Đại diện VKS cho rằng, các bị cáo đều quanh co, đổ trách nhiệm cho người khác hoặc chỉ nhận trách nhiệm một phần. Tuy nhiên, qua lời khai và các chứng cứ, tài liệu khác thì đủ cơ sở để quy kết các bị cáo có hành vi Cố ý làm trái quy định trong việc lập, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam; Cố ý làm trái trong quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M; Hành vi cố ý làm trái trong việc giải ngân, thanh toán Hợp đồng mua ụ nổi giữa Vinalines và Công ty Ap- Singapore; Cố ý làm trái trong việc làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M. Các hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng, trong đó có khoản 1,6 triệu mà 4 bị cáo đã tham ô.
Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT) được xác định là đối tượng chủ mưu, là người ký quyết phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M và tham ô 10 tỷ đồng tiền “lại quả” từ Cty AP sau khi Cty này bán được ụ nổi.
Dũng bị đề nghị án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng bị đề nghị mức án trên là bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines). Bị cáo này được xác định là người có vai trò cầm đầu, là người ký tờ trình đề nghị HĐQT quyết định mua ụ nổi 83M.
Cũng theo đại diện VKS, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biểnVinalines) là đồng phạm giúp sức tích cực, tham gia Đoàn khảo sát, ký nháy vào báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M không đúng thực tế để hợp thức việc mua bán. Sơn bị đề nghị xử phạt 19- 20 năm tù về tội Tham ô tài sản và 9-10 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị 13- 14 năm tù về tội Tham ô và 8-10 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là bị cáo được đại diện VKS cho là “ăn năn, thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả”.
Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán Vinalines) bị đề nghị tuyên phạt từ 6 đến 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển Vinalines) bị đề nghị 8 - 10 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Lê Văn Dương (nguyên Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị đề nghị 6 - 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) bị đề nghị 6 - 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, KSV đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn có trách nhiệm bồi thường số tiền đã tham ô là hơn 28,2 tỷ đồng; Đồng thời, 10 bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường gần 367 tỉ đồng do đã làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Tranh cãi “ụ nổi” hay “tàu biển”
Trong phần xét hỏi của mình, một số luật sư đã tập trung làm rõ về việc ụ nổi 83M có phải là tài biểu và phải áp dụng tiêu chuẩn về tàu biển hay không. Bị cáo Lê Văn Dương, Đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam, thành viên Đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga cho rằng, ụ nổi không phải là tàu, thời điểm đó không có hướng dẫn đăng kiểm ụ nổi, chỉ có hướng dẫn giám định kỹ thuật tàu biển. Việc giám định ụ nổi phụ thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức của bản thân mà thôi.
Dương cũng thừa nhận việc mình tiến hành giám định ụ nổi chưa chu đáo vì chưa thấy ụ nổi lên mà đã báo cáo là ụ nổi được. Bị cáo này biện minh, do ụ nổi có nhiều hạng mục, mà thời giam xem xét không thể bao quát hết nên chỉ xem xét theo xác xuất.
Biện minh này khiến HĐXX phải “chấn chỉnh”, nếu bị cáo không có thời gian giám định toàn bộ thì bị cáo phải đề xuất đủ thời gian xem xét thì mới làm hết trách nhiệm. Lời khai của bị cáo tại CQĐT thể hiện rằng, việc đưa tàu lên ụ để sửa chỉ là giả tạo nhằm đánh lừa đoàn khảo sát
Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm VN cũng cho rằng, “ụ nổi không phải là tàu” và “việc Giám định viên tiến hành giám định kỹ thuật ụ nổi là làm dịch vụ, Đăng kiểm viên phải phản ánh trung thực tình trạng kỹ thuật của ụ nổi. Báo cáo Giám định của anh Dương cũng chỉ là 1 yếu tố để Vinalines tham khảo có mua ụ nổi hay không.
Tuy nhiên, nhiều lời khai tại phiên tòa cho thấy, báo cáo của Đoàn khảo sát đã phản ánh không đúng tình trạng thực tế của ụ nổi 83M. Bị cáo Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng đoàn khảo sát ụ nổi tại Nga khai, tình trạng kém chất lượng của ụ nổi đã được Đoàn khảo sát biết được khi sang Nga. Nếu theo Luật hàng hải thì ụ nổi này không mua được. Nhưng Đoàn đã có báo cáo mà một số nội dung không đúng thực tế, ví dụ như về máy phát điện, về tình trạng phao…