Ám ảnh về nỗi khổ cực của trẻ em vùng cao…
Ngôi nhà của bà nằm yên bình, lặng lẽ trong một con ngõ nhỏ sầm uất với đủ các loại hình kinh doanh. Nhưng chủ nhân của ngôi nhà lại vốn là một người rất sôi nổi với việc tham gia đủ các loại hình nghệ thuật từ khi bà còn là một cô gái trẻ. Lựa chọn nghề giáo, tưởng an nhàn nhưng lại vô cùng khó khăn. Bà kể, ngày ấy, ngoài giờ làm nhà nước, ngày nào bà cũng phải đi đan thêm áo, đi dệt len và may đồ để trang trải cuộc sống.
Trong một lần đi thực tế tại vùng cao, những đứa trẻ trần truồng hiện diện ngay trước mắt làm tim bà đau thắt. Bà bảo, những hình ảnh đám trẻ con dân tộc thiểu số trên một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, bàn chân trần đứng co ro trong tiết trời dưới 0 độ C, có cháu trần truồng, có áo không quần, có quần không áo, hay mặc những bộ quần áo mỏng tang, lạnh có thể xuyên thấu khiến bà mất ăn, mất ngủ nhiều ngày.
Bà lặng người đi khi nghĩ rằng, sao cùng là con người mà bọn trẻ con ấy lại khổ thế. Nước mắt bà cứ lặng lẽ lăn dài khi chứng kiến hình ảnh đứa học sinh 19 tuổi của bà mà đã có 4 người con, cả bữa ăn cơm chỉ có một nồi mèn mén và mỗi người cũng chỉ có một chiếc muôi để múc từ nồi đưa lên miệng. Những hình ảnh đó đã trăn đi trở lại mãi trong bà ngay cả khi đã rời vùng cao về Hà Nội.
Thời ấy, còn khó khăn nên bà cũng chưa biết làm cách nào để giúp đỡ những đứa trẻ, những gia đình khốn khó ấy. Nhưng cứ đi đến nhà bạn bè, thấy có quần áo cũ, dư thừa là bà lại xin lại, nhặt nhạnh mỗi nơi một chút để chờ khi có người lên vùng cao bà lại gửi mang theo. Những lúc gửi được ít đồ đi bà mới thở phào nhẹ nhõm nhưng chưa được bao lâu, bà lại ngay lập tức nghĩ đến chuyện tiếp tục cóp nhặt đồ cho trẻ con vùng cao.
Cứ cần mẫn như thế cho tới năm 2010, thời điểm bà phát hiện trong mình có một khối u ngay ở cổ. Phẫu thuật cắt bỏ khối u, kết quả sinh thiết cho thấy đó là khối u ác tính. Bà cũng hoang mang tột độ khi biết bệnh tật của mình. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, bà xác định chung sống với trọng bệnh. Chỉ trăn trở chuyện áo ấm cho trẻ con vùng cao, không còn nhiều sức khỏe để đi lại nữa, sẽ tính như thế nào.
Không còn đủ sức mới dừng đan…
Bà lại nhớ đến nghề đan áo ngày khó khăn và nghĩ rằng, dù chỉ ở trong nhà bà cũng vẫn có cách giúp đỡ trẻ con vùng cao. Thế là bà mua len và bắt đầu hành trình 365 ngày đan áo mỗi năm. Mỗi ngày bà ngồi được khoảng 4-5 tiếng để đan áo. Mệt thì bà nằm ngay xuống chiếc ghế, duỗi chân, duỗi tay ra vài cái lại ngồi dậy, tiếp tục công việc. Cứ thế, mỗi năm bà đan được khoảng 50-60 cái, xong lại tìm cách gửi đi cho bọn trẻ.
Nhìn bà 83 tuổi, mái tóc bạc trắng, từng tiếng nói cất lên cũng khó nhọc do khối u chèn vào thanh quản, phải cắt toàn bộ tuyến giáp và tuyến nước bọt nhưng vẫn miệt mài làm việc thiện khiến chúng tôi càng khâm phục. Bà bảo mỗi ngày bà phải tiêm 2 ống thuốc, uống 8 viên thuốc nhưng bà vẫn thấy khỏe mạnh. Trước đây, mỗi sáng bà đi bộ ra Bờ Hồ hít thở không khí, tập dưỡng sinh, đánh cầu lông với các ông, các bà trong hội người cao tuổi. Mãi tới năm bà 80 tuổi, thấy đuối sức mà bà mới thôi chơi cầu lông.
“Bạn thử tưởng tượng ra một người ham mê các hoạt động xã hội, yêu thích ca hát, khiêu vũ mà phải ngồi một chỗ sẽ như thế nào?” - bà Doanh hỏi ngược lại khi thấy chúng tôi thắc mắc về việc bà vẫn hoạt động thể thao, bất chấp bệnh tật trong người. Chưa đợi câu trả lời, bà lôi quyển album ra, lật từng ảnh, kể cho chúng tôi nghe các hội diễn mà bà đã tham gia.
Nào là tham gia biểu diễn chào mừng 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội; rồi tham dự hội thi Dàn hợp xướng quốc tế năm 2011, tham gia các hội diễn văn nghệ trong năm 2012. Bà chỉ chịu dừng lại 3 năm trở lại đây, khi cảm thấy mình không còn đủ sức để tham gia.
Nhưng đan len thì có lẽ bà vẫn tiếp tục, bởi con người bà ham lao động, làm việc quen rồi. Bà bảo, mỗi phút giây đan len bà thấy yêu cuộc sống này hơn. Những lúc ấy lại nghĩ đến trẻ con vùng cao, nhớ đến ánh mắt, nụ cười của chúng khi được nhận những chiếc áo mới, cánh tay bà lại thoăn thoắt hơn, để những chiếc áo hoàn thành sớm hơn.
Bây giờ mỗi ngày của bắt đầu từ 2h sáng, bà ngồi thiền vài tiếng, sau đó là tập các động tác tay, chân, mỗi động tác 10 lần. Tính ra mỗi ngày bà tập tới 300 lần. Bà bảo, để chung sống hòa bình với bệnh tật trong người và tiếp tục có sức khỏe làm việc thiện phải biết yêu bản thân mình. “Khi biết yêu bản thân, mình sẽ có cách làm cho cuộc sống của mình ý nghĩa hơn” - bà Doanh chia sẻ.
Nhờ những tâm sự của bà mà chúng tôi hiểu hơn sức khỏe bà lấy từ đâu, động lực của bà bắt nguồn từ đâu, để một người đã ở vào tuổi 83, mang trong mình bệnh trọng nhưng vẫn miệt mài làm việc thiện mỗi ngày…