Mã vạch này sẽ có 3 màu giống màu đèn tín hiệu giao thông để thể hiện các mức cảnh báo khác nhau. Sở dĩ có đề xuất này này vì muối là một thành phần gia vị không thể thiếu nhưng dùng muối quá nhiều hay quá ít đều có ảnh hưởng đến sức khoẻ
Hiện nay, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12- 15 gram/người/ngày. Lượng muối ăn chủ yếu đến từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. Thành phần chủ yếu của muối trong khẩu phần ăn là natri. Natri cũng có trong mì chính, hạt nêm, bột canh… Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối ăn hàng ngày. Không chỉ trong khẩu phần ăn hàng ngày, các loại đồ ăn vặt cũng chứa hàm lượng muối cao hơn mức cho phép.
Các loại đồ ăn chiên, rán, hay các loại đồ ăn đóng hộp lượng muối từ 200mg – 500mg. Nếu ăn một gói mỳ tôm, một cốc nước chanh tươi, một gói bim bim thì tỷ lệ muối đã vượt quá mức. Một gói mì ăn liền trung bình chứa 4,2g muối, tương ứng 5-7g muối trong mỗi 100g sản phẩm, một gói bim bim có 198mg muối, 50mg muối tinh trong một ly chanh tươi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo một người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Đối với nhu cầu natri (tối thiểu) khuyến nghị theo độ tuổi (RDA) như sau: trẻ em dưới 6 tháng: 1200 mg/ngày; trẻ 6 -11 tháng: 2000 mg/ngày; trẻ 1 tuổi: 2205 mg/ ngày; trẻ 2-5 tuổi: 3000 mg/ngày; trẻ 6 -9 tuổi: 4000 mg/ngày. Cũng theo số liệu thống kê của WHO, một số loại bệnh tật liên quan đến ăn nhiều muối tại Việt Nam như bệnh tim mạch và tăng huyết áp đang gia tăng nhanh. Năm 2012, toàn quốc có khoảng 520.000 trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân thì trong đó số ca tử vong do bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất (33%). Năm 2011, có 112.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não, chiếm tới gần 22% tổng số ca tử vong.
Sử dụng lượng muối vượt quá mức cho phép là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh như: ung thư đường tiêu hoá, ung thư dạ dày, suy gan, bệnh mạch vành, đau tim, suy tim, suy thận, loãng xương, huyết áp cao… Để giảm tránh nguy cơ mắc bệnh chúng ta cần lưu ý khi lựa chọn các loại đồ ăn, xem hàm lượng natri được ghi trên bao bì, hạn chế các đồ ăn nhanh, giảm các loại bột ngọt và các loại gia vị có muối chế biến đồ ăn. Giảm tỷ lệ muối ăn là giảm tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh.