác gỗ, đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng trưởng ở mức cao, đây là những nhóm hàng mới, có tăng trưởng cao ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh chưa được khắc phục hoàn toàn cũng là một điểm tích cực. Tăng XK ở nhóm hàng này đã bù đắp cho nhóm hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm cầu nhập khẩu ở các thị trường do tác động tiêu cực của dịch bệnh nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ, gồm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, điện thoại các loại và linh kiện. 

Đáng chú ý, nhập khẩu (NK) giảm tập trung ở nhóm hàng cần kiểm soát (chủ yếu là các mặt hàng không thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, không phục vụ nhu cầu sản xuất), ước giảm tới 13,4%. NK nhóm hàng cần nhập tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có NK giảm do sản xuất trong nước đáp ứng được một phần nhu cầu và do nhu cầu tiêu thụ giảm (xăng dầu giảm 44,7%, sắt thép giảm 17,3%).

Bên cạnh đó, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Trung Quốc, Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã xây dựng các kịch bản diễn biến của dịch bệnh và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại thông qua khơi thông luồng vận chuyển hàng hóa bị ách tắc tại các khu vực cửa khẩu đường bộ và cảng biển.

Ngoài ra, Bộ Công Thương vẫn thực hiện các công tác chuẩn bị, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội phê chuẩn và triển khai các chương trình hành động thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và bước đầu đã có các kết quả tốt khi số lượng giấy chứng nhận xuất xứ form EUR.1 được cấp cao. Chính nỗ lực đến từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đã mang lại kết quả tích cực.

Năm 2020, xuất khẩu tăng 4%?

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ tiêu XK 300 tỷ USD và xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD trong năm 2020. Theo đại diện Bộ Công Thương, nhiệm vụ trên được xác định sau khi kết thúc năm 2019, với một kết quả nổi bật khi tổng kim ngạch XNK vượt mức 500 tỷ USD, xuất siêu đạt gần 11 tỷ USD. 

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất ngờ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn như trước khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả, do vậy kinh tế và thương mại quốc tế không thể hoạt động bình thường. 

Đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân do hệ quả của các biện pháp giãn cách, hạn chế tụ tập nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh. Theo số liệu của Tổ chức thương mại thế giới, XK 8 tháng đầu năm của các nước giảm mạnh như Singapore giảm 9,4%; Ấn Độ giảm 21,2%; Brazil giảm 7,3%, Thái Lan giảm 7,7%...

Căn cứ bối cảnh tình hình, Bộ Công Thương dự kiến, XK cả năm 2020 ước đạt khoảng 274-275 tỷ USD, tăng 3,5 - 4% so với năm 2019. “Kết quả dự báo về chỉ tiêu XK thấp hơn chỉ tiêu 300 tỷ USD nhưng với tình hình dịch bệnh đã tác động nặng nề thì việc duy trì mức tăng trưởng dương là nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam. Về chỉ tiêu xuất siêu, với mức tăng trưởng của XK trong các tháng gần đây thì đây là chỉ tiêu có thể đạt được” - ông Hải nhận định.

Đọc thêm