Macedonia: Bê bối nghe lén hàng nghìn thuê bao điện thoại

(PLO) -Vì lãnh đạo của 4 chính đảng đã họp, nhất trí tiến hành cuộc bầu cử sớm diễn ra vào ngày 11-12, nên 10 sỹ quan tình báo, trong đó có một số điệp viên cấp cao, vừa bị cơ quan chức năng quyết định đưa ra “trảm”. 
Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov
Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov

Theo đó, 10 người này bị cáo buộc lạm dụng chức quyền nhận hối lộ. Và theo công tố viên cho biết, việc cáo buộc đối với 10 đối tượng kể trên phải được thông báo trước khi Macedonia tiến hành cuộc bầu cử hôm 11-12-2016. 

Bê bối nghe lén

Các công tố viên cũng cho biết, ngoài 10 sỹ quan tình báo, khoảng 2.000 người khác cũng bị bắt do liên quan đến vụ bê bối nghe lén điện thoại, theo đó khoảng 6.000 thuê bao điện thoại đã bị theo dõi trong giai đoạn 2008-2015. Vụ nghe lén điện thoại kể trên từng khiến Macedonia rơi vào khủng hoảng chính trị hơn 1 năm qua.

Theo giới truyền thông, sau khi phe đối lập công bố (tháng 2-2015) đoạn băng ghi âm cho thấy nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Nikola Gruevski, có liên quan đến vụ bê bối nghe lén điện thoại, tham nhũng và dính dáng đến tội phạm, Macedonia lún sâu vào khủng hoảng chính trị.

Thủ tướng Nikola Gruevski bị cáo buộc nhận hối lộ 22 triệu USD để trao cho một số công ty Trung Quốc quyền xây dựng đường cao tốc. Ngày 26-3-2015, ông Zoran Zaev, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SDSM) đối lập đã cáo buộc Thủ tướng Nikola Gruevski nhận hối hộ khoảng 20 triệu euro từ các công ty Trung Quốc để xây dựng 2 tuyến đường cao tốc ở Macedonia; đồng thời coi đây là một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất tại Macedonia.

Và trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Nikola Gruevski đã phải từ chức sau gần 10 năm nắm quyền. Ngày 18-1, với 72 phiếu thuận trên tổng số 123 phiếu, các nghị sỹ Macedonia đã thông qua việc giải tán Quốc hội để mở đường cho bầu cử sớm. Theo đó, ông Emil Dimitriev được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời, thay thế Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức hôm 15-1. 

Căng thẳng lên cao

Nhưng tình hình Macedonia lại căng thẳng sau khi Tòa án Hiến pháp cho phép Tổng thống Gjorge Ivanov ân xá cho các chính trị gia bị cáo buộc gian lận bầu cử. Hơn 7 tháng trước (14-4), Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier từng chỉ trích quyết định ân xá của Tổng thống Gjorge Ivanov đối với các chính trị gia Macedonia trong vụ bê bối nghe lén.

Và theo ông Frank-Walter Steinmeier, quyết định của Tổng thống Gjorge Ivanov là điều "rất đáng quan ngại", nên đã kêu gọi Macedonia phải điều tra mọi cáo buộc về tội lạm quyền. Mỹ cũng cảnh báo động thái của Tổng thống Gjorge Ivanov có thể bảo vệ “những chính trị gia tham nhũng”.

Bởi theo quyết định hôm 12-4 của Tổng thống Gjorge Ivanov, 56 chính trị gia được ân xá cho dù họ bị cáo buộc có liên quan đến một vụ bê bối nghe lén. Tổng thống Gjorge Ivanov cho rằng, các chính trị gia quá bận rộn với việc cáo buộc lẫn nhau, nên ông quyết định đình chỉ mọi thủ tục tư pháp chống lại những người liên quan dù từ phía chính phủ hay phía đối lập.

Ngay sau quyết định của ông Gjorge Ivanov, người biểu tình đã đập phá một trong những văn phòng của Tổng thống Macedonia để phản đối. 

Lãnh đạo đảng SDSM Zoran Zaev tuyên bố, quyết định của Tổng thống Gjorge Ivanov là bất hợp pháp. Trước đó, ông Zoran Zaev còn cáo buộc chính phủ đã tiến hành nghe lén điện thoại của ít nhất 20.000 người, bao gồm cả các chính trị gia và nhà báo.

Đồng thời cho biết, đang sở hữu nhiều đoạn ghi âm bất hợp pháp do chính quyền của Thủ tướng Nikola Gruevski thực hiện. Trước sức ép của dư luận và những cáo buộc từ phe đối lập, Tổng thống Gjorge Ivanov buộc phải quyết định mở cuộc điều tra vụ bê bối nghe lén và Thủ tướng Nikola Gruevski nằm trong số những người bị điều tra.../.

Văn phòng Công tố đặc biệt Macedonia (SPO) đang điều tra vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Nội vụ Ljube Boskoski và đã chuyển hồ sơ lên tòa án hình sự Skopje.
Công tố viên Fatime Fetai đã đưa ra một số tình tiết cho thấy, những người thực thi việc bắt giữ đã có những hành vi phi nhân đạo đối với ông Ljube Boskoski, và 7 nghi can đều là quan chức cấp cao tình báo và cảnh sát.
Theo SPO, lý do chính dẫn đến việc bắt giữ ông Ljube Boskoski là do nghi ngờ cựu Bộ trưởng nhận tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của mình.