Mai Văn Phúc nhận chức “trọn gói” nên dễ sa lầy?

(PLO) - Trước vành móng ngựa, trong lời khai về công và tội của mình, bị cáo Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc Vinalines - đã nói đầy cay đắng về quá trình nhận chức, bàn giao công việc của mình: "ký một chữ là xong, chưa đến 1 phút"
Mai Văn Phúc nhận chức “trọn gói” nên dễ sa lầy?
Bắt đầu phiên làm việc của ngày thứ hai xử phúc thẩm vụ án ở Vinalines, các luật sư tiến hành nội dung xét hỏi bị cáo. 
Bị cáo  Mai Văn Phúc là người đầu tiên đứng dậy trả lời các câu hỏi của luật sư.  Luật sư Hoàng Huy Được (Ls của bị cáo Phúc) nhấn mạnh quy trình mua ụ nổi ở Vinalines: “Kể từ khi nhậm chức đến khi ký tờ trình về việc mua ụ chỉ 2 tháng?”. 
Xác nhận chi tiết này, Phúc lý giải, tất cả vấn đề liên quan đến dự án đều được cấp dưới chuẩn bị, Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều trình lên. 
 Bị cáo Phúc cũng “thề”: Việc cử đoàn khảo sát ụ nổi 83M đi Nga, Phúc không có chỉ đạo gì với đoàn.
Liên quan đến quy trình “cực gọn” này, bị cáo còn cho biết việc bàn giao công việc khi ông nhậm chức Tổng GĐ Vinalines  cũng được làm theo phương thức “trọn gói”, chỉ cùng Dương Chí Dũng “ký một chữ là xong, chưa đến 1 phút”. 
Về lời tố cáo của Sơn liên quan đến chuyện “lại quả” ụ nổi, Mai Văn Phúc khẳng định không nhận lợi ích vật chất gì từ Sơn.
Bị cáo cũng phủ nhận ngay lời khai của Sơn cho rằng đã 3 lần giao tiền cho Phúc. Một trong những chứng cứ mà bị cáo đưa ra để phản bác là sự thiếu nhất quán trong lời khai của Sơn: Lần đầu Sơn khai 2 lần mang tiền đến nhà Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long, 1 lần ở nhà khu Thụy Khuê nhưng lần sau lại đổi lại là 1 lần mang về quê vì sau đó Sơn biết ngôi nhà ở Thụy Khuê Phúc và gia đình không ở, đã cho thuê từ lâu. 
Thêm một chi tiết Phúc cho rằng Sơn khai “láo” là bởi Sơn khai lần mang tiền về quê An Hồng, (An Dương, Hải Phòng) cho Phúc, khi đó con trai Phúc lái xe đưa vợ chồng Phúc về quê nhưng thực tế khi đó con trai Phúc đang du học ở Anh, không thể có mặt ở Việt Nam.
Truy vấn bị cáo Sơn về tình tiết này, Luật sư Được hỏi: Tết năm 2008, Sơn có mang tiền đến cho Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng, cụ thể đưa tiền vào ngày nào, Sơn nói không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ khoảng thời gian. 
Luật sư Được cũng nhắc lại việc Sơn khai 1 lần đưa tiền cho Phúc, Sơn rút tiền (2 tỷ đồng) tại Ngân hàng Hàng hải nhưng xác minh lại không có việc rút tiền này. Đáp lại ý kiến này, Sơn chỉ nói:  Giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.  
“Một vài lời khai có thể nhầm lẫn nhưng sự thật thì vẫn là sự thật” – Sơn khẳng định trước HĐXX.
Phủ nhận trách nhiệm của mình, bị cáo Phúc trình bày: Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được triển khai trước khi Phúc nhậm chức 14 tháng. Phúc cho rằng, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã xảy ra từ thời điểm đó. Nguyên Tổng GĐ Vinalines trước vành móng ngựa cũng cho rằng, trong quá trình tại nhiệm, đã cống hiến lớn (2 năm thu về 4000 tỷ đồng). 
Việc Trần Hải Sơn tham ô hơn 3 tỷ tại nhà máy sửa chữa tàu biển, ông Phúc lý giải TCty không biết, lãnh đạo Vinalines không biết vì đó là công ty riêng do Sơn làm chủ, không phải thành viên của TCTy.
Bảo vệ cho thân chủ cua mình, Luật sư Được đã phân tích về mối quan hệ của  hai Phúc và Dũng. Dựa vào lời khai của Sơn: “Tôi phải làm việc với từng sếp Dũng, Phúc vì biết 2 người này không ưa nhau, mâu thuẫn lớn, thậm chí kéo bè kết phái ở TCTy làm tổn hại đến công việc chung”, luật sư đặt câu hỏi: “Với quan hệ như thế thì liệu 2 ông Dũng, Phúc có cùng bàn bạc, thảo luận để cùng thống nhất một kế hoạch tham nhũng, tiêu cực?”./.

Đọc thêm