“Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”
Đó là hàng chữ ấn tượng đập vào mắt bất cứ ai khi đến quầy hàng được đặt ngay phía trước số nhà 02/39 Phạm Ngọc Thạch. Đây được xem là quầy hàng miễn phí dành cho người nghèo đầu tiên ở Bình Định.
Ngay sau khi hoạt động từ ngày 3/1/2017 và được chia sẻ trên mạng xã hội, quầy hàng miễn phí nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người, đến đóng góp quần áo và các vật dụng gia đình; đồng thời nhiều người nghèo khó cũng tìm đến để chọn những vật dụng, bộ quần áo sạch sẽ, mới cho mình và người thân.
Chị Mai Ngọc Nhơn (30 tuổi), hiện đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, người sáng lập ra quầy hàng miễn phí này, chia sẻ: “Do công việc của tôi thường xuyên đi làm từ thiện nên ý tưởng lập quầy hàng miễn phí tại quê nhà được nung nấu rất lâu rồi. Khi tôi trao đổi ý tưởng này với bố mẹ và bạn bè thì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, vậy là trong dịp nghỉ Tết Dương lịch về thăm nhà, tôi quyết định bắt tay vào thực hiện”.
Theo chị Nhơn, hiện nay còn rất nhiều mảnh đời khó khăn, nhất là người dân lao động, những bệnh nhân nghèo khó. “Tôi chỉ là người tạo ra môi trường, còn người cho và người nhận thì tự họ tìm đến. Mọi người tự ý thức và san sẻ lẫn nhau. Hi vọng, người đến quầy để nhận nhiều hơn người cho và cầu mong cái Tết ấm áp cho nhiều mảnh đời còn khó khăn, thiếu thốn”, chị Nhơn chia sẻ.
Nói rồi, chị Nhơn bảo: “Vừa qua, người dân Bình Định lâm vào cảnh lao đao khi chống chọi với 5 trận lũ. Tết đang đến rất gần nhưng nhiều mảnh đời vẫn gắng vượt qua nỗi đau để khắc phục sự cố. Quầy hàng này chỉ là sự chia sẻ nhỏ nhặt nhất mà tôi muốn gửi gắm với quê nhà”.
Dù mới “ra mắt” chưa đầy một tuần nhưng đã có gần 100 người quen của gia đình chị Nhơn và những tấm lòng thơm thảo khác ở Quy Nhơn trực tiếp đem đồ đến ủng hộ, chưa kể nhiều người ở xa gửi hàng qua bưu điện. Ngoài ra, chị Nhơn còn quyên góp tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó phân loại, đóng thùng gửi về Quy Nhơn.
Chia sẻ với người nghèo
Bà Mai Thị Ngọc Quý (61 tuổi, mẹ chị Nhơn) cho biết: “Do công việc của con tôi đi làm xa nhà nên trong dịp về thăm, cháu quyết định bắt tay vào thực hiện quầy hàng miễn phí, vợ chồng tôi rất ủng hộ. Tuy là đồ cũ, nhưng chúng tôi luôn sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ rồi đặt lên quầy theo phân loại đồ nam, đồ nữ, đồ trẻ em để người đến lấy dễ dàng lựa chọn, đồng thời thể hiện sự tôn trọng họ”.
Nói rồi, bà Quý tâm sự: “Quy định là mỗi người chỉ được lấy 3 bộ quần áo, nhưng đối với những trường hợp nghèo khó, ở vùng sâu vùng xa thì chúng tôi khuyến khích họ lấy thêm, để cho gia đình họ và cả những gia đình khó khăn khác ở gần nhà. Vừa rồi có 2 công nhân đến đây mặc quần áo rách rưới, tôi thấy thương lắm nên lựa cho họ mỗi người 10 bộ, một phần để họ mặc, một phần họ gửi san sẻ cho những công nhân khó khăn khác”.
Ông Bành Kim Anh (70 tuổi, hàng xóm bà Quý, cũng là người bà Quý nhờ trông coi quầy hàng lúc bà không có nhà) thổ lộ: “Tôi thực sự rất cảm động, vì với quầy hàng này, những người nghèo có cơ hội được sử dụng những bộ quần áo hay vật dụng còn mới, còn giá trị sử dụng. Tôi chứng kiến, nửa đêm có chị đi nhặt ve chai ngang qua thấy quầy hàng cũng dừng lại lựa cho gia đình vài bộ quần áo rồi mới đi nhặt ve chai tiếp”.
Quầy hàng miễn phí trước số nhà 02/39 Phạm Ngọc Thạch. |
Bà Dương Thị Hoa (68 tuổi, vợ ông Anh) cho biết: “Khi quần áo được nhiều người đem đến ủng hộ, tối đến bà con trong khu phố tập trung cùng phụ giúp phân loại để đặt lên quầy. Có nhiều bộ quần áo còn rất mới hoặc chưa mặc nhưng nhiều người vẫn đem đến ủng hộ để chia sẻ với người khó khăn”.
Nhờ người quen giới thiệu, chị Vương Thị Tâm (49 tuổi, quê ở xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đang giúp việc nhà cho một gia đình ở Quy Nhơn tranh thủ đến quầy hàng để lựa quần áo cho mọi người trong gia đình.
“Chồng tôi bị bệnh, 6 người trong gia đình chỉ trông chờ vào tiền công giúp việc nhà của tôi, mỗi tháng được 4,5 triệu đồng, nên lo cái ăn đã chật vật nói chi đến cái mặc. Đến quầy, tôi lựa được nhiều bộ quần áo còn rất mới cho mọi người trong gia đình. Vậy là Tết này ai cũng có quần áo mới để mặc mà không phải tốn tiền để mua”, chị Tâm cho hay.
Tròn 5 năm tá túc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định vì căn bệnh suy thận, chị Võ Thị Bích Thủy (45 tuổi, quê ở phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) sống cuộc sống thiếu thốn. Phát hiện bệnh cách đây 8 năm nhưng vì gia cảnh nghèo khó, chồng chết sớm, 2 đứa con còn nhỏ dại nên không điều trị. Cách đây 5 năm, vì bệnh tình khá nặng, người thân khuyên bảo nên chị mới đến đây chạy thận, rồi tá túc ở đây. Mỗi ngày trôi qua, chị đi nhặt ve chai, rồi ai cho gì chị nhận nấy để sống qua ngày.
“Tôi nghe mọi người trong bệnh viện nói ở đây có quầy quần áo miễn phí nên ghé xin vài bộ. Tết đến rất gần rồi nhưng quần áo của tôi chẳng có bao nhiêu. Thực sự, nhờ quầy hàng này mà tôi có thêm được quần áo, chứ không đủ tiền trang trải thuốc men chữa bệnh tiền đâu mà mua”, chị Thủy chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Quý kể về câu chuyện đầy xúc động và thể hiện lòng tự trọng của một cụ ông khi ghé qua quầy hàng miễn phí. Theo đó, khi quầy vừa mới mở cửa, có một cụ ông đi xe đạp qua và dừng lại quầy hàng. Gia đình bà Quý, có mời ông cụ lại nhận đồ tại quầy và nhờ cụ giới thiệu người xung quanh có nhu cầu đến nhận. Thế nhưng, cụ chỉ gật đầu và ra về. Buổi chiều cụ quay lại, cụ chìa tay đưa cuốn sổ chứng nhận hộ nghèo được gói ghém rất cẩn thận và cụ nói, cụ có sổ cho cụ nhận.
“Lúc đó, cụ chỉ lấy 3 bộ quần áo, thực sự thấy rất quý cụ vì giàu lòng tự trọng. Lúc đó chúng tôi không xem sổ mà chỉ bảo cụ có thể nhận và không cần mang sổ. Hôm qua, ông cụ có quay lại đây để trò chuyện. Cụ tâm sự con cháu cụ có “trách” khi biết cụ đến nhận quần áo, điều này con cháu cụ lo được. Nhưng thực sự, cụ nói cụ không nhận quần áo cho mình mà là mang phát cho những người nghèo xung quanh. Tôi không biết rõ cụ ở đâu, nhưng cụ là người rất giàu lòng tự trọng và nhân ái”, bà Quý chia sẻ.
Quầy hàng hay tủ đồ từ thiện là một mô hình mới mang lại nhiều thuận tiện, giúp những người khó khăn dễ dàng tiếp cận với tấm lòng của các nhà hảo tâm thông qua những món đồ dùng thiết yếu. Giá trị vật chất của nó có thể không nhiều nhưng lại mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn. Hy vọng, mô hình từ thiện như thế này sẽ được nhân rộng ra trên khắp cả nước. Khi tình yêu thương được lan tỏa một cách bình dị và chân thành như thế, hạnh phúc chắc chắn được nhân lên.
Cuối tháng 12, trên phố Nguyễn Chí Thanh và Quán Sứ (Hà Nội) cũng đã xuất hiện 2 quầy quần áo từ thiện miễn phí dành cho người nghèo ai thấy cũng ấm lòng.
Với khẩu hiệu trên băng rôn "Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy", 2 gian hàng quần áo từ thiện miễn phí dành cho người nghèo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng mạng khi chính thức đi vào hoạt động.