Vô cớ gây án mạng
Sáng 18/6, trời mưa, rỗi việc, Trần Thanh Thọ (SN 1985, ngụ đường Trần Phú, phường Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đến nhà bạn trên đường Nguyễn Tri Phương nhậu. Đến chiều cùng ngày, Thọ ra quán tạp hoá gần đó mua một lon bia ngồi nhâm nhi. Trời mưa rả rích, Thọ gọi điện cho bạn lên trò chuyện.
Khi hai thanh niên đang to nhỏ nói chuyện, ông Phạm Đức Thanh (SN 1960, ngụ đường Trần Phú) làm nghề lái xe thồ chạy đến quán mua thuốc lá và một ly rượu. Thấy hai thanh niên mà có một lon bia, ông Thanh hỏi Thọ rằng: “Sao hai người mà mua có một lon?”, Thọ đáp lại: “Hết tiền rồi, chỉ còn 10 ngàn nên mua một lon”.
Nhận ly rượu và thuốc từ chủ quán xong, ông Thanh ngồi xuống bàn. Thấy vậy, Thọ hỏi lại: “Ông có vợ con chưa?”, ông Thanh đáp: “Có rồi”. Nạn nhân vừa dứt lời thì Thọ đứng bật dậy, rút dao trong túi quần đâm liên tiếp hai nhát và cổ ông Thanh, lạnh lùng nói: “Vậy để con giúp bố, con xin lỗi, con giết bố xong sẽ đi tù”.
Phát hiện bạn gây án, người bạn hét lớn: “Có án mạng”. Gia đình chủ quán lao tới ngăn cản, đẩy Thọ ra, gọi taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, ông Thanh đã tử vong trên đường tới bệnh viện.
Về phần Thọ, sau khi đâm ông Thanh, hung thủ chạy về gặp vợ rồi nhờ người thân chở đến trụ sở công an phường Thành Công đầu thú, khai nhận sự việc.
Người trực tiếp chở hung thủ đi đầu thú cho biết: “Khoảng 13h40 phút, tôi đang ở nhà thì nghe anh Thọ gọi điện nói đã giết người, nhờ tôi chở đi đầu thú. Hoảng quá, tôi lật đật lấy xe đến điểm hẹn và chở anh tới công an phường. Suốt đoạn đường, tôi hỏi anh vì sao giết người nhưng anh không nói tiếng nào”.
Chủ quán tạp hoá kể: “Hôm đó ông Thanh tới mua thiếu tôi một gói thuốc và một ly rượu. Tôi tính không bán thì ông ấy bảo: “Cứ bán cho em, tí chạy xe về có tiền về em trả”. Vừa nhấp rượu, ông Thanh hỏi Thọ vài câu thì xảy ra án mạng. Hai người chỉ nói qua lại vài câu chứ chẳng cãi cọ hay xích mích gì. Bởi vậy, cả nhà tôi và người ngồi chung bàn không kịp can ngăn”.
Bị “ma nhập”?
Lý giải vụ án, bà Hứa Thị Bích Ngọc (SN 1964, mẹ Thọ) cho rằng: “Mâu thuẫn giữa con tôi và ông Thanh chẳng có gì to tát. Vậy mà con tôi lại rút dao giết người một cách tàn nhẫn. Thường ngày, Thọ làm dịch vụ tang lễ, chuyên lo các đám ma gần xa. Có lẽ vì “nghiệp chướng” trong nghề quá nặng, Thọ bị “ma xui quỷ khiến” rồi gây án”.
Nhận xét về động cơ gây án của hung thủ, người dân trong vùng đồn đoán nhiều thông tin khác nhau. Có người cho rằng, vì Thọ còn ít tuổi, lại làm nghề khâm liệm, mai táng nên “âm khí nặng nề, bị ma nhập” rồi giết người.
Một người khác đồng ý quan điểm: “Thường những người làm nghề khâm liệm phải có tuổi cao, hợp mạng mới làm. Nay Thọ còn nhỏ mà làm nghề đó nên yếu vía, bị ám mới gây ra tội”.
Bà chủ quán tạp hoá cũng cho hay: “Tôi nghĩ là ma ám. Không thể vì một câu hỏi như vậy mà Thọ lại giết người. Trong khi đó, ông Thanh bị đâm mà cũng không kêu cứu. Chắc ông ấy biết trước số phận của mình nên nhắm mắt chấp nhận. Lúc đó, tôi ngồi nhặt rau sát bên bàn nhậu nhưng không hề nghe hai người cãi nhau”.
Nhận xét về tính cách Thọ, chị Phạm Thị Kim Loan (SN 1969, người sống chung với Thọ) cho biết: “Tháng 7/2014, tôi và anh Thọ sống chung với nhau. Tính anh ấy ít nói nhưng rất hiền lành. Gần một năm qua, chúng tôi chưa nói nặng với nhau tiếng nào. Hôm xảy ra vụ việc, tôi đang ở nhà thì anh ấy chạy về báo tin, nói gọn lỏn: “Tôi giết người rồi, giờ đi đầu thú đây”. Nói xong thì anh ấy đi, tôi chạy theo không kịp. Tôi không rõ lắm về nghề mai táng nhưng nghe bà con đồn đoán chuyện ma mị, tôi thấy rất sợ”.
Người trong nghề phản bác
Để làm rõ những lời đồn đoán của người dân xoay quanh việc Thọ gây án, PL&TĐ đã tìm gặp một số người trong nghề để nghe họ chia sẻ về đặc thù công việc. Anh Trần Thanh Thuận (SN 1991, em trai Thọ, cũng làm nghề mai táng) cho rằng:
“Dù công việc rất vất vả, phải thường xuyên tiếp xúc với xác chết nhưng tôi không tin chuyện ma mị. Theo quan niệm, những người từ 50 tuổi trở lên sẽ phù hợp với nghề hơn những người nhỏ tuổi. Nhiều lúc đang ăn, nhớ lại cảnh vớt xác trôi sông, chết suối… tôi thấy rợn cả người, không nuốt nổi cơm, tinh thần không được thoải mái. Tuy nhiên, hoàn toàn không có chuyện người nhỏ tuổi, yếu bóng vía sẽ bị ma nhập. Hôm gây án, anh Thọ nồng nặc mùi rượu”.
|
Mẹ hung thủ cho rằng con mình bị “ma nhập” |
Tìm về cơ sở dịch vụ mai táng tại đường Trần Phú nơi Thọ làm việc, đồng nghiệp nhận xét Thọ rất hiền, ít nói, ai chọc ghẹo cũng nhoẻn cười. Bởi vậy, khi nghe tin Thọ gây án, những người làm chung hết sức bất ngờ.
Phỏng đoán về nguyên nhân Thọ giết người, chủ cơ sở cho biết: “Tôi nghĩ là do rượu. Hôm đó Thọ nhậu say, không làm chủ được hành vi, rồi gây án. Những lời đồn đại ma mị là không đúng. Trong cơ sở của tôi có nhiều người trẻ tuổi, họ vẫn làm việc ổn định, không gặp trắc trở gì”.
Theo ông chủ cơ sở, những người trên 50 tuổi thường có kinh nghiệm, nắm rõ mọi quy tắc trong lúc cử hành ma chay. Bởi vậy họ thường là những tổ trưởng, chỉ huy lớp trẻ, gồm những thanh niên có sức khoẻ làm việc.
“Chúng tôi đi làm, có khi gặp nhà quá nghèo cũng phải làm từ thiện để tích đức. Dù cực khổ, khó khăn trăm bề nhưng đây là công việc có ích cho xã hội, mang ý nghĩa cao cả về mặt tâm linh. Những thanh niên đủ độ tuổi lao động là có thể theo nghề. Người trong nghề cũng không có chuyện kiêng kị theo độ tuổi như một số người đồn đoán”, chủ cơ sở khẳng định.
Ông Trần Tường (SN 1957, cha hung thủ) đồng ý quan điểm này: “Không phải con tôi ma nhập, chỉ vì hôm đó Thọ đã say, ông Thanh cứ chọc ghẹo chuyện con tôi mua có một lon bia nên nó mới gây án”./.