Phải phát huy vai trò thực chất của Mặt trận
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc, đại đoàn kết chính là tư tưởng của Bác Hồ, của Đảng gần 90 năm qua, nhờ vậy đã tập họp toàn dân đi theo Bác Hồ, cách mạng để có hòa bình, độc lập ngày hôm nay. Tổng Bí thư đã đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh đoàn kết vô địch của nhân dân và vai trò quan trọng của Mặt trận luôn luôn song hành với Đảng từ ngày thành lập Đảng: “Có những lúc chỉ thấy hoạt động của Mặt trận mà không thấy hoạt động của Đảng (vì phải hoạt động bí mật) trong suốt thời gian dài từ năm 1945 đến năm 1975. Những năm kháng chiến chống Pháp, hiện diện Mặt trận Việt minh và Bác Hồ. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30 năm ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960, lúc đó chưa có Đảng nhân dân cách mạng miền Nam. Do vậy Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là người tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hình thành Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam để đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng giặc Mỹ”.
Khen ngợi thành tích nhiều mặt về đời sống của bà con nhân dân thôn Thượng Điền, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quên nhắc nhở: “Không nên chủ quan, trước mắt còn nhiều khó khăn, vì vậy cần đoàn kết hơn, làm việc tốt hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, chính quyền, sự vận động của Mặt trận và các đoàn thể. Tổng Bí thư còn nhắc nhở: Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ, sứ mệnh của mỗi cán bộ Mặt trận phải làm cho hoạt động của Mặt trận xứng đáng hơn với vai trò người tổ chức đoàn kết, tiếp tục tập họp để tạo phong trào đoàn kết”.
Sau khi khen ngợi thành tích của bà con nhân dân thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Cạn trong cải thiện đời sống nhiều mặt, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó nhau hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Muốn thành công trong thời đại xã hội công nghệ thông tin, Đảng, chính quyền, Mặt trận phải thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân nói sự thật. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) phải nắm được tâm tư của nhân dân để kiến nghị Đảng, Nhà nước ban hành chính sách phù hợp, làm tốt công tác hòa giải. Cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ để công tác Mặt trận ngày càng đi sâu, phù hợp với đời sống thực tiễn. Cần nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và những công dân là người dân tộc thiểu số để các cuộc vận động do Mặt trận phát động có chất lượng, thực chất hơn; chú ý bồi dưỡng thế hệ trẻ để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Xây dựng gia đình hạnh phúc tạo nền tảng xã hội
Ngày 12/11/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu với thanh niên đã đặc biệt lưu ý đến mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc: “Gia đình là chỗ dựa tương lai của thành phố, đất nước; gia đình có hạnh phúc, đất nước mới phát triển bền vững”.
Để có được nền tảng xã hội tích cực, Ủy viên Tung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh: Phải xây dựng người tốt, gia đình tốt để xây dựng xã hội tốt. Đó là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn xã hội. Gia đình là nền tảng của xã hội. Một xã hội lành mạnh chắc chắn phải được hợp thành từ những gia đình hạnh phúc. Và việc xây dựng gia đình hạnh phúc chính là đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp 2013 vào cuộc sống.
Sinh thời Bác Hồ viết cuốn sách “Đời sống mới” với nội dung sau: văn hóa là học chữ, xây dựng người là xây dựng người tốt, gia đình tốt, làng tốt để đất nước phú cường. Bác Hồ còn nhắc nhở mọi cán bộ: “Cần kiệm, liêm chính trong 7 vấn đề lo cho dân: ăn, mặc, ở, học hành, việc làm, sức khỏe, đi lại. Làm được việc này, chính là xây dựng “gia đình hạnh phúc”.
Nhận thấy Ban CTMT khu phố chưa phải là nấc thấp nhất, gần dân nhất, sát gia đình nhất, đã đặt ra việc thí điểm hình thành tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố gồm các thành viên thuộc Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... sinh sống đông đảo ở địa bàn dân cư này. Gia đình thực chất là một “Mặt trận thu nhỏ” khi có nhiều thành viên là những người tham gia các tổ chức khác nhau trong “ngôi nhà Mặt trận”. Câu chuyện thí điểm tổ CTMT tại Khu phố 4, phường 7, quận 3, TPHCM đã chứng tỏ việc phát huy vai trò thực chất của Mặt trận khi thực sự gần dân. Như một gia đình có hoàn cảnh éo le ở địa chỉ 6C Tú Xương, P.7, Q.3: người vợ tật nguyền với đồng lương 6 triệu đồng tháng, chịu khó nuôi người chồng đi bộ đội về, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa thân người, 2 con gái học cấp 3. Tổ CTMT đã phân công thành viên Mặt trận, cựu chiến binh, người cao tuổi quan tâm người cha, thành viên Hội Phụ nữ quan tâm người vợ, Đoàn Thanh niên quan tâm 2 thanh niên nữ. Trong vòng 2 năm đã giúp hộ nghèo này lên cận nghèo và cuối năm 2017 thoát nghèo, 2 cháu gái trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và khi học xong sẽ giúp 2 cháu có việc làm. Gia đình nghèo này đã trở thành gia đình hạnh phúc. Và qua thí điểm đã bước đầu tạo được mô hình Mặt trận phối hợp thống nhất hành động với các đoàn thể thành viên trong xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn khu dân cư.