Báo cáo cho rằng sự phát triển quá nhanh của công nghệ trong khi công tác quản lý chưa theo kịp đã khiến không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho một số hành vi vi phạm pháp luật.
Ý thức của một số người sử dụng còn hạn chế. Một số người khi tham gia sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”. Những người này dùng tài khoản ảo, nặc danh để phát ngôn với suy nghĩ “không sợ bị phát hiện, xử lý”.
Cũng theo báo cáo, hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới chưa đáp ứng sự phát triển của thực tiễn. Nguồn lực cả về nhân sự lẫn phương tiện, công cụ của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng còn mỏng về số lượng, chưa đáp ứng tình hình phát triển.
Về giải pháp, Bộ TT&TT cho biết sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch áp dụng biện pháp hạn chế sự xuất hiện, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người nổi tiếng trên báo chí, mạng xã hội khi những người này vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; “để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt, lan tỏa thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các lực lượng sẽ tăng cường phát hiện và xử lý thông tin vi phạm, chủ động rà soát, phát hiện kịp thời nguồn phát tán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý với những người làm video để kiếm tiền.
Báo cáo cũng nêu rõ các nền tảng xuyên biên giới phải áp dụng rà quét, chặn lọc tự động quảng cáo trực tuyến vi phạm trên các nền tảng do họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thay vì gỡ thụ động như trước đây.
Những nhận định, giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra như trên là hoàn toàn chính xác, là vấn đề nhức nhối bấy lâu nay cần phải giải quyết dứt điểm. Internet hay mạng xã hội không xấu, mà có những đặc điểm rất hữu ích tích cực, ra đời nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng sử dụng internet hay mạng xã hội chỉ để “câu view”, kiếm tiền, để thỏa mãn những sự khoe khoang “đánh bóng” có mục đích, hay lan truyền những kiến thức, quan niệm lệch lạc, lố lăng, nhí nhố… thì hậu quả khôn lường, “đầu độc” tinh thần tư tưởng người tiếp xúc. Cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể, chế tài rõ ràng, biện pháp căn cơ, động thái xử lý vi phạm quyết liệt; nhằm chứng minh khẳng định cho những người làm nội dung hay tham gia, sử dụng internet thấy rõ là “mạng ảo nhưng trách nhiệm thật”. Để từ đó phát huy tối đa những mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của internet, mạng xã hội.