Những con số biết nói
Tính đến tháng 4/2025, tổng dư nợ tại NHCSXH TP Huế đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, với gần 1 trăm nghìn khách hàng còn dư nợ. Hơn hai thập kỷ qua, ngân hàng này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện sinh kế. Cụ thể, đã giúp hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; xây dựng hàng trăm nghìn công trình nước sạch. Ngoài ra, NHCSXH TP Huế còn giúp chi phí học tập cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, rồi hỗ trợ xây dựng hàng trăm ngôi nhà cho các đối tượng hộ nghèo, nhà ở xã hội; giúp vốn cho nhiều đối tượng chấp hành xong án phạt tù…
Bên cạnh đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Ông Phan Văn Pháp (Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Huế, đeo kính) thăm hỏi người dân tại điểm giao dịch xã Phong Thạnh (Phong Điền) |
Việc triển khai các chương trình hỗ trợ, các dự án khuyến nông khuyến ngư đã tác động tích cực đến hiệu quả sử dụng vốn vay của người dân, đồng vốn đã được đầu tư đúng mục đích, kết quả sản xuất đạt năng suất chất lượng cao hơn... và ngược lại nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH các dự án, chương trình cũng đã đạt kết quả như mong muốn.
Tín dụng chính sách đã giúp tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế giảm từ 4,93% (2021) xuống còn 1,40% (2024). Toàn tỉnh hiện có 57/78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nâng cao. Huyện A Lưới cũng đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
|
Hành trình bền bỉ – không quản nắng mưa
Sau những con số ấn tượng ấy là biết bao hành trình vất vả, thầm lặng của đội ngũ cán bộ NHCSXH. Họ là những người ngày ngày lội suối, băng rừng, vượt mưa nắng để mang dòng vốn chính sách đến tận tay người dân. Không chỉ “bám địa bàn – bám dân – bám vốn”, họ còn thực sự thấu cảm với từng hoàn cảnh, từng nỗi lo của người nghèo.
TP Huế là có địa hình đa dạng, gồm cả đồng bằng, trung du và miền núi. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa như A Lưới, Nam Đông (nay thuộc huyện Phú Lộc), vùng trũng như Phú Vang, Quảng Điền… có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn. Song điều đó không làm chùn bước của người cán bộ NHCSXH.
Khác với hình ảnh quen thuộc của ngành ngân hàng – áo sơ mi trắng, phòng lạnh… cán bộ NHCSXH thường xuyên gắn bó với cơ sở. Họ có mặt tại những buổi họp ở nhà văn hóa thôn, gặp gỡ người dân tại các phiên chợ quê, các cánh đồng, nương rẫy để tư vấn vay vốn, hướng dẫn làm hồ sơ, hay kiểm tra thực tế mô hình sản xuất.
Anh Đặng Văn Tấn (Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới) – kể lại: “Có những lần đi thẩm định mô hình vay vốn, chúng tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ qua đường rừng, có hôm trời mưa, đường trơn trượt, phải lội suối. Nhưng khi đến nơi, thấy bà con vui mừng, kể chuyện trồng rừng, nuôi bò bằng vốn vay; rồi những thành công… Chúng tôi vất vả nhưng đều xứng đáng”.
Cán bộ tín dụng không chỉ giải ngân vốn mà còn đóng vai trò như một người “cố vấn”, giúp người dân lập kế hoạch, sử dụng vốn đúng cách. Họ phối hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… để thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý chặt chẽ dòng tiền, đảm bảo vốn đến đúng đối tượng, không bị sử dụng sai mục đích.
Chị Trương Thị Như Ý (CBTD Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Vang) kể lại câu chuyện xúc động về chị Nguyễn Thị Yến (Thôn Hà Úc, xã Vinh An), một phụ nữ trở thành trụ cột gia đình sau khi chồng mất. Ba đứa con còn nhỏ, không nghề nghiệp, không người thân hỗ trợ, chị Yến như rơi xuống đáy vực.
|
Chị Ý hướng dẫn làm hồ sơ cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại nhà khách hàng vay vốn |
“Tôi và hội Phụ nữ xã đến động viên, giúp làm hồ sơ vay 15 triệu để chị mở tiệm tạp hóa. Nhờ vậy, chị Yến từng bước vượt qua, từ hộ nghèo năm 2015 đến 2023 đã vươn lên thành hộ cận nghèo và sắp thoát nghèo bền vững”. Với chị Ý, mỗi lần giúp một hộ dân vượt khó là một lần thấy công việc của mình có ý nghĩa.
Thay đổi tư duy, khơi dậy nội lực
Trước đây, nhiều người nghèo chỉ quen trông chờ vào trợ cấp. Giờ đây, nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi và được tư vấn, họ đã tự tin hơn trong sản xuất, chăn nuôi, học nghề hay khởi nghiệp.
|
Cán bộ NHCSXH TP Huế âm thầm mà rực rỡ: Những kiến trúc sư giúp người nghèo |
Chị Bùi Thị Lệ Tình (Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Trà) là một trong những cán bộ gắn bó sâu sát với cơ sở. Suốt gần 20 năm công tác, chị luôn sẵn sàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân ở các xã khó khăn như Phú Diên (Phú Vang), Phú Sơn (Hương Thủy), Quảng Thái (Quảng Điền), Hương Thọ, Bình Điền (Hương Trà).
Chị Tình chia sẻ: “Nhiều hộ lúc đầu còn e dè, ngại vay vì sợ không trả được. Mình đến tận nơi, giải thích kỹ lưỡng, rồi theo sát họ từng bước, cùng lập kế hoạch, kết nối họ với Hội Nông dân hoặc Trung tâm Khuyến nông. Dần dần họ tin mình, rồi thành công. Có người sau vài năm đã quay lại xin vay thêm để mở rộng sản xuất”.
Chính nhờ sự gần gũi, tận tâm ấy, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình đã thành công, từ nuôi bò, trồng rừng, làm mộc mỹ nghệ đến buôn bán nhỏ. Cán bộ NHCSXH không chỉ là người cho vay, mà còn là “bà đỡ” cho những khởi đầu gian khó.
Tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân
Cán bộ NHCSXH mỗi lần ghé thăm hộ vay vốn không chỉ là để kiểm tra, hướng dẫn hay giám sát việc sử dụng vốn – mà còn là dịp để họ được nghe, được thấy, được học từ thực tế cuộc sống. Từ cách người dân cải tạo đất rừng để trồng trọt, cách chăn nuôi thả rông theo tập quán bản địa, đến cách chọn giống cây phù hợp với khí hậu khắc nghiệt…
Bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Bồ Điền, phường Phong An, thị xã Phong Điền) là hộ nghèo nhiều năm nhận xét về chị Phạm Thị Kim Uyên (CBTD phòng giao dịch NHCSXH thị xã Phong Điền): “Tôi nhớ mãi cái ngày cô Uyên đến tận nhà, hỏi han động viên ân cần như người thân, hướng dẫn từng câu chữ để tôi làm thủ tục vay vốn. Cô Uyên cẩn thận giải thích cách tính lãi, cách sử dụng vốn làm sao cho có hiệu quả. Ngoài ra, cô còn “tư vấn” cho mình chọn nghề gì cho phù hợp với sức khỏe, vay bao nhiêu là vừa để làm ăn mà vẫn đủ khả năng trả nợ… Những lời nói đó tôi không bao giờ quên được”.
|
Cán bộ NHCSXH TP Huế kết nối niềm tin - khơi nguồn hi vọng |
Cách đây 1 năm chị Thanh đã được công nhận thoát nghèo; hiện tại chị đã mở được tiệm làm tóc riêng với thu nhập ổn định.
Cũng như chị Thanh, anh Nguyễn Quang P. (trú tại Thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ), người được vay vốn chương trình chấp hành xong án phạt tù, nhắc đến anh Nguyễn Trung - CBTD phòng giao dịch NHCSXH thị xã Phong Điền với lòng biết ơn sâu nặng:
“Em đánh bạc rồi bị phạt tù, lúc tái hoà nhập bản thân bị nhiều người dị nghị xa lánh... May mắn là em đã được gặp anh Trung. Anh hướng dẫn tận tình rồi được NHCSXH thị xã giải ngân số tiền 100 triệu đồng mở tiệm giặt là. Bước đầu công việc kinh doanh rất thuận lợi, thu nhập tốt. Tận đáy lòng em thực sự rất biết ơn anh Trung và NHCSXH”. Anh P nói.
Câu chuyện về NHCSXH TP Huế là minh chứng sống động cho vai trò của tín dụng chính sách trong việc xây dựng xã hội công bằng, bao trùm và bền vững. Đó cũng là hành trình của những “kiến trúc sư tương lai” – những người đang ngày ngày âm thầm thiết kế lại cuộc đời cho hàng ngàn người yếu thế.
Thiết kế tương lai cho người nghèoÔng Nguyễn Thanh Bình (Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế) đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, gần dân, sát dân của đội ngũ cán bộ NHCSXH - những người đã và đang âm thầm góp phần thiết kế lại tương lai cho người nghèo, các đối tượng chính sách.
“Đội ngũ cán bộ NHCSXH TP Huế không chỉ mang nguồn vốn chính sách đến với người dân mà còn là người bạn đồng hành, tư vấn, hỗ trợ bà con từng bước sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng đa dạng nguồn vốn cho vay, đưa dịch vụ tài chính, công nghệ, chuyển đổi số của NHCSXH đến gần dân hơn nữa”. Ông Bình nói.