Đến khu tập thể B5 - Giảng Võ trên đường Núi Trúc, câu chuyện nước thải đùn vào nhà đang khiến nhiều người dân thuộc tầng 1 Khu tập thể B5 Giảng Võ tỏ ra vô cùng bức xúc. Phải gánh chịu cảnh nước thải tràn vào nhà, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khắp mọi nơi. Cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh của mọi người bị đảo lộn hoàn toàn.
Vào nhà là phải ngửi mùi hôi thối
Khu tập thể B5 Giảng Võ được xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 40 năm. Tuy nhiên, hơn nửa tháng nay, 10/12 hộ dân thuộc tầng 1 khu tập thể này phải chịu cảnh nước thải “tấn công” vào nhà. Các hộ dân này đều phải sắm máy bơm và dùng nhiều biện pháp khử mùi để xử lý nước thải, nước cống ra khỏi nhà để hạn chế tình trạng ngập úng.
Đặc biệt hơn, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn, vào buổi tối nhiều người dân không thể ngủ được do mùi hôi thối. Phần nữa, mỗi hộ dân đều phải có người túc trực dùng máy bơm để tránh nước chàn sâu vào nhà.
Căn hộ của bà Chung bị ảnh hưởng lớn nhất từ việc nước thải đùn vào nhà. |
Theo bà Nguyễn Thị Chung (70 tuổi), hộ dân ở tầng 1 khu tập thể B5 chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc ngập úng nước thải cho biết, nhà bà đã phải chịu cảnh nước thải đùn vào trong nhà từ ngày 7/6. Nước cống ngập lênh láng từ ngoài đường vào đến tận đầu giường của bà ở.
“Từ ngày gia đình tôi phải chịu cảnh ngập nước cống, ngửi mùi thối đến nhức óc tôi thấy rất mệt mỏi, căn bệnh thấp khớp của tôi lại tái phát do phải lội nước bẩn hàng này. Tôi đã kiến nghị lên chính quyền phường Giảng Võ nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để”. – bà Chung bức xúc chia sẻ.
Ngoài việc dùng máy bơm nước thải ra đường, gia đình bà Chung còn xây thêm tường chắn nước vào phòng. |
Cũng theo bà Chung, nước thải ngập vào nhà bà rất khó thoát ra ngoài. Gia đình bà cũng đã dùng nhiều cách để đối phó nhưng đều không có tác dụng. Nhiều vật dụng trong nhà phải gác lên cao để tránh hư hỏng do ngập nước nhiều ngày.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại căn hộ của anh Chu Hoàng Huy, một đường ống nước chạy dọc từ trong nhà ra tới đường với mục đích để bơm thoát nước thải. “Tôi phải ở nhà để bơm nước, cứ khoảng 30 phút lại phải bật máy bơm để tránh nước chàn sâu vào nhà. Hàng ngày cứ phải loay hoay vào việc này mà không làm được việc khác.” – anh Huy chia sẻ.
Mùi hôi thối bốc lên khắp phòng và chiếc ống dài ngoàn nghèo trong nhà anh Huy. |
Bên cạnh đó, anh Huy phải sơ tán vợ và con đi nơi khác sống tạm vì không ngửi được mùi hôi thối mỗi ngày. Điều này rất dễ gây bệnh tật cho trẻ em.
Đồng cảnh ngộ như trên, căn hộ của ông Đặng Kim Anh (78 tuổi) cũng sống chung với nước thải bẩn trong nhiều ngày qua: “Nhà tôi ở phía cuối khu tập thể, mọi “sản phẩm” đều dồn ứ vào nhà tôi. Dùng đủ mọi cách rồi mà vẫn thế, đành phải đợi kết quả và hướng khắc phục từ cơ quan chức năng.”
Nước ngập vào nhà dân do công trình thi công?
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, bà Vũ Thị Ty - Phó tổ trưởng tổ dân phố tổ 21 (khu tập thể B5 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Sự việc bắt đầu từ ngày 7/6 và tới ngày thứ 11/7 đã có tới 10 hộ dân phải chịu cảnh nước thải chàn vào nhà. Tổ dân phố đã có nhiều lần họp về vấn đề này và làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng liên quan. Tuy nhiên, tới nay chúng tôi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân và hướng khắc phục như thế nào. Đời sống của các hộ dân chịu nhiều khó khăn.”
Nước thải ô nhiễm trong nhà được bơm trực tiếp ra đường. |
Theo suy đoán của những người dân ở khu tập thể B5, nguyên nhân dẫn tới sự việc nước thối tràn ngập vào nhà này là do khi dự án Tổ hợp khách sạn Sao Phương Đông phía sau tòa nhà B5 thi công đã ảnh hưởng tới đường cống chạy dọc theo dãy nhà B5, hàng loạt nhà dân phía trước bị tràn nước cống lên nền nhà.
Dự án đang thi công phía sau khu tập thể B5. |
Theo ông Đặng Kim Anh – người dân sống lâu năm nhất ở tập thể B5 này khẳng định: “Tôi đã sống ở đây gần 40 năm, gia đình tôi chưa bao giờ bị ngập úng nước thải như thế này. Chỉ khoảng nửa tháng trở lại đây, nước thải tràn vào nhà không thể thoát ra ngoài và chưa bao giờ tình trạng này xảy ra.”
Người dân nơi đây vẫn đang chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc và giải quyết vấn đề này giúp người dân để người dân được sinh hoạt và buôn bán bình thường trở lại./.