Ngày 29/3, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lê Thị Vũ (SN 1987, ở Phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là trụ trì một chùa ở Hà Nội và một số bạn học cùng đại học, chị kết nghĩa củai Vũ.
Theo hồ sơ vụ án, thông qua mối quan hệ xã hội, chị Hoàng Thị L (SN 1977, ở Quốc Oai, Hà Nội) quen biết với Lê Thị Vũ. Đầu năm 2020, Vũ cần tiền kinh doanh vé máy bay nên đã vay của chị L tổng số 2 tỷ đồng, lãi suất 1,5%/tháng. Đến tháng 6/2021, Vũ cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân nên đã đưa ra thông tin gian dối với chị L.
Vũ nói với chị L là bản thân đã thay đổi hình thức kinh doanh vé máy bay thông thường sang bán vé máy bay “hồi hương” để đưa công dân từ những quốc gia có dịch Covid-19 về Việt Nam với giá 175 triệu đồng/vé (bao gồm vé máy bay, thủ tục nhập cảnh, phí cách ly y tế), sau 1 tháng, tùy từng thời điểm sẽ được lời từ 17– 47 triệu đồng/tháng/1 vé. Vũ rủ chị L cùng tham gia đầu tư. Vũ còn đề nghị chị L dùng 2 tỷ đồng mà chị L cho vay trước đó sang đầu tư vé máy bay “hồi hương”.
Để tạo lòng tin cho chị L, Vũ vào mạng xã hội Zalo, tải Công văn số 3621 về việc thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước từ 10-18/9/2021 của Cục Hàng không Việt Nam gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Sau đó, Vũ gửi cho chị L.
Do tin tưởng những gì Vũ nói là thật, chị L đã đồng ý. Từ ngày 14/6/2021 đến 26/10/2021, chị L đã chuyển hơn 38 tỷ đồng cho Vũ để đầu tư kinh doanh vé máy bay “hồi hương”. Vũ đã chuyển trả lại chị L hơn 17 tỷ đồng; còn lại 21 tỷ đồng.
Thực chất, sau khi nhận được tiền của chị L, Vũ không kinh doanh vé máy bay “hồi hương” mà lấy tiền lần sau để trả tiền gốc, lợi nhuận cho lần trước và trả nợ cho các cá nhân khác.
Trong số 21 tỷ đồng còn lại, có hơn 11 tỷ đồng là của chị L, còn lại do chị L huy động của các cá nhân khác. Theo lời khai của chị L, khoảng đầu tháng 8/2021, chị L đến một ngôi chùa ở Quốc Oai lễ thì gặp ông Nguyễn Văn Đ (trụ trì chùa). Ông Đ rủ chị L đầu tư kinh doanh “tiền ảo Bitcoin”.
Khi đó, chị L nói mình đang kinh doanh với người em kết nghĩa tên Lê Thị Vũ về lĩnh vực vé máy bay “hồi hương” lợi nhuận cao, chị không biết kinh doanh tiền ảo Bitcoin nên không đầu tư. Ông Đ hỏi chị L hình thức đầu tư vé máy bay “hồi hương” như nào thì chị L nói lại thông tin Vũ đã nói với chị. Tuy nhiên, chị L chỉ nói với ông Đ lợi nhuận khoảng 15 – 37 triệu đồng/1 vé (thấp hơn lợi nhuận của Vũ đưa ra từ 2 – 10 triệu đồng). Nghe vậy, ông Đ đã rủ bạn là ông Đỗ Danh S đến gặp, trao đổi cùng đầu tư với chị L.
Sau đó, ông Đ và ông S đã chuyển tiền cho chị L. Sau khi nhận tiền từ 2 người trên, chị L đã chuyển ngay cho Vũ. Đến kỳ hạn Vũ trả tiền gốc và lợi nhuận, chị L cũng chuyển ngay cho ông Đ và ông S. Chị L được hưởng lợi nhuận từ khâu trung gian tổng số 170 triệu đồng.
Tương tự thủ đoạn trên, Vũ đã chiếm đoạt của chị Lê Thị Thu H (SN 1988, ở Thái Nguyên), là bạn học cùng đại học với Vũ số tiền hơn 7,2 tỷ đồng thông qua việc rủ kinh doanh vé máy bay “giải cứu, hồi hương”, đưa công dân Việt Nam từ các nước đang có dịch Covid-19 về.
Bằng phương thức trên, Vũ đã chiếm đoạt của 6 bị hại với tổng số tiền hơn 51,7 tỷ đồng.
Bị đưa ra tòa xét xử, bị cáo Vũ khai nhận hành vi phạm tội của mình. Vũ khai số tiền chiếm đoạt được của các bị hại, bị cáo dùng để mua vé máy bay. Trước lời khai của bị cáo, HĐXX nói: “Các bị hại cho rằng bị cáo dùng tiền đó để đầu tư kinh doanh, mua đất đai. Nếu chỉ dùng tiền để mua vé máy bay, không thể hết hơn 50 tỷ đồng được. Bị hại cho rằng bị cáo “hy sinh đời bố, củng cố đời con không”. Bị cáo Vũ nói không.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Vũ tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”./.