Mất uy tín trầm trọng, Vinaconex đứng trước nguy cơ bị thay

(PLO) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trường hợp Vinaconex không đủ năng lực và điều kiện thực hiện giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội, thành phố sẽ chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến truyền dẫn từ Hòa Lạc về đường vành đai 3...
Đường ống dẫn nước từ Hòa Bình về đã bị vỡ 8 lần, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của 70.000 hộ dân
Đường ống dẫn nước từ Hòa Bình về đã bị vỡ 8 lần, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của 70.000 hộ dân
Chỉ vài ngày sau khi Trạm cấp nước Mỹ Đình II phải dừng hoạt động vì nước nhiễm asen quá mức cho phép thì ngay trong ngày Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chất vấn về vấn đề nước sạch, đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ lần thứ 8. Sự cố về đường ống nước sông Đà ảnh hưởng trực tiếp đến 70 nghìn hộ dân. 
Trực tiếp trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 8 và chủ đầu tư hứa khắc phục sự cố ngay trong đêm. Như vậy, qua 5 năm vận hành, đường dẫn nước sông Đà về Hà Nội đã  7 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống truyền dẫn, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho nhân dân.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, về lâu dài thành phố đã chỉ đạo Vinaconex lập dự án đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội, trong đó ưu tiên đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 để triển khai từ tháng 9/2014.
Vinaconex không đủ năng lực, thành phố thay chủ đầu tư khác
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, trường hợp Vinaconex không đủ năng lực và điều kiện thực hiện, thành phố sẽ chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến truyền dẫn từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 và thành phố sẽ mua nước sạch của Vinaconex từ Hòa Lạc để cung cấp về trung tâm thành phố, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp ổn định cho nhân dân vào mùa hè năm 2015.
Rút kinh nghiệm lần trước, việc thi công tuyến đường ống truyền dẫn số 2 này thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc giám sát, kiểm tra từ khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình… để bảo đảm chất lượng và bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành.
“Thành phố đã yêu cầu công ty xây dựng ngay 10km đường ống chạy qua vùng đất yếu thường xuyên bị vỡ và mong người dân thông cảm, chia sẻ” – ông Hùng nói.
Viwaco cấp nước cho khu đô thị Mỹ Đình từ ngày 11/7
Liên quan đến việc nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 có nồng độ asen cao gấp 4 lần mức cho phép, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định nguyên nhân là do chủ đầu tư xây dựng trạm nước, khai thác nước ở tầng trên nên bị ô nhiễm, cộng thêm việc chủ đầu tư vận hành khai thác quá mức đã dẫn đến tình trạng nước nhiễm độc. 
“Sau khi phát hiện Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đã đình chỉ không cho khai thác, giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) cấp nước vào khu đô thị với công suất 300m3/ngày đêm. Từ ngày 11/7, sẽ đấu nối thêm đường ống nước, đủ đảm bảo nước sạch phục vụ cho 1.200 hộ dân tại đây” - ông Hùng cho biết.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để huy động nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á để triển khai dự án. 
Ngoài ra, thành phố sẽ nâng cấp Nhà máy nước Sơn Tây lên 10.000m3/ngày đêm, chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Vinaconex để nghiên cứu đầu tư Nhà máy Nước sạch Hòa Bình giai đoạn 2 (công suất 300.000m3/ngày đêm), đưa tổng công suất cấp nước Nhà máy Nước Hòa Bình lên 600.000m3/ngày đêm; từng bước giảm khai thác nước ngầm; đồng thời tăng cường, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất về chất lượng nước sạch, đảm bảo an toàn…

Đọc thêm