Máu vẫn đổ giữa thời bình

(PLVN) - Hơn 40 năm, chiến tranh tưởng đã lùi xa. Nhưng vẫn còn đó những hy sinh thầm lặng và máu vẫn đổ cho cuộc sống bình yên. Đó là những người lính canh giữ từng tấc đất phên dậu Tổ quốc, đó là những người lính phi công như cánh hạc trắng về trời… Các anh ra đi đột ngột khi đang làm nhiệm vụ, để lại cho người thân, đồng đội những khoảng trống mênh mông…
Đại úy Lê Văn Đình trong một chuyến bay cùng đồng đội.

“Anh đi tý rồi về”

Gần đây nhất, ngày 4/6, tại Đồn Biên phòng Bát Mọt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã tổ chức lễ truy điệu, an táng Thiếu tá Vi Văn Nhất theo nghi thức quân đội. Thiếu tá Nhất công tác tại Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BCH BĐBP Thanh Hóa), anh hy sinh khi truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy vào chiều 3/6.

Thiếu tá Nhất ra đi để lại mẹ già, người vợ trẻ và hai con nhỏ thơ dại (một bé gái 4 tuổi và 1 bé gái nhỏ mới 14 tháng tuổi). Thông  thường, anh đi phá án vài tháng mới qua nhà thăm gia đình. Không ngờ, đây là dịp anh công tác gần nhà thì lại hy sinh trên chính quê hương mình. Người vợ trẻ không thể tin nổi anh đã mãi mãi ra đi. Bởi trước đó, anh chào chị: “Anh đi tí là về”, như chỉ chạy đi có việc chút rồi về ngay mà thôi…

Trước đó, vào chiều 3/6, khi tổ công tác của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Thanh Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng Bát Mọt tiến hành tuần tra tại khu vực Km131 thì phát hiện một người đàn ông mang túi vải khả nghi nên tiến hành kiểm tra.

Để giải cứu đồng bọn có nguy cơ bị phát hiện, bắt gọn, một đối tượng ẩn nấp từ xa đã dùng súng quân dụng bắn thẳng vào đội hình, khiến 3 chiến sỹ biên phòng bị thương. Do mất nhiều máu nên đến 18h cùng ngày, Thiếu tá Vi Văn Nhất đã hy sinh; 2 cán bộ khác là Đại úy Nguyễn Bình Minh và Trung úy Vũ Xuân Phương bị thương nặng, đã được đưa đến bệnh viện tích cực cứu chữa.

Trong lúc hỗn loạn, các đối tượng vận chuyển ma túy đã lợi dụng địa hình phức tạp chạy về phía bên kia biên giới tẩu thoát. Tại hiện trường, tổ công tác đã thu giữ tang vật là 12.000 viên ma túy tổng hợp…

Được biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP Thanh Hóa đã xác lập đấu tranh thành công 4 chuyên án, phối hợp đấu tranh 3 chuyên án, bắt giữ 9 vụ, 9 đối tượng. Tang vật thu giữ 6kg ma túy đá, 4kg nhựa thuốc phiện, trên 48.000 viên ma túy tổng hợp, 180 viên đạn súng cạc bin và nhiều tang vật khác…

Vào tháng 3/2017, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Trong 20 năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phát hiện, khám phá thành công trên 172.000 chuyên án, bắt giữ trên 283.000 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ số lượng lớn tang vật và triệt phá nhiều điểm, tụ điểm ma túy phức tạp.

Có 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và quần chúng nhân dân anh dũng hy sinh; đó chưa kể tới hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bị thương, nhiều cán bộ, chiến sỹ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS. Đó cũng là một “lát cắt nhanh” phản ánh tính chất khốc liệt của mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy, nơi máu vẫn phải đổ giữa thời bình.

Có thể thấy, trên khắp miền biên giới nơi thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có các anh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính Biên phòng vẫn từng ngày, từng giờ ra sức bảo vệ và dựng xây biên cương của Tổ quốc ngày thêm giàu đẹp.

Những tấm gương hy sinh thầm lặng của những người chiến sỹ nói chung và Bộ đội Biên phòng nói riêng không thể kể hết. Đó là những trận lũ quét thường xuyên nơi biên cương. Các anh luôn kịp thời có mặt khi mưa lũ hung dữ ào về. Với quyết tâm bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân là trên hết, hành động xả thân quên mình của Thượng tá Cao Đăng Cường, Chính trị viên và Đại úy Nguyễn Thành Chủng, Đội trưởng Đội tổng hợp đảm bảo Đồn Biên phòng Yên Khương, BĐBP Thanh Hóa, trong lúc phối hợp với địa phương (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) hỗ trợ nhân dân phòng chống lũ lụt.

Điều không may đã ập đến, các anh bị nước lũ cuốn trôi ngày 10/10/2017. Sự ra đi của các anh đã để lại niềm tiếc thương, nỗi đau vô hạn đối với đơn vị, gia đình và bạn bè. Họ là những tấm gương sáng ngời, là minh chứng về lòng quả cảm, tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người lính xưa và nay…

Và những cánh hạc về trời

Mới đây, sáng 16/6/2019, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Phòng không Không quân tỉnh Khánh Hòa, nhiều đồng đội khoác áo bộ binh, hải quân, cảnh sát biển và đông đảo người dân, người thân gia đình thắp nén hương tiễn đưa hai người con ưu tú - phi công Thiếu tá Lê Xuân Trường và Thiếu úy Đào Văn Long hi sinh sáng 14/6 trong chuyến bay IAK-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân thuộc Quân chủng Phòng không về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Vào sáng 14/6, chuyến bay máy bay IAK-52 thực hành bay huấn luyện trên bầu trời Khánh Hòa như bao ngày khác. Sau khi hoàn thành bài tập bay trên không trung, chiếc máy bay số hiệu 09 của Trung đoàn 920 trên đường bay về đơn vị thì bỗng dưng mất liên lạc với sở chỉ huy lúc 09 giờ 35 phút.

Khi radar đất liền không bắt được tín hiệu từ máy bay, phía Đài bay kỹ thuật của Trung đoàn đã khẩn cấp triển khai các biện pháp tìm kiếm, phát hiện và tiếp cận máy bay rơi tại Chân Đập Suối Dầu, Nha Trang, Khánh Hòa.

Người dân sống quanh vùng Suối Dầu nghe tiếng nổ lớn, cột khói bốc cao, chạy tới thì phát hiện một phi công đã tử vong bị kẹt trong khoang máy bay, một phi công bị văng ra khỏi máy bay cách chừng hơn 10 mét, họ nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng cũng hi sinh ngay sau đó.

Những lễ tang trang trọng, đau thương tiễn đưa liệt sỹ giữa thời bình.

Trong hai phi công tử nạn,  mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Nếu Thiếu tá Lê Xuân Trường được biết đến là người chồng mẫu mực thương yêu vợ con, thì  Thiếu úy Đào Văn Long là người con hiếu thảo. Chàng trai 21 tuổi chưa một lần yêu, để lại dang dở với bao ước mơ hoài bão…

Còn nhiều lắm những chuyến bay các anh đi làm nhiệm vụ và mãi mãi ở lại với trời xanh, mây trắng như thế… Còn nhớ, chiếc Su-22U rơi tại Nghệ An, tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn và tuần thám CASA 212 làm nhiệm vụ tìm kiếm bị mất liên lạc, Mi171 rơi tại Thạch Thất… là những vụ tai nạn máy bay quân sự nghiêm trọng tại Việt Nam trong những năm qua.

Sáng 14/6/2016, tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn ở vùng biển phía đông Nghệ An, gần đảo Mắt khi đang bay huấn luyện. Trên máy bay có Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và thượng tá Trần Quang Khải. Một ngày sau, Thiếu tá Cường được tàu ngư dân cứu sống. Ngày 17/6, thi thể phi công Trần Quang Khải được tìm thấy. 

Ngày 16/6/2016, tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vỹ khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công trên chuyến bay Su-30MK2. Trên máy bay có 9 quân nhân. Ngày 23/6, tìm thấy mảnh vỡ máy bay Su 30MK2 và động cơ máy bay CASA số hiệu 8983 cùng nhiều thi thể thành viên phi hành đoàn.

Vào lúc 7h53 ngày 7/7/2014, chiếc trực thăng Mi171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916 chở theo 21 chiến sĩ thực hành huấn luyện bay đã bị cháy động cơ, rơi tại khu vực thôn 11, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội. Vụ tai nạn khiến 16 chiến sĩ hy sinh tại hiện trường. 5 chiến sĩ chuyển đến Viện Bỏng quốc gia cấp cứu, nhưng 4 người đã tử vong sau đó. Hiện còn duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương sống sót. 

Ngày 26/1/2003, chiếc trực thăng Mi-8 xuất phát từ đoàn bay Trung đoàn 954, Sư đoàn 372 tại Đà Nẵng chở đoàn cán bộ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và phóng viên từ sân bay Vinh đi đảo Hòn Mê (thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Lúc 15h43 cùng ngày chiếc máy bay cất cánh từ Hòn Mê ra Hòn Mắt trong thời tiết sương mù dày đặc. Khi vừa rời mặt đất được 2 phút, do không nhận ra hướng bay nên máy báy đâm vào vách núi tại Hòn Mê, gây tiếng nổ lớn khiến toàn bộ chiếc máy bay bốc cháy.

Tất cả 15 người cùng phi công trên máy bay đều tử nạn, trong đó có Trung tướng Trương Đình Thanh - Tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tuấn - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4.

Vỹ thanh

Còn nhớ những ngày mùa hè đau thương ba năm trước, khi tôi có mặt tại nhà Đại úy Lê Văn Đình, khi đồng đội đang nỗ lực tìm kiếm các anh trong tuyệt vọng. Mẹ và vợ anh nói, nếu anh có rơi xuống biển cũng vẫn tin anh còn sống, vì anh bơi rất giỏi.

Chị Thắm, người vợ trẻ sau 2 năm yêu xa mới cưới của anh kể, ngày 16/6/2016, trước khi lên chuyến bay CASA 212, anh Đình gọi điện báo chuẩn bị lên đường tìm đồng đội mất tích, như thói quen trước mỗi chuyến bay. Anh hỏi chuyện con và nhắc vợ giữ gìn sức khỏe. Chị kể, hôm chồng gọi điện, chị còn trêu bé thứ hai (mới hơn 1 tháng tuổi) nhớ bố lắm, anh về bế con …

Vợ người lính không quân cho biết, chồng mình xuất thân từ lính đặc công nước ở Quảng Ninh, được mệnh danh “Đình rái cá”, vì bơi và hoạt động dưới nước rất giỏi. Anh được lựa chọn làm phi công máy bay trong số những chiến sĩ xuất sắc toàn quốc.

Tay bế em bé mới sinh, chị tâm sự, chính anh Đình đã đặt tên cho bé: “Cháu lớn ra đời vào mùa hè, là con gái, anh đặt tên Hạ Bình, với mong muốn con sẽ là mùa hè bình yên cho ba mẹ. Đứa thứ hai, con trai, anh đặt tên Bình Minh, nghĩa là giây phút bình an khi mặt trời mọc, cũng là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày, khung cảnh mà phi công yêu thích nhất”...

Những ngày ấy và cho tới tận bây giờ, khi những cánh bay sượt qua cửa sổ (hồi ấy anh chị mới vay mượn mua được căn chung cư nhỏ ngay gần đơn vị anh), chị vẫn như nhìn thấy anh, người chồng cao lớn và ấm áp ấy, bởi anh “chưa từng lỡ hẹn với ai”…Nhưng cái ngày định mệnh ấy, anh cùng 8 đồng đội khác của mình, những người lính đã qua hàng ngàn giờ bay, đã không thể trở về với gia đình, đồng đội được nữa… 

Đọc thêm