Mắng em dâu 'đồ con đĩ', anh chồng gây họa lãnh án 12 tháng cải tạo

(PLO) -“Lúc đầu, vốn dĩ là chuyện trong gia đình, nhưng giờ đã thành câu chuyện của xã hội. Chuyện không đáng, mà để anh em phải dẫn nhau ra tòa. Người phải đứng trên, người phải ngồi phía dưới. Bản thân tôi xử lý vụ án, cũng cảm thấy đau lòng thay”, vị kiểm sát viên cám cảnh.
Tòa tuyên bị cáo mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ

Tòa hỏi cả bị cáo lẫn bị hại, trước đây có hay xảy ra mâu thuẫn? Cả hai lắc đầu “chối”, chưa từng có mâu thuẫn gì. Theo bị cáo, tối đó do bị cáo có uống chút bia rượu, nên mới có lời lẽ không hay xúc phạm vợ em trai.

Tòa hỏi bị cáo: “ Vì sao bị cáo lại gọi em dâu mình là “đồ con đĩ”?”. Bị cáo ngượng ngùng, ấp a ấp úng rồi cúi thấp đầu không chịu trả lời. Ngồi bên dưới, vợ bị cáo dấm dúi kể, do chồng chị đi ra ngoài gặp bạn bè. Nghe được những lời đàm tiếu không hay về cô em dâu nên thấy tức giận thay cho em trai mình. Tính chồng chị vốn hiền lành, không biết nói năng, thay vì gọi em trai ra nói chuyện thiệt hơn, thì anh lại chĩa mũi dùi vào em dâu, thành ra mới dẫn đến xô xát.

Lời mạt sát gây họa

Chiều nghiêng nghiêng nắng. Hai cặp vợ chồng một trước một sau lặng lẽ đến tòa. Người anh Hồ Ngọc Quảng (45 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) là bị cáo trong vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, mà vợ chồng người em chính là bị hại. Phiên tòa vẫn chưa bắt đầu, nên khán phòng chỉ có hai vợ chồng người anh – bị cáo, và hai vợ chồng người em – bị hại. 

Bị cáo Quảng ngồi ở chiếc ghế kê sát vào tường. Vợ bị cáo ngồi chênh chếch ở dãy ghế bên cạnh. Chị cố gắng ngồi gần chồng nhiều nhất có thể, như cố sức động viên chồng. Bị cáo mặt hiền khô. Ngồi ở một góc riêng dành cho mình, khuôn mặt bần thần. Anh bảo, lần đầu tiên đến những nơi như thế này, nên trong lòng hơi run. Như khẳng định lời mình nói, hai tay anh cứ nắm chặt vào nhau, vặn vẹo.

Hàng ghế dành cho người bị hại là chỗ ngồi của vợ chồng người em. Là anh em ruột thịt, nhà lại ở sát vách nhau, nhưng gặp nhau ở tòa, cả hai đều đưa mắt nhìn hai hướng. Hai anh em chẳng ai chào ai. Hai người vợ cũng ngoảnh mặt làm ngơ như không hề quen biết.

Vụ án thể hiện, bị cáo và bị hại là hai anh em ruột. Nhà bị cáo với bị hại sát nhau, trên cùng một thửa đất của cha mẹ, có lối đi chung. 

Khoảng 8h tối 3/4/2017, lúc Quảng đi nhậu về ngang qua nhà em trai, thấy vợ chồng em trai đang ở trong nhà, Quảng liền chửi vợ em trai là “đồ con đĩ”. Người em trai nghe anh ruột xúc phạm vợ mình nên tức giận, bước ra to tiếng với Quảng. Hai bên lời qua tiếng lại một lúc thì xảy ra đánh nhau. 

Người cha 83 tuổi, cùng vợ Quảng xông vào can ngăn. Vợ chồng người em liền đi vào nhà đóng cửa lại. Trong khi đó anh Quảng chạy về nhà mình lấy một con dao rồi sang nhà em trai. Quảng dùng dao chém vào cửa chính làm vỡ 4 tấm kính. Sau đó tiếp tục chém vào cửa sổ làm vỡ một tấm kính cường lực rồi bỏ về nhà. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 4,5 triệu đồng. Quá trình điều tra vụ án, bị cáo đã bồi thường đầy đủ.

Tòa hỏi cả bị cáo lẫn bị hại, trước đây có hay xảy ra mâu thuẫn? Cả hai lắc đầu “chối”, chưa từng có mâu thuẫn gì. Tòa hỏi bị cáo, sống ở địa phương, có hay gây gổ với hàng xóm không? Bị cáo nói không hề. Theo bị cáo, tối đó do bị cáo có uống chút bia rượu, nên mới có lời lẽ không hay xúc phạm vợ em trai. Tòa hỏi bị cáo: “ Vì sao bị cáo lại gọi em dâu mình là “đồ con đĩ”?”. Bị cáo ngượng ngùng, ấp a ấp úng cúi đầu không chịu trả lời. 

Tòa hỏi người em dâu: “Chị có biết vì sao bị cáo lại gọi chị như vậy không?”. Chị lắc đầu bảo không biết. “Nguyên nhân chỉ có bị cáo mới hiểu”, người em dâu nói. Chị bảo mình với anh chồng trước đây chẳng hề xích mích gì, nên không biết vì sao anh trai của chồng lại nhục mạ chị.

Bị cáo khai, hôm đó cả hai vợ chồng người em trai đều xông vào đánh bị cáo rất nặng, khiến bị cáo bầm dập mặt mày, mắt tụ máu, mũi sưng phù, lỗ tai cũng chảy máu, bác sĩ kết luận là thủng màng nhỉ. Tòa hỏi có giấy khám sức khỏe chứng minh không? Bị cáo bảo không, vì hôm đó một người bạn là bác sĩ khám và chữa giúp. Bị cáo nói anh em trong nhà xô xát, không muốn làm lớn chuyện, nên bị cáo không yêu cầu giám định thương tích. Nhưng không ngờ mọi chuyện lại phải giải quyết tại tòa. 

Vợ bị cáo bảo, “nhà bên kia” sau khi sự việc xảy ra chưa đâm đơn ngay, mà phải đợi chồng chị sức khỏe “đâu ra đấy” rồi mới yêu cầu khởi tố. Ghê lắm. Chị bảo hôm đó, chồng chị bị vợ chồng em trai đánh te tua. Chị vào can, cũng bị em chồng đánh cho mấy phát khiến rách tay, đến giờ vẫn còn sẹo. Nói đoạn, chị còn kéo tay áo lên, khẳng định vết sẹo vẫn còn nằm nguyên ở đấy.

Lời khuyên chí tình của kiểm sát viên

Bị cáo sinh ra trong gia đình có 4 anh em. Bị cáo là con thứ 3 trong nhà. Sau khi học hết lớp 9, bị cáo nghỉ học ở nhà, rồi đi làm nghề phụ thợ sơn. Sau này bị cáo sang Lào làm thuê, trông coi, quản lý trang trại cho người ta, một vài tháng lại về thăm nhà 1 lần. Do lập gia đình muộn, nên ba đứa con của bị cáo vẫn còn rất nhỏ. Đứa lớn nhất mới 6 tuổi, đứa út mới lên 2. Vợ bị cáo làm nghề uốn tóc. Hai vợ chồng sau khi kết hôn thì ra riêng, thuê nhà ở trọ suốt 6 năm trời. Hai năm trước, vợ chồng bị cáo mới xây nhà (trong thửa đất của cha mẹ bị cáo), cuộc sống chung đụng cũng từ đó mà nảy sinh mâu thuẫn.

Vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa cám cảnh: “Chuyện không đáng, mà để anh em phải dẫn nhau ra đây. Người đứng trên, người ngồi dưới, xót xa biết bao nhiêu. Nhưng không có phiên tòa nào lớn hơn phiên tòa trong tâm của hai người. Bản thân tôi làm vụ án này cũng thấy đau lòng. Anh cầm dao, nếu em không đóng cửa, chuyện gì sẽ xảy ra? Vốn dĩ lúc đầu chỉ là câu chuyện riêng của gia đình anh, nhưng giờ đã thành câu chuyện của xã hội. Con người có thể vấp ngã, nhưng phải biết nhận ra cái sai, để sống tốt hơn”. Những chia sẻ thấm thía trên khiến không gian phòng xử trầm xuống hẳn.

Bị hại làm nghề gò hàn. Mỗi ngày tiếp xúc thường xuyên với âm thanh lớn, nên thính giác có phần hạn chế, nghe không được rõ. Tòa hỏi bị hại: “Bị cáo đã gây ra thiệt hại cho anh. Tại thời điểm này anh có xem bị cáo là anh trai mình không?”. Bị hại nói “có”.

Tòa: “Anh mình có hành vi như thế, nhưng đã hối hận, cũng đã đền bù. Anh có đề nghị tòa xem xét giảm án không?”. Người em trai im lặng. Cho rằng bị hại do “nghe không được rõ”, nên tòa mời vợ bị hại trả lời thay. Đến lúc này, chị mới nhắc chồng bảo “xin giảm nhẹ”, sau đó đứng dậy tự trả lời, muốn xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo.

Giờ nghị án, vài người dự khán khuyên nhủ vợ bị cáo và vợ bị hại, bà con xa hơn láng giềng gần, huống hồ bị cáo với bị hại là anh em ruột thịt. Để mối quan hệ giữa hai anh em trai tốt đẹp, hai người vợ cũng đóng vai trò rất lớn trong việc hóa giải những xích mích. Vợ bị hại: ““Cây muốn lặng, mà gió chẳng ngừng”, biết làm sao”.

Bên kia, vợ bị cáo thì thở dài. Từ ngày xảy ra chuyện, anh em chẳng thể đi chung một cửa, mà phải trổ đường đi mới. Ra vô chạm mặt nhau cũng chẳng còn chào hỏi. Lạnh còn hơn người dưng. Tình cảm anh em vì thế cũng nguội lạnh. 

Tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm cải tạo không giam giữ, vợ chồng bị cáo thở phào mừng rỡ.

Vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa cám cảnh: “Chuyện không đáng, mà để anh em phải dẫn nhau ra đây. Người đứng trên, người ngồi dưới, xót xa biết bao nhiêu. Nhưng không có phiên tòa nào lớn hơn phiên tòa trong tâm của hai người. Bản thân tôi làm vụ án này cũng thấy đau lòng. Anh cầm dao, nếu em không đóng cửa, chuyện gì sẽ xảy ra? Vốn dĩ lúc đầu chỉ là câu chuyện riêng của gia đình anh, nhưng giờ đã thành câu chuyện của xã hội. Con người có thể vấp ngã, nhưng phải biết nhận ra cái sai, để sống tốt hơn”.

Đọc thêm