Mâu thuẫn quanh cây cầu bắc qua kênh ở Tiền Giang: Nhiều lần hòa giải vẫn chưa thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND xã Hưng Thạnh (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã tiến hành hơn 20 cuộc hòa giải xung quanh việc xây dựng cây cầu bắc qua kênh 19/5 nhưng vẫn chưa có kết quả.
Cây cầu cũ đã xuống cấp nặng nên ông Đực không còn đường nào khác để đi vào đất canh tác. (Ảnh: Như Anh)
Cây cầu cũ đã xuống cấp nặng nên ông Đực không còn đường nào khác để đi vào đất canh tác. (Ảnh: Như Anh)

Trước đó, tại ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh, khu vực nằm trong đê 19/5 đã có cây cầu trụ bê tông, trên lót ván gỗ, làm vào năm 1992 để hỗ trợ việc gia đình ông Nguyễn Văn Đực đi lại canh tác. Hiện nay cầu xuống cấp nặng, cộng thêm con kênh không còn đi lại bằng xuồng ghe được. Đường bộ cũng không có đường nào đi vào đất để làm ruộng.

Ngày 2/5/2021, gia đình ông Đực có viết đơn xin phép UBND xã cho sửa cầu và nâng cấp lại cầu bằng bê tông và được sự chấp thuận (có biên bản cho phép làm theo quy định, với chiều cao, rộng như các cầu khác). Dự kiến số tiền xây cầu hơn 100 triệu đồng do gia đình ông Đực bỏ ra toàn bộ. Tuy nhiên, trong thời gian này, do dịch bệnh phức tạp nên ông đã tạm ngưng thi công theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 17/6/2022, khi ông Đực chuẩn bị tiếp tục xây dựng cầu thì bị gia đình em ông Đực cản trở. Em ông Đực cho rằng việc xây dựng cầu sẽ làm mất mỹ quan thửa đất của ông nằm đối diện bên kia đường.

Vụ việc tranh chấp kéo dài. Đến ngày 04/11/2022, UBND xã Hưng Thạnh ra thông báo tạm đình chỉ việc bắc cầu của ông Đực.

Ngày 8/12/2022, UBND xã có Thông báo 814/TBUBND về việc thống nhất cho ông Đực xây cầu qua đê 19/5. Trong đó, có nội dung việc khiếu nại của em ông Đực không đủ điều kiện thụ lý và cho gia đình ông Đực làm cầu qua đê 19/5. Nhằm giảm sự căng thẳng từ gia đình em ông Đực, UBND xã yêu cầu vị trí cầu phải dời đến vị trí khác cách cầu cũ khoảng 30m (khoảng giữa từ vị trí cầu cũ đến vị trí ranh đất của em ông Đực).

Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Đực vẫn chưa bắc được cầu để vào đất canh tác khiến ruộng đất bị hoang hóa. Dù đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những vẫn chưa giải quyết được vì em ông Đực cũng có đơn thưa nhiều nơi.

“Ròng rã gần 3 năm nay, gia đình chúng tôi vẫn không thể xây dựng cầu. Quá trình xử lý vụ việc, chúng tôi đã có nhiều đơn gửi đến UBND xã, UBND huyện nhưng vẫn không được giải quyết ổn thỏa. Việc khiếu nại của em tôi có lý do không hợp lý nhưng gia đình tôi cũng chấp nhận dời vị trí xây cầu đến chỗ khác cách 30m, gây thiệt hại vì các trụ cầu đã mua và tính toán theo vị trí cầu cũ. Tuy nhiên, hiện tại gia đình tôi vẫn chưa được phép xây dựng, việc canh tác không thể thực hiện được”, ông Đực nói.

Các trụ cầu dựng dở bỏ không nhiều năm nay. (Ảnh: Như Anh)

Các trụ cầu dựng dở bỏ không nhiều năm nay. (Ảnh: Như Anh)

Ông Hồ Tấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh cho biết, phần đường nông thôn và hành lang tiếp giáp đường kênh 19/5 do chính quyền quản lý, không phải của riêng em ông Đực. Để vào được đất của ông Đực thì không còn đường nào khác ngoài cây cầu cũ đã có sẵn. Địa phương không muốn sự việc căng thẳng nên có đến hơn 20 lần hòa giải nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất việc này.

Trước đó, ngày 13/10/2023, ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cũng đã có buổi hòa giải với hai gia đình. Tại cuộc hòa giải, ông Phong nói: “Các ban, ngành, đoàn thể đã vận động rất nhiều lần. Tôi thấy dời đến vị trí ranh (cách cầu cũ khoảng 60m - NV) thì cũng không tốn kém bao nhiêu. Đồng thời, hai bên gia đình nên suy nghĩ lại, khi có thống nhất chung thì liên hệ với UBND xã giải quyết”.

Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã làm hết trách nhiệm của mình. Nếu các bên kiện ra tòa và có bản án của tòa thì UBND xã sẽ thực hiện theo bản án đó; hoặc UBND huyện có công văn chỉ đạo cho ông Đực xây cầu tại vị trí cũ thì xã sẽ hỗ trợ bảo đảm an ninh.

Đọc thêm