Những chiêu trò
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và cũng tại thời điểm này, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ trở nên sôi động. Trước đây, tại các “chợ đen” gần đình chùa, những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động rầm rộ mấy năm gần đây do bị siết chặt nên việc mua bán tiền lẻ đã bị giảm hơn.
Tuy vậy, loại hình “kinh doanh” này không mất đi mà chỉ chuyển từ hình thức này sang chiêu trò khác. Những người “buôn” tiền lẻ chuyển từ bán công khai sang bán online, tức là rao bán trên các trang mạng xã hội, các trang web để tránh bị sự quản lý của cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo ANTĐ, chỉ cần gõ các từ khóa “đổi tiền lẻ”, “đổi tiền mới”, sẽ có hàng triệu kết quả là các trang web đổi tiền. Truy cập vào một trang web có tên miền “doitien...” và liên hệ với nhân viên ngỏ ý muốn đổi tiền lẻ có mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng, phóng viên nhanh chóng được hồi đáp, tư vấn nhiệt tình: “Bên em đổi tiền chiết khấu từ 10-20%. Loại tiền lẻ nào cũng có, mua nhiều sẽ được bán sỉ giao tận nhà. Tiền có mệnh giá càng thấp thì phí đổi càng cao đến 40%. Còn trung bình các loại tiền như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi từ 15-25%/cọc khoảng 100 đến 1.000 tờ”.
Ngoài việc đổi tiền mất phí chênh lệch, người mua tiền lẻ có thể gặp phải các chiêu trò của những người “buôn tiền”. Anh Nguyễn Mạnh Kiên (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày 18 tháng Chạp, tôi đi tìm chỗ đổi tiền. Mặc dù đã rất cẩn thận và kiểm tra kỹ càng và xác nhận là tiền thật tôi mới đồng ý trao đổi nhưng do nhìn tệp tiền mới và vẫn nằm trong cọc tiền nên tôi đã không đếm lại. Khi về đến nhà đếm lại thì phát hiện ra mỗi tệp 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng đều bị hụt 5 - 7 tờ”.
Bên cạnh đó, nhiều người khi đổi tiền mới, tiền lẻ ngoài việc tiền bị thiếu, thì những tờ tiền có số seri đẹp đều đã bị đánh tráo bằng tờ khác hoặc bị lừa một cách trắng trợn mà không biết kêu ai vì hành vi đổi tiền có chênh lệch là vi phạm pháp luật. Chị Đào Thị Bích Hà (ở quận Hà Đông, Hà Nội) than thở: “Có nhu cầu đổi tiền mừng tuổi nên tôi lên mạng tìm đổi tiền lẻ cho tiện.
Thấy giá cả hợp lý, tôi đồng ý giao hàng theo địa chỉ nơi ở. Cô gái đó yêu cầu tôi phải đặt cọc trước 10% của 10 triệu đồng muốn đổi, tức là 1 triệu đồng và khi nào nhận được tiền thì thanh toán nốt. Thấy cũng hợp lý nên tôi thanh toán bằng thẻ điện thoại. Tuy nhiên, sau khi nạp tiền cho số điện thoại đó thì gọi điện lại, bên kia đã không tiếp nhận cuộc gọi đến và được một lúc thì ngắt sóng”, chị Hà chia sẻ.
Đổi tiền có chiết khấu là vi phạm pháp luật
Hiện tại việc nhận đổi tiền mới, tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động bị cấm và vì thế cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi nhận được những lời mời gọi hấp dẫn khi đổi các loại tiền này. Đồng thời, người dân không đổi tiền lẻ, tiền mới ở những nơi không được phép.
Theo Nghị định 96/CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép có thu phí, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường… kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm về nhận đổi tiền mới, tiền lẻ.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng Internet.