"Màn ảnh xanh Việt Nam" - cái bắt tay giữa điện ảnh và môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo TS. Ngô Phương Lan – Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, quá trình sản xuất phim có tác động lớn tới môi trường, cần phải có sự thay đổi.
TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tại sự kiện.
TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tại sự kiện.

Tại lễ phát động Chiến dịch Màn ảnh Xanh Việt Nam - Đường đến phát triển bền vững diễn ra vào chiều 5/1 tại Hà Nội, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) nêu câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải đặt vấn đề Màn ảnh xanh và Phát triển bền vững trong ngành điện ảnh?”.

TS. Ngô Phương Lan chia sẻ thẳng thắn, quá trình sản xuất phim có tác động lớn tới môi trường như khí thải từ phương tiện giao thông, việc xây dựng trường quay, hoạt động chiếu sáng, chuỗi cung cấp thực phẩm, chưa kể cả đoàn làm phim hàng trăm người giẫm đạp lên cảnh quan thiên nhiên.

“Sản xuất phim bền vững là khái niệm mà trong quá trình sản xuất phim, các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội được đặc biệt quan tâm để đưa ra quyết định có trách nhiệm với xã hội và môi trường ngay từ khi khởi động dự án và trong suốt quá trình làm phim”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Ngay tại sự kiện, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VFDA đề xuất một số tiêu chí của Màn ảnh xanh Việt Nam nhằm vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, có tiêu chí giảm lượng xe di chuyển, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, giảm rác thải từ ăn uống...

“Chiến dịch Màn ảnh xanh Việt Nam bắt đầu, chúng tôi dự kiến sẽ có những đợt ký cam kết giữa các hãng phim, các công ty điện ảnh và VFDA thực hiện 7 tiêu chí đề ra trong lễ phát động hôm nay. Song song với cam kết, Hiệp hội sẽ cùng với Netflix và các công ty khác, như Galaxy Play chẳng hạn, đồng hành với các hãng phim, các công ty điện ảnh bằng những hỗ trợ cụ thể”, bà Ngô Phương Lan cho biết.

Một nội dung quan trọng khác diễn ra trong sự kiện là phần ký kết một Biên bản ghi nhớ giữa VFDA và Netflix, với mục tiêu chính là xây dựng các chương trình và triển khai các hoạt động nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác có thời hạn 3 năm, từ 2022 đến hết 2024, trong đó có những nội dung chính gồm: Quảng bá điện ảnh Việt Nam, tổ chức các sự kiện điện ảnh, liên hoan phim/giải thưởng điện ảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam; Giới thiệu môi trường làm phim của Việt Nam ra thế giới nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam; Ươm mầm các tài năng cho nền điện ảnh Việt Nam qua các hoạt động nâng cao năng lực, đào tạo, các cuộc thi...; Thực hiện nghiên cứu và đóng góp ý kiến về chính sách phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.

Bà Nguyệt Nguyễn Phillips, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á – Netflix cho biết thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng và đóng vai trò không nhỏ trong dòng chảy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, nói riêng cũng như nền kinh tế sáng tạo, nói chung trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Do đó, Netflix mong muốn được đóng góp và hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam phát triển cũng như quảng bá văn hóa – nghệ thuật Việt Nam ra quốc tế.

Trong năm vừa qua, Netflix đã đồng hành cùng các bộ, ban, ngành Việt Nam và các đối tác cùng triển khai nhiều sự kiện nổi bật nhằm phát triển và quảng bá điện ảnh Việt Nam như Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, chương trình Thanh âm diệu kỳ - tìm kiếm tài năng lồng tiếng Việt Nam, Tuần phim Việt Nam tại sự kiện EXPO 2020 Dubai, sáng kiến Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh – Kinh tế sáng tạo Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, cuộc thi phim ngắn Màn ảnh xanh cũng được phát động nhằm lan tỏa hơn nữa thông điệp mà ban tổ chức muốn chia sẻ. Tác phẩm dự thi có thời lượng dưới 10 phút, kể một câu chuyện hư cấu hoặc phim tài liệu phản ánh một vấn đề thời sự về phát triển bền vững từ việc bảo vệ môi trường.

Đọc thêm