“Tôi chỉ có công đẻ, công dạy nó là của cô”
Các em là con em đồng bào dân tộc Hơ Mông, Thái, Thổ, Thanh… Những ngày đầu nhập trường, xa làng bản thân yêu tập trung về phố thị, các em còn rất nhiều bỡ ngỡ. Nhiều em dân tộc Thổ, dân tộc H’Mông nói tiếng Kinh vẫn chưa rõ, cái gì đối với các em cũng mới, cũng ngỡ ngàng. Nhiều em khóc ròng vì nhớ nhà, nhớ bản. Những lúc ấy giáo viên, các mẹ nhà ăn là người mẹ, các anh chị khoá trên là người anh thực sự của các em.
Bài học đầu tiên của học sinh nhập học chưa phải là những bài toán, bài văn mà là cách xếp chăn màn, quần áo, quét nhà, thậm chí cả cách dùng nhà vệ sinh như thế nào cho đúng. Trên giảng đường, các cô thủ thỉ với học sinh về cách giữ vệ sinh thân thể tuổi dậy thì, một số bệnh lý có thể gặp… Lúc ấy cô không còn là cô nữa, cô là mẹ hướng dẫn cho đứa con gái nhiều ngỡ ngàng, khi bước vào một giai đoạn mới trong đời. Rồi cứ thế những ngày tháng dần đầy lên với những uốn nắn ân cần, những chỉ bảo tận tâm. Các em ốm thì thầy cô là những người đưa đi viện, bất kể là 1-2 giờ sáng. Các em nhập viện thầy cô ôm chăn chiếu ra ngủ cùng. Mỗi giáo viên khi về trường đều đã thấm tình thương những đứa con vùng sâu vùng xa, vùng 135 nhiều thiệt thòi, khốn khó nên tự nguyện yêu thương, chăm chút như con cái.
Tôi cũng đã trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau, nhưng chưa thấy ở đâu tình yêu thương cô trò đã trở thành tình mẹ con một cách tự giác như ở môi trường này. Đáp lại tình yêu đó, học sinh và phụ huynh cũng yêu giáo viên bằng tình yêu ruột thịt. Tôi đã tràn nước mắt với món quà của phụ huynh từ một bản người H’Mông xa xôi giáp Lào, lặn lội về “bản Vinh” cho cô là hai con gà, chỉ nhỉnh hơn nắm tay và nói bằng thứ tiếng Kinh chưa thạo: “Tôi chỉ có công đẻ nó trong giường, công dạy nó là của cô. 25 Tết nó ốm cô còn đi chăm nó trong bệnh viện. Cô mà không cầm là ta khóc đó”, là đùm lạc luộc, củ nhỏ và không đều, củ già củ non như là lạc mót. Tôi cầm gói quà mà nghĩ hoài về tấm áo bạc, về bàn tay chai đã nâng niu thứ sản vật quý giá cho mình.
Mái trường của giáo dục toàn diện
Đó là phương châm được Ban Giám hiệu nhà trường và Chi bộ xác định ngay từ ngày đầu thành lập. Ở đây, học sinh học tập, vui chơi, rèn luyện và lao động là phương châm của nhà trường. Học sinh được học võ như là một môn bắt buộc để nâng cao thể lực. Tối thứ 7 hàng tuần, các em được học múa lăm vông, học vũ quốc tế, được xem phim màn ảnh rộng tuỳ theo chủ đề. Sân bóng chuyền, sân cầu lông luôn nhộn nhịp khi học sinh tan lớp.
Tận dụng lợi thế diện tích nhà trường rất rộng nên các em đã biến mảnh đất khô cằn từng ngày một thành vườn rau xanh tươi tốt. Hình ảnh thầy Hiệu trưởng và các giáo viên hướng dẫn các em bỏ phân, trồng rau đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Vì vậy không những cung cấp đủ lượng rau sạch cho bữa ăn của các em mà còn cung cấp cho các bếp ăn tập thể khác và bán cho giáo viên nhà trường. Chuồng lợn của trường cũng luôn đảm bảo số lượng từ 25-30 con, đủ xoay vòng mỗi tuần làm thịt 2-3 con. Bữa ăn học sinh từ đó được cải thiện đáng kể. Nhưng cao hơn hết là ý thức lao động, niềm vui và chân lý “có gieo mới có gặt” lặng lẽ mà thấm vào nhân cách từng học sinh đã được đào tạo tại ngôi trường thân yêu này.
Trường có 39 giáo viên, bên cạnh tâm huyết nghề nghiệp, những giáo viên của trường đều đạt và vượt chuẩn giáo dục. Có 26 giáo viên đã và đang theo học thạc sĩ. 24/39 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Có 3 giáo viên (thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đậu Trương, cô Hiệu phó Đậu Quỳnh Mai và cô Nguyễn Thị Hiền ) là giáo viên trung học cao cấp. Một đội ngũ giáo viên có trình độ, cộng với tình yêu và lòng nhiệt tâm với nghề, sự cần cù chịu khó và phương pháp học tập phù hợp nên chất lượng giáo dục của nhà trường được đánh giá cao.
Với trình độ đầu vào thấp, đào tạo con em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, nhưng bằng sự nỗ lực tuyệt vời của cả cô và trò, bằng phương châm gần gũi, động viên, cầm tay chỉ việc. Trong các kì thi học sinh giỏi tỉnh, các em phải thi bảng A cùng với những trường “khét tiếng” trên cả nước về chất lượng đào tạo như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT chuyên Đại học Vinh, THPT Đô Lương 1, THPT Huỳnh Thúc Kháng… nhưng trường luôn đạt top dẫn đầu. Nếu năm 2014 – 2015 trường xếp thứ 20 toàn tỉnh thì đến năm học 2015 – 2016 trường vươn lên xếp thứ 11 và năm học 2016- 2017 xếp thứ 9 với 2 giải nhất, 6 giải nhì, 5 giải ba và 1 giải khuyến khích. Số lượng học sinh thi đại học đậu vào các trường tốp đầu khá cao.
Trong đó có em Mạc Thị Tố Uyên, dân tộc Thái đạt 26 điểm Khối C được UBND tỉnh tuyên dương và khen thưởng, em Nguyễn Ngọc Ánh đạt 9,5 điểm môn Toán trong kì thi đại học. Hai năm liên tiếp học sinh của trường đạt giải nhì và giải ba trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Có được điều đó là nhờ sự lãnh đạo quyết liệt và luôn đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu của ban giám hiệu nhà trường, sự tâm huyết và phương pháp sư phạm “cứng” của giáo viên đứng lớp, sự cần cù, chịu khó của những học sinh vùng Tây xứ Nghệ.