Khi phim hoạt hình khiến trẻ “nhiễm độc”
Nhiều bậc cha mẹ vẫn tin rằng, phim hoạt hình mặc định là dành cho trẻ em. Với hình ảnh đáng yêu, màu sắc tươi sáng, phim hoạt hình dễ dàng thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ và không ít bậc cha mẹ yên tâm giao phó thời gian giải trí của con cho các bộ phim này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nội dung độc hại, từ bạo lực đến tình dục, khỏa thân, hoặc các thông điệp không phù hợp với độ tuổi của trẻ núp bóng trong những bộ phim hoạt hình tưởng chừng vô hại.
Thời gian trước, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng và bức xúc trước sự xuất hiện của chuỗi video mang tên “Skibidi Toilet” trên YouTube. Mặc dù được gắn nhãn "Made for kids" - nhãn chỉ định nội dung dành riêng cho trẻ em, nhưng loạt video này lại chứa đựng những yếu tố bạo lực, hình ảnh kinh dị và hành động kỳ quái. Những cảnh tượng như người bị biến dạng hay các pha hành động gây sốc khiến trẻ em không chỉ hoảng sợ mà còn chịu ảnh hưởng xấu đến tâm lý về sau
.
Trên mạng xã hội còn nhan nhản những phim hoạt hình có nội dung “lạ”, mang danh dành cho trẻ em nhưng gây hại cho trẻ. Anh Lê Văn Linh, giáo viên tiểu học, sống tại Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bình thường khi con xin xem phim hoạt hình, tôi vẫn dễ dàng cho phép vì nghĩ trong các loại video giải trí thì hoạt hình tương đối “an toàn”. Tuy nhiên, mới đây, tình cờ ngồi xem cùng con một bộ phim hoạt hình do một kênh Youtube trong nước sản xuất, tôi mới bàng hoàng vì nội dung làm rất cẩu thả, hình ảnh nhân vật được diễn tả méo mó, phi logic, hành xử kém, thậm chí nội dung còn rất mê tín dị đoan”.
Các chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng việc tiếp xúc với những nội dung độc hại như bạo lực, tình dục, kinh dị, những thông tin sai lệch... có thể gây ra nhiều vấn đề về tâm, sinh lý cho trẻ em. Hệ quả xảy đến có thể là gây ra những cơn ác mộng, lo âu đến các hành vi bất ổn trong cuộc sống hằng ngày. Trẻ em, vốn còn non nớt về khả năng nhận thức và phân biệt đúng - sai, rất dễ bị tổn thương. Những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn làm xáo trộn sinh hoạt, dẫn đến sự suy giảm trong việc học tập và giao tiếp xã hội.
Vấn đề nằm ở chỗ, việc gắn nhãn "dành cho trẻ em" đã khiến không ít phụ huynh chủ quan, tin tưởng rằng đây là nội dung an toàn mà không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cho con mình xem. Đây là một hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của việc theo sát và kiểm soát nội dung giải trí mà trẻ em đang tiếp cận trên mạng.
Cần phải định hướng cho con
Phim hoạt hình, clip thiếu nhi không phải là nội dung giải trí duy nhất tiềm ẩn nguy cơ. Trẻ em ngày nay còn có thể tiếp cận rất nhiều thể loại khác nhau như video trò chơi, chương trình thực tế, hoặc các video review trên mạng xã hội, các kênh gây hài, chơi khăm... Không ít trong số đó có các nội dung xấu như tôn vinh hành vi bắt nạt, sử dụng từ ngữ thô tục hoặc khuyến khích lối sống thiếu lành mạnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi trẻ chưa đủ khả năng phân biệt đúng - sai, dễ dàng bị cuốn theo những hình mẫu tiêu cực mà con trẻ xem hàng ngày.
Theo các chuyên gia tâm lý, để trẻ phải từ bỏ mạng xã hội là không thực tế với xu thế hiện nay, thay vào đó, phụ huynh cần phát huy vai trò định hướng cho con mình. Làm được điều này, trước hết, cha mẹ cần nhận thức rõ rằng không phải tất cả nội dung “dành cho thiếu nhi” trên mạng đều an toàn cho con. Phụ huynh phải là “bộ lọc”, là người theo sát, kiểm tra, ngăn cản con xem những nội dung tiêu cực, giúp con lựa chọn những nội dung lành mạnh, phù hợp với độ tuổi.
Hiện nay có nhiều phần mềm lọc nội dung giúp ngăn chặn các nội dung độc hại hoặc không phù hợp xuất hiện trên thiết bị của trẻ. Ngoài ra, các nền tảng giải trí dành riêng cho trẻ em cũng cung cấp nhiều lựa chọn an toàn hơn so với các nền tảng thông thường. Quan trọng hơn, phụ huynh cần dành thời gian để cùng con khám phá thế giới giải trí trực tuyến, trò chuyện và giải thích cho con về những gì con đang xem. Điều này không chỉ giúp bảo vệ con trước những nội dung tiêu cực mà còn giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về sở thích và tâm lý của con.
Trong quá trình định hướng, việc đặt ra các quy tắc và giới hạn về thời gian sử dụng Internet cũng là điều cần thiết. Trẻ cần được giáo dục về việc sử dụng mạng một cách có trách nhiệm, biết tự bảo vệ mình trước những nội dung xấu và biết cách chọn lọc thông tin. Thay vì để con tự do tiêu thụ nội dung giải trí một cách thụ động, phụ huynh nên khuyến khích con phát triển tư duy phản biện, biết nhận diện và từ chối những nội dung không lành mạnh.